Bên Kia Cánh Cửa
“Định mệnh vĩ đại nhất của con người phải chăng chính là tình yêu? Trong tình yêu, dù đứng giữa bãi rác hôi thối nồng nặc, chỉ cần đứng lặng mình và chìm đắm cũng có thể cảm nhận được sự vất vưởng của hương thơm dịu nhẹ ám vào cơn gió từ những cánh đồng hoa xa tít tắp. Trong tình yêu, mọi chiếc mặt nạ tinh vi bỗng nhiên rơi rụng, và chúng ta đứng đó trần truồng như thuở hồng hoang, mặc kệ ngoài kia cả nhân gian đang giẫm đạp, chém giết… mặc kệ sông núi đang đảo lộn… mặc kệ hành tinh này đang đi vào kỳ tận diệt… Trong tình yêu, người ta sẽ quên cả quyền lực bao trùm thiên hạ, quên cả ham muốn đạt tới Chân - Thiện - Mỹ, thậm chí quên cả Thượng Đế… Và có vẻ như Thượng Đế luôn ngăn cản chúng ta tìm thấy chúng ta để có thể nhớ tới Ngài, cầu xin Ngài cứu vớt khỏi nỗi cô đơn đến tuyệt vọng này. Hoặc rằng chúng ta phải tìm cách lãng quên, và cứ lặng lẽ chết đi trong ngày phán xét cuối cùng…”
Từ xưa tới nay, tình yêu luôn là đề tài chính trong nhiều câu chuyện và là nguồn cảm xúc vô tận cho nhiều nhà văn. Cũng việt về đề tài tình yêu nhưng những câu chuyện trong tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” của nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên lại mang đến cho độc giả những cảm xúc đặc biệt thật khó gọi thành lời. Những nỗi buồn miên man cứ thấm dần qua từng câu chuyện và đi vào lòng người đọc.
Cả cuốn sách dường như là một cuộc hành trình của nỗi buồn, từ “lạc lõng” trong một thế giới mà bản thân chẳng thể tìm thấy mình trong đó:
“Ta chỉ là kẻ phiêu bạt quẩn quanh giữa một thế giới không có điểm bắt đầu và cũng chẳng bao giờ có ngày kết thúc…
Mọi sợi dây ràng buộc đều tan rã nhưng lại chẳng thể cất cao đôi cánh…”
… đến “lang thang”trong những hoang hoải vô định
“Lang tha a9e3 ng - Là một trạng thái của kẻ vô định.
Một kẻ đi tìm chính mình nhưng chỉ thấy hư vô…”
…trong một thế giới của những điều “siêu tưởng”:
“Khi chúng ta chạm tay vào thứ không thể…
Và mỉm cười nhảy vào những điều ảo tưởng…
Bởi còn có gì hư ảo hơn cả cuộc sống nữa đâu?…”
…và cuối cùng là sự giải thoát trong “mộng mị”:
“Đau đớn là yếu tố cần thiết để đánh thức ta khỏi cơn mộng mị. Trong mộng mị, mọi thứ ta chạm vào cứ thể như là hư không. Trừ phi, ta coi mộng mị như một cõi thực. Nhưng thức dậy rồi thì sao? Ta những tưởng cõi ta đang tồn tại ấy là thực, và ta cười nhạo kẻ khác vì sự mê muội. Ta quên mất là, khi chạm tới đường biên, ta sẽ lại giật mình vì phát hiện ra ta chẳng qua cũng đang ở một cõi mộng khác.”
Không viết về những câu chuyện tình yêu màu hồng, không viết về những điều lãng mạn đã quá quen thuộc như bao câu chuyện tình yêu người ta vẫn thường kể, “Bên kia cánh cửa” là mang đến cho người đọc những giây phút lắng dịu để cảm nhận một khía cạnh trầm buồn khác của cuộc sống và tình yêu. Đó cũng là khía cạnh của hiện thực.