360 360 360 360 360
Gian hàng sách Phật giáo
Gian hàng sách Phật giáo

Vài Nét Khái Quát Logo Vẻ Đẹp Phật Pháp

Sống và lớn lên giữa vùng quê cát trắng, nắng lắm mưa nhiều, cái nghèo cái đói cứ đeo bám cả một làng quê An Bằng thời đó. Với khao khát vươn lên để hoàn thiện mình, ngày 15 tháng bảy năm 1997 Thầy đã lên chùa ….tìm cho mình một hướng đi, lý tưởng sống để tiếp tục hiến tặng cho cuộc đời những đóa hoa hiếu hạnh.

Và thời gian cứ thế trôi qua, thầy đã tu học nhiều nơi, lĩnh hội được nhiều giáo pháp của Đức Phật từ quý vị cao Tăng : Thiền Sư Nhất Hạnh, Hoà Thượng Thích Minh Châu và đặc biệt là vị Giáo thọ Thích Thái Hoà mà hiện nay Thầy đang làm phụ tá Thị giả.

Phật pháp đã thấm nhuần tâm, nhưng Thầy vẫn băn khoăn làm sao để truyền đạt Pháp của Phật đến giới trẻ, đến những Phật tử thiếu may mắn lớn lên trong chất thổ dưỡng cội nguồn tâm linh.

Với nhiều năm trăn trở, tìm vùng đất hứa để ươm hạt giống Phật. Trước đó Thầy cũng có nhiều chương trình hướng thiện cho Thanh thiếu niên, tuổi trẻ Phật giáo tại Huế, Lâm Đồng cùng với nhiều khóa tu hành thiền được Tăng thân huynh đệ tổ chức tại Phật học viện Pháp Vân, Tu Viện Bát Nhã, Tu Viện Từ Hiếu, Chùa Kim Sơn - Nha Trang v.v… Đặc biệt đầu năm 2009, năm 2010 Thầy đã tổ chức những chuyến du lịch Tâm Linh từ Sài Gòn đến Tu Viện Bát Nhã – Bảo Lộc, từ Sài Gòn ra Huế, Thành Phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ. Với thời gian từ 1-2 ngày, một tuần cho tới mười ngày, nếu như có các ngày tu quán niệm, hành hương, lễ hội văn hóa Phật giáo thì ít nhiều Thầy đã thành công trên việc thiết lập quỹ đạo thời gian hoằng pháp đến với giới trẻ buổi ban đầu sơ tâm. Những Phật tử có tâm muốn tu học, tìm hiểu Phật pháp, các Chùa cổ Phật giáo thì Thầy luôn tạo điều kiện chuyên chở những bồ đề tâm đến với bước đầu học Phật. Trong đó nhiều giới Doanh nhân, Tài tử, Nghệ sĩ, xã hội như cụ Trần Văn Giàu, Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ, P. Giáo sư Lê Cung, Doanh thương Trí Đức, Phạm Quang Định, Phạm Xuân Thệ, Hoàng Lược Hoa Sen, Phước Thịnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Hoa Phượng, Huỳnh Hoàng Thu, Thanh Bạch, Kim Tiểu Long, Ngọc Hạ v.v... Từ đó những thao thức chớm nở để hôm nay Diễn Đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp ra đời trong ánh nắng xuân chan hòa với rừng mai, hương sen tinh khiết. Tuy nhiên, lúc đó với nhân lực còn mỏng và còn nhiều khó khăn về phương tiện, trung tâm, chương trình nên việc đưa ra một biểu tượng riêng cho Vẻ Đẹp Phật Pháp là một điều đáng suy ngẫm. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó nhọc cho một ý thức biểu hiện. Nay Thầy Pháp Bảo cùng với đồng sự của mình Thầy Pháp Mãn đã hoàn thiện được vai trò là người hướng dẫn cho mái ấm gia đình tâm linh góp phần tô điểm cho nền giáo dục cơ bản.

