Trong lĩnh vực ăn uống, Việt Nam có nhiều nét đặc thù. Nhờ sự phong phú về gia vị, sự linh hoạt trong chế biến, món ăn Việt Nam luôn kích thích sự ngon miệng, dễ tiêu hóa, ít chất béo, nhiều chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Bởi tính đặc thù của địa hình đất nước trải dài từ Bắc chí Nam nên phong tục tập quán địa phương thể hiện qua lĩnh vực ăn uống cũng khác nhau theo từng vùng. Món ăn được chế biến với nguyên liệu sẵn có và theo khẫu vị của từng địa phương.
Bên cạnh những món ăn chung, từng miền có những món ăn đặc trưng như:
- Miền Nam với các món canh chua cá lóc hoặc cá bông lau, cá kho tộ, thịt kho nước dừa, tôm kho tàu, mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm, lẩu lươn... chả giò, bì bún, bì cuốn, gỏi cuốn, khổ qua dồn thịt, bí rợ hầm dừa, canh bầu, óc heo hầm dừa, gỏi ngó sen, dưa giá, dưa đầu heo... bánh tét, bánh bèo, bánh xèo...
- Miền Trung với các món dưa món, tré, bánh lá chả tôm, bún bò giò heo, bánh khoái, bánh nộm, bánh su sê, bánh bột lọc... cơm hến, thịt thấu, nem lụi, bò thưng, bún nước lèo, mắm tôm chua...
- Miền Bắc có ốc hấp lá gừng, bún thang, bún mọc, bún chả, bánh cuốn, mắm cà cuống, mắm rươi, vịt xáo măng, bún riêu, canh riêu cua, phở, thịt giả cầy, thịt đông, nộm sứa, xôi vò, xôi gấc, giò lụa, giò thủ, chả cá, bánh tôm...
Điểm nổi bật trong chế biến thức ăn Việt Nam là nghệ thuật sử dụng gia vị. Thông qua việc dùng gia vị, món ăn trở nên ngon miệng, mới lạ và độc đáo. Chính gia vị đã góp phần làm nên nét đặc trưng dân tộc của món ăn Việt Nam. Ngoài những gia vị thường dùng như muối, tiêu, đường, ớt, chanh, giấm, hành, ngò... Việt Nam còn có những gia vị đặc thù như nước mắm, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm... vừa làm nước chấm, vừa được sử dụng dưới hình thức gia vị.
Các loại rau, củ, đậu hạt như hành, ngò, cần, rau răm, sả, thìa là, gừng, nghệ, riềng, mè, đậu phộng, me... được dùng làm gia vị cho các món ăn đặc sản Việt Nam. Món ăn Việt Nam được pha chế linh hoạt, thay đổi hương vị theo từng thể loại, không món nào giống món nào, kể cả nước chấm hoặc nước xốt kèm theo... Mỗi món có loại nước chấm riêng, đặc biệt phù hợp với hương vị của món ăn đó.
Hiện nay, theo chiều hướng giao lưu văn hóa giữa các nước, những món ăn thuần túy dân tộc dần dần cũng được cải tiến cho phù hợp với trào lưu chung của các nước. Cách pha chế có phần gọn nhẹ và phần trình bày cũng được quan tâm để tạo sự hài hòa giữa ngon miệng và đẹp mắt làm cho các món ăn càng thêm hấp dẫn. Song song đó cũng có những món ăn được pha chế theo chiều hướng kết hợp Đông - Tây, thu hút đối tượng sử dụng rộng rãi hơn và làm cho nhân dân các nước dễ dàng xích lại gần nhau trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, tạo sự hiểu biết và đồng cảm giữa các dân tộc.