Từ năm 2007, Việt Nam chính thức mở cửa kết nối với kinh tế thế giới. Nền kinh tế mở rộng hơn và sâu hơn với các cam kết mở cửa về cả thương mại và đầu tư. Cũng từ thời điểm này, các vấn đề của nền kinh tế cũng biểu hiện một cách rõ ràng hơn: lạm phát tăng lên hai con số, tỷ giá hối đoái biến động, thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng, dự trữ ngoại hối giảm mạnh... Tình trạng bất ổn này sẽ là những rào cản cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, làm giảm sút đầu tư nước ngoài, có thể dẫn đến bất ổn tài chính và bất ổn khu vực ngân hàng.
Nhằm giúp độc giả có thêm thông tin về bất ổn kinh tế vĩ mô, nhóm tác giả đã tìm hiểu và giới thiệu: (i) các chỉ tiêu đánh giá mức độ tăng giảm của bất ổn kinh tế vĩ mô MII và mi; (ii) các nguyên nhân cũng như các giải pháp mà các nước đang phát triển đã áp dụng để giảm bất ổn kinh tế vĩ mô.
Từ cơ sở lý thuyết và phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhóm tác giả đã đi đến các kết luận: (i) Các chỉ tiêu mi và MII của Việt Nam cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam thực sự rơi vào trạng thái bất ổn khá lớn trong hai giai đoạn 1998 - 1999 và 2007 -2011 với thâm hụt ngân sách và lạm phát là hai biến số có ảnh hưởng lớn nhất đến các chỉ số này; (ii) luồng vốn vào ròng ồ ạt gây áp lực lên cung tiền, góp phần gây ra tăng trưởng nóng và lạm phát, đồng thời cũng tạo ra bong bóng tài sản; (iii) Chính sách tiền tệ và tài khóa đã nhận biết những tác động bất lợi từ những biến động bên ngoài và đã có những phản ứng thích hợp tuy nhiên thời điểm, liều lượng tác động còn chưa thích hợp nên làm giảm hiệu quả của chính sách.