 

Ngày 10/10/2010 LOGO Vẻ Đẹp Phật Pháp chính thức ra đời trùng với sự kiện 1000 Năm Thăng Long - Hà Nội.

- Bàn tay Như Lai: chuyển tải Pháp của Phật đến mọi chúng sanh, ấn kiết tường của Chư Phật:

“Giờ phút linh thiêng

Gió lặng chim ngừng

Trái đất rung động bảy lần

Khi Bất Diệt đi ngang dòng Sinh Diệt

Bàn tay chuyển pháp

Trong hương đêm tinh khiết

Ấn cát tường nở trắng một bông hoa

Thế giới ba ngàn đồng thanh ca ngợi

Văn Phật Thích Ca

Giờ phút linh thiêng

Đóa Bất Diệt nở ngay giữa vườn hoa sinh diệt

Nụ Giác ngộ hé thành muôn thi thiết

Ngài về đây học tiếng nói loài người.”

Tám yếu tố của Bát Chánh Đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như là yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia. Những yếu tố này có thể được diễn tả một cách trung lập, giống như một con sông lớn được hình thành từ những con suối nhỏ hợp lại và mỗi con suối nhỏ đều có tên và nhiệm vụ hoạt động riêng của chính nó. Nhờ sự tụ hợp góp sức của những con suối này mà con sông lớn mới tồn tại.

Trên phương diện tu tập thiết thực, tám yếu tố này được chia ra làm ba nhóm :

Nhóm giới đức, tiếng pali viết là silakkhandha, được tạo thành bởi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng | Nhóm tâm định, tiếng pali viết là samadhikkhandha, được tạo thành bởi chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định | Nhóm trí tuệ, tiếng pali viết là paññakkhandha, được tạo thành bởi chánh tri kiến và chánh tư duy.

Đường hướng chung của Bát Chánh Đạo qua ba nhóm Giới, Định, Huệ, là mục tiêu dẫn đến việc giải thoát ra khỏi sự khổ đau, bằng sự trừ tiệt vô minh”.

- Bánh xe Bát Chánh Đạo: Là con đường chân chánh, dẫn đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ, và được giải thoát. Bát Chánh Đạo gồm có tám điều chân chánh đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

1.- CHÁNH kiến: Chánh kiến là kiến thức chân chánh. Nghĩa là con người cần có sự hiểu biết và sự nhận thức sáng suốt và hợp lý. Chánh kiến có ích lợi giúp con người không sống trong mê lầm, điên đảo. Người có chánh kiến, thấy như thế nào, thì nhận đúng như thế ấy, không thay đổi trắng đen, không kỳ thị xấu tốt, không phê phán hay dở. Chánh kiến là sự hiểu biết và nhận thức không bị tập quán, thành kiến, dục vọng hay tâm phân biệt, ngăn che và làm sai lạc. Người có chánh kiến, hiểu biết tường tận, thế nào là chánh tà, chơn ngụy, đại tiểu, thiên viên, nhưng luôn luôn sống với tâm bình thường, tâm chính trực và tâm bất tùy phân biệt.

2.- CHÁNH tư duy: Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh. Nghĩa là con người cần phải nghiệm xét, nghĩ suy, quán chiếu một cách đúng đắn, hợp với chân lý, không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người. Chúng ta thường xuyên suy nghĩ đến "Giới, Định, Tuệ" để tu tập giải thoát, suy nghĩ nguyên nhân gây đau khổ cho chúng sanh, để giải thích và khuyến tu, suy nghĩ những hành vi lỗi lầm, những lời nói sai trái và những tâm niệm xấu xa của chính mình để sám hối và cải đổi. Tất cả những điều đó gọi là chánh tư duy.

