Câu chuyện bắt đầu trên một bãi biển, khi Anne-Dauphine nhận thấy cô con gái nhỏ của mình – Thaïs - bước đi hơi do dự, bàn chân vẹo sang bên. Sau hàng loạt kiểm tra, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ra rằng Thaïs mắc một căn bệnh hiếm gặp do đột biến gen, bệnh loạn dưỡng bạch cầu. Bé vừa tròn 2 tuổi và thời gian sống của bé còn rất ngắn ngủi. Căn bệnh quái ác đã cướp dần những giác quan của bé: khởi đầu là bé không còn đi được, sau đó là không nói được, rồi không nhìn được, không cảm nhận được..., và những cơn đau đớn khủng khiếp.
Buồn thay, bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó…
Cuốn hồi ký thấm đẫm tình yêu của cha mẹ dành cho con cái.
Hai Dấu Chân Nhỏ Trên Cát Ẩm đã được dịch ra 20 thứ tiếng và đã được tạp chí Pelerin trao tặng Giải thưởng dành cho cuốn hồi kí hay nhất năm 2011.
=======
Một cuốn hồi kí đau đớn
Tôi đã khóc khi đọc cuốn sách này. Không chỉ vì nó nói về bệnh tật và cái chết, mà cả vì nó toát lên những giá trị của cuộc sống: lòng dũng cảm, tình đoàn kết, tính lạc quan, tình yêu. Không than thở, không thống thiết giả tạo, Anne-Dauphine Julliand kể câu chuyện của vợ chồng cô, của gia đình cô, cuộc chiến hàng ngày của mỗi người để duy trì một sự cân bằng nhất định trong cuộc sống. Cô nói về sự mệt mỏi, nỗi tuyệt vọng, sự phẫn nộ khi được thông báo về căn bệnh của con gái, nhưng cũng nói về tình đoàn kết của gia đình và bạn bè, sự nhiệt tình và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ, lòng dũng cảm của cậu anh trai trước cô em gái luôn cần được chăm sóc đặc biệt. Nhưng chủ yếu là cô kể về tình yêu, tình yêu của người chồng luôn giúp cô vượt qua mọi trở ngại, và tình yêu của bé Thaïs, tia sáng nhỏ, “nàng công chúa dũng cảm" chịu đựng tất cả các lần điều trị, tất cả những đau đớn trên cơ thể mà vẫn giữ được nụ cười và tâm hồn trong sáng trẻ thơ.
Cuối cùng, tôi không tiếc vì đã đọc cuốn sách, nơi người mẹ kể một câu chuyện có thật, khủng khiếp nhưng vẫn đầy lạc quan và giúp ta trưởng thành hơn khi gấp cuốn sách lại.
— ADELINE de FNAC Herblay
Một bé gái tràn đầy tình yêu
Thaïs không chịu đựng căn bệnh, mà bé sống cuộc đời của bé. Chiến đấu với những gì bé có thể thay đổi, chấp nhận những gì bé không thể tránh khỏi. Thật thông minh!
Thaïs bị tước mất mọi khả năng. Bé không cử động được, không nói được, không nghe được, không hát được, không cười được, không nhìn được. Thậm chí bé không khóc được. Nhưng bé biết yêu thương. Bé chỉ làm được điều đó, hết sức mình. Thông qua những vết thương, những khuyết thiếu, những đau đớn của chính mình.
— ANGELIQUE de FNAC Metz