Hai mươi năm xóa bỏ kinh tế chỉ huy đã cho những kết quả đáng khích lệ, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Tính cách của phát triển nay đã đổi khác, không như hồi đầu thập kỷ 1990.
Con đường trước mặt còn dài, vì Việt Nam đã mất nhiều năm, nhiều thập niên không phát triển, nhiều việc cơ bản như giáo dục phải làm lại từ đầu.
- Khung luật pháp có ý nghĩa gì đối với phát triển kinh tế?
- Kinh tế thị trường theo định hướng xă hội chủ nghĩa có nội dung nào?
- Làm sao phát triển công nghiệp nhanh chóng khi công nghiệp hiện nay chỉ là các công xưởng gia công, lắp ráp, vì nền tảng của công nghiệp Việt Nam không ở Việt Nam mà ở xứ sở của các chủ đầu tư nước ngoài
- Làm sao tránh được cái bẫy của nước có thu nhập trung bình, khi năng suất công nghiệp còn rất thấp?
- Tư duy phát triển nào: kinh tế thị trường hay xã hội thị trường?
Tác giả Gs. Phạm Văn Thuyết, từng cùng Ngân hàng Thế giới tham gia vào những chương trình cải cách ở Việt Nam và các nước chuyển đổi khác, đã cho một cái nhìn từ bên ngoài về những cản trở hiện nay, những việc cần làm, và thảo luận những hướng đi chính cho tương lai.
Về tác giả
Giáo sư Phạm Văn Thuyết làm chuyên viên (senior industrial economist) cho Ngân hàng Thế giới trong 20 năm (1975-1996) tại Washington D.C, sau đó tiếp tục làm tư vấn cho cơ quan này cho đến gần đâỵ. Ông đã có dịp về công tác ở Việt Nam nhiều lần từ khi mới mở cửa từ đầu thập niên 1990, trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, WTO, ngân hàng và khung luật pháp.
Trước năm 1975,Tiến sỹ Phạm Văn Thuyết dạy Kinh toán học (Econometrics) tại Đại học Sài Gòn. Trước khi du học ở Mỹ (MA, PhD in Economics, University of Pennsylvania, 1967), ông đã tốt nghiệp cử nhân luật và cao học kinh tế tại Việt Nam. Giáo SƯ Thuyết và gia đình hiện cư ngụ ở ngoại ô Washington D.C.