3.- CHÁNH ngữ: Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Nghĩa là con người nên nói lời thật thà lương thiện, công bình ngay thẳng, công minh chính trực, có ích lợi chánh đáng. Chánh ngữ là lời nói thành thật và sáng suốt; lời nói ngay thẳng hợp lý, hòa nhã, rõ ràng và giản dị; lời nói ích lợi, dung hòa, khuyến tấn và duy nhất. Chánh ngữ là lời nói hợp Chánh Pháp, có ích lợi, đem lại hòa bình, yên vui cho mọi người mọi nơi. Người giữ gìn chánh ngữ là người dè dặt khẩu nghiệp, cẩn trọng lời nói, không bao giờ nói sai sự thực, không thiên vị, không xuyên tạc, không vu oan giá họa, không hăm he hù dọa.

4.- CHÁNH nghiệp: Chánh nghiệp là nghề nghiệp và hành động chân chánh. Nghĩa là con người nên chọn nghề nghiệp chân chánh, hành động một cách ngay thật, có ích lợi chánh đáng cho mình và cho người. Chánh nghiệp có ích lợi giúp con người mang lại bình an, hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người xung quanh.

5.- CHÁNH mạng: Chánh mạng là mạng sống chân chánh. Nghĩa là con người cần sinh sống một cách chánh đáng, có đời sống lương thiện, ngay thật, trong sạch, không bạo tàn, không hèn mạt. Chánh mạng có ích lợi giúp con người có cuộc sống bình đẳng, tương kính, không bị khinh rẻ. Người giữ gìn chánh mạng là người sống một cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, không ăn bám ai, cũng chẳng ăn không ngồi rồi. Người theo đúng chánh mạng là người sinh sống theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống và hạnh phúc của mọi người, tôn trọng nghề nghiệp, không xâm phạm tài sản, tận lực làm việc, không tổn hại mọi người và muôn vật, sinh sống với tài năng chân chánh, không giả dối lừa gạt mọi người, sinh sống thanh cao không luồn cúi, không thượng đội hạ đạp, sinh sống theo chánh giáo, không mê tín dị đoan.

6.- CHÁNH tinh tấn: Chánh tinh tấn là sự siêng năng chân chánh. Nghĩa là con người siêng năng làm những việc có ích lợi cho mình và cho người. Chánh tinh tấn có ích lợi giúp con người cải tạo thân tâm ngày một thanh tịnh, tốt đẹp hơn, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Người theo đúng chánh tinh tấn bao giờ cũng phản quan tự kỷ, quay lại xét mình, siêng năng chuyển hóa tâm trí, cải đổi tánh tình.

7.- CHÁNH niệm: Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chánh. Nghĩa là con người có những ý niệm chánh đáng, những đạo lý giác ngộ và giải thoát. Chánh niệm có ích lợi giúp con người sống trong an ổn, yên vui, không tạp niệm, ngày ăn ngon, tối ngủ yên. Người giữ gìn chánh niệm là người dè dặt với ý nghiệp, luôn luôn nhớ nghĩ tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân đất nước, ân mọi người, nhớ nghĩ lỗi lầm để sửa đổi. Người giữ gìn chánh niệm là người sống trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc.

8.- CHÁNH định: Chánh định là sự thiền định chân chánh. Nghĩa là con người tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý, hợp với lẽ phải. Người đạt được chánh định là người bình tĩnh, thản nhiên trước bát phong của cuộc đời. Chánh định có ích lợi giúp con người phát triển trí tuệ, mau tiến đến giác ngộ và giải thoát. Tâm trí của con người thường xuyên lăng xăng lộn xộn, nhớ nghĩ lung tung, linh tinh lang tang, không có dừng nghỉ, từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ thế giới năm châu đến phụ nữ nhi đồng, từ quốc gia đại sự đến hang cùng ngõ hẹp, hết chuyện gia đình đến chuyện hàng xóm, chuyện xưa chuyện nay, thương ghét tốt xấu, thị phi phải quấy. Tất cả những chuyện như vậy làm cho tâm của chúng ta luôn luôn loạn động. Tâm loạn động thì trí bất an. Ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên.

- Lá cờ Phật Giáo: Là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới, niềm chánh tín và sự yêu chuộng hoà bình của mọi người con Phật. Bao gồm năm màu và màu tổng hợp:

1. Xanh đậm: tượng trưng cho Định căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn và sáng suốt.

2. Màu vàng: tượng trưng cho Niệm căn.Vì có chánh niệm mới sanh định và phát Tuệ.

3. Màu đỏ: tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có Tinh Tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.

4. Màu trắng: tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển. Có Tín căn là có nhân duyên với chư Phật, và là nguồn gốc sanh ra muôn hạnh lành.

5. Màu cam: Tượng trưng cho Tuệ Căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Định đầy đủ thì tuệ sẽ phát sanh.

6. Màu tổng hợp: tượng trưng cho tinh thần hoà bình và đoàn kết của Phật giáo trên thế giới.

- Cánh Sen Hồng:

1. Không nhiễm: Hoa sen dù mọc lên từ bùn nhơ, nhưng tính chất của nó vẫn không mang mùi hôi của bùn.

Bùn là tượng trưng cho phiền não nhiễm ô, còn hoa sen là tiêu biểu cho thanh tịnh. Điều nầy, để nói lên cái ý nghĩa thâm trầm là chư Phật Bồ tát ra đời, các Ngài vẫn sinh hoạt trong dòng đời, nhưng các Ngài không bao giờ bị cấu nhiễm. Cư trần bất nhiễm trần là thế. Ngược lại, chúng ta thì có khác. Chúng ta đụng đâu nhiễm đó. Mặc dù trong mỗi người chúng ta đều sẵn có hoa sen bất cấu nhiễm nầy. Hoa sen là để tiêu biểu ẩn dụ cho mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có Phật tánh. Mà Phật tánh vốn không cấu nhiễm, vì bản chất của nó thanh tịnh sáng suốt. Nhưng vì chúng ta theo dòng vô minh vọng nghiệp mà tạo ra nhiều tội lỗi để rồi bị dính mắc trong trần lao ô nhiễm.

2. Trừng thanh: là lóng trong. Điểm đặc biệt là chỗ nào có hoa sen mọc, thì chỗ đó nước không bao giờ đục. Do đó, khi chúng ta hái hoa sen, thì khỏi cần phải rửa, bởi hoa sen không dính bùn nhơ. Bởi vì bản chất của nó mang sẵn tính trừng thanh. Điều nầy để nói lên cái ý nghĩa biểu trưng rằng, nơi nào có chư Phật, Bồ tát ra đời, thì nơi đó sẽ đem lại cho chúng sanh có sự an ổn mát dịu. Ngược lại, nơi nào có những phần tử xấu ác bất lương, thì nơi đó chắc chắn là sẽ xảy ra lắm điều phiền phức họa hại bất an.

3. Kiên nhẫn: Như chúng ta đã biết, hoa sen là loại túc căn thảo, tức một loại có nẩy mầm từ rễ củ của năm trước. Hoa sen mang đặc tính kiên nhẫn rất là kỳ thú. Rễ củ của nó nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nẩy mầm ngay. Sự chờ đợi đó, tức là đức tánh kiên nhẫn. Đức tánh nầy, rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người nào có đức tánh kiên nhẫn nầy, thì người đó khi ra làm việc gì chắc chắn sẽ dễ đạt được thành công. Bằng ngược lại, thì khó mong đạt được.

4. Viên dung: Vì hoa sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa. Đây là tiêu biểu cho tánh viên giác của mỗi chúng sanh sẵn có. Tánh viên giác vượt ngoài phạm trù nhân duyên đối đãi. Hoa sen từ lúc nở cho đến lúc tàn, không bị loài ong bướm làm hư hoại, khác với các loài hoa khác bị ong bướm tìm đến bu đậu và hút lấy nhụy. Điều nầy, nói lên tánh viên giác tròn sáng vô ngại, không bị cảnh nào có thể làm tiêu hoại ô nhiễm nó được.

5. Thanh lương: Khác hơn các loài hoa khác, hoa sen lại nở vào mùa Hạ, đây là mùa nóng bức. Điều nầy, để nói lên ý nghĩa chư Phật Bồ tát ra đời trong cõi đời ngũ trược, chúng sanh dẩy đầy phiền não, bức bách khó chịu, các Ngài mang lại nước cam lồ từ bi để tưới tẩm làm mát dịu cho mọi người.

6. Hành trực: : Hành trực là chỉ cho thân ngay thẳng.

7. Ngẩu không: Hoa sen tuy thân ngay thẳng, nhưng trong ruột thì trống rỗng. Điểm đặc biệt nầy để nói lên một ý nghĩa rất thâm trầm là người tu hành cần phải có tánh hỷ xả. Hai đức tánh nầy Bồ tát luôn thực hiện. Nói đến hạnh hỷ xả, chúng ta liền nghĩ ngay đến Bồ tát Di Lặc.

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá

Bao bụi trần bám đã rồi rơi

Mặc cho thế cuộc đầy vơi

Dửng dưng như một nụ cười an nhiên.

8. Bồng thực: Các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành trái và có hột. Ngược lại, hoa sen thì không như thế. Hoa sen nở ra thì đã có gương có hột sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời. Điều nầy, nói lên một triết lý sống; nhân quả không bao giờ sai khác. Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó.

Thế nên, muốn cho đời sống được an ổn tươi mát thơm tho như hoa sen, thì chúng ta nên nhớ đến lý nhân quả mà hành xử tu nhân tích đức, làm lợi ích cho mình và người, thì chắc chắn chúng ta sẽ có hạnh phúc an lạc ngay trong đời sống hiện thực, không cần phải tốn công hao sức tìm nơi đâu xa xôi. Niết bàn hay đau khổ, rốt lại ở nơi tâm chúng ta mà thôi.

 

- Cánh chim hoà Bình: Là loài chim có khả năng hiểu biết về tâm tính, sống chung hòa điệu với muôn thú. Loài chim này còn mang một thông điệp hòa bình, giá trị đạo đức và nhân văn đến với con người ; còn gọi nó như một sự biểu hiện “ Đất lành chim đậu”.

- Trái đất luôn được tươi xanh: Với hiện tại như chúng ta đang thấy và diễn ra hàng ngày trên hành tinh xanh. Những sinh hoạt, những khai thác, những chất thải, những thiên tai, những cao ốc, những ô nhiễm. Là tiếng chuông tĩnh giác con người đang xâm phạm đến thiên nhiên, làm thân đất rỉ máu, nguồn nước cạn kiệt, sức nóng lan tỏa, bách thú diệt chủng v.v… Với ý nghĩa cao thượng “ trái đất xanh là con người mới sống”. Chúng ta cùng chung bàn tay nâng đỡ, bảo vệ hay xoa diệu lại trái đất mỗi ngày như chúng ta đang thương yêu lấy mình .

- Vòng tròn viên dung: Giáo pháp của Đức Phật luôn đúng với mọi thời đại, không một thế lực nào có thể làm nhiễm, thất truyền và tiêu diệt. Nhằm tạo tình liên đới hữu nghị như mái nhà chung giữa lòng nhân sinh toàn cầu.

"Viên dung" hàm ý tất cả đức tánh của tâm Chân như, như đại trí, đại bi, đạo hạnh (giới), thệ nguyện rộng lớn, năng lực thần thông, không mục đích, không mong cầu, phương tiện thiện xảo phát sinh từ trí tuệ siêu việt. "Vô ngại" hàm ý giải thoát khỏi mọi trói buộc của chấp trước và nghiệp chướng. Trên phương diện bản thể học, thời Viên dung là nhân, Vô ngại là quả. Nhưng đối với hành giả, Vô ngại là nhân, Viên dung là quả, nghĩa là phải lìa bỏ chấp trước và dứt đoạn nghiệp chướng thời mới chứng đắc Phật quả.

Với những phân tích sơ bộ về LOGO của Vẻ Đẹp Phật Pháp, Diễn Đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp muốn truyền tải Pháp lý của Đức Phật đến mọi chúng sanh trên toàn thế giới, mang niềm vui, hạnh phúc và sự an lạc đến cho mọi chúng sanh, giúp chúng sanh bớt đau khổ, làm cho cuộc sống giữa con người và mọi loài ngày càng tốt đẹp hơn. Để Phật Pháp đến với chúng sanh ngày càng nhiều, càng rộng và thuận lợi.

Bên cạnh được sự tin cậy và yểm trợ của Hoà Thượng Thích Thái Hoà, Chư tôn đức. Ban Thị Giả Cổ Pháp đã tạo lập một trang website Thư Viện Cổ Pháp, mà ở đó chuyển tải cuộc đời và sự nghiệp của các bậc cao Tăng và là nơi hội tụ giáo Pháp của Đức Phật. Ý nghĩ đó được thể hiện ngay ở LOGO của Thư Viện Cổ Pháp, cũng giống như LOGO Vẻ Đẹp có biểu tượng đoá Hoa Sen, lá cờ Phật giáo, bánh xe Bát Chánh Đạo, vòng tròn Viên Dung, và đặc biệt hơn là biểu tượng Chùa Một Cột. Theo truyền thuyết chùa Một Cột hình thành từ một giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Vào một đêm mùa xuân năm Kỷ Sửu (1049), vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài hoa sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói chuyện lại với triều thần, có người cho là điềm xấu, nhưng thiền sư Thiền Tuệ thì khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Quan Âm ở trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn xung quanh, tụng kinh cầu cho Vua sống lâu và đặt tên là chùa Diên Hựu.

Chùa Một Cột là một ước vọng đầy tính triết học, có văn hoá, tôn giáo to lớn, cầu mong đức Phật với trí tuệ viên mãn (bông sen nghìn cánh) hãy ban cho thế gian nguồn sinh khí tràn đầy (tòa nhà đỏ sẫm), truyền qua đất và nước để mọi chúng sinh trong cõi ta bà này được hưởng hạnh phúc. Cộng với nét đặc thù văn hóa hóa của dân tộc Việt Nam, từ thuở Làng Cổ Pháp về tới đất Thăng Long.

Từ đó ánh sáng Tuệ Quang Thường Chiếu luôn soi chiếu trong ba cõi, thấm nhuần trong mười phương, người người điều hưởng phúc lành, an lạc hạnh.

Tóm Lại:

Với khả năng kiến thiết và tính thể nhập của một tổ chức thu nhỏ trước tiên là nói lên được tinh thần hài hòa vị tha. Xây dựng một hướng đi trong lòng cuộc đời như rác và hoa không thể thiếu đi một thứ cũng như tình thương và trí tuệ vậy. Chính vì thế Vẻ Đẹp luôn là nét tiềm ẩn mầu nhiệm trong Phật Pháp. Con đường hướng thượng, ước mơ, nụ cười, bảo vệ hành tinh là những thước đo mà tâm hồn con người cần phải nâng niu sự sống và có mặt chân thành với những suy nghĩ thanh cao. Đó là mang thông điệp hòa bình, yêu thương, bao dung vào với mọi loài sống cùng, mà ở nơi đó đang thực tập về sự giác ngộ, về tuệ giác, chuyển vận bánh xe ở mọi thời gian và không gian.

Sách mới
Sản phẩm bán chạy
Tin tức
    Chưa có tin tức.
Bình luận mới
Chưa có phản hồi
Viết bình luận cho hiệu sách
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
0905.98.09.29
phapbao82
TIN TỨC
Dữ liệu đang cập nhật...
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Chưa có phản hồi
THÀNH VIÊN YÊU THÍCH
Bản đồ