Tiểu thuyết của Banana Yoshimoto giống như trò jet-coaster, một khi đã ngồi lên rồi, ta sẽ bị cuốn đi đến tận cùng với tốc độ của nó. Không phải do kịch tính được đẩy đến cao trào mà do khả năng cảm thụ của nhân vật chính đóng vai trò kể truyện liên tục hướng về phía trước với một tốc độ đáng sợ, không những cảm nhận thế giới xung quanh. Đó là sự cảm nhận liên tục, không chỉ đối với phong cảnh xung quanh hay những lời nói của người khác mà ngay cả với từng hạt không khí nhỏ nhất hiện diện ở đó. Tất nhiên, cũng giống như jet-coaster, không phải lúc nào cũng lao đi với tốc độ cao nhất, trong tiểu thuyết của Banana Yoshimoto cũng có những đoạn chậm rãi, thong thả khi đang hướng đến một đỉnh cao. Và sức mạnh để làm được việc đó chính là những xúc cảm giống như một tứ thơ, kết tinh từ những cảm thụ của nhân vật chính. "Cứ thấy một phụ nữ đứng trong bếp là tôi lại cảm thấy mình sắp nhớ ra một điều gì đó, một điều gì đó thật buồn, như bóp chặt lấy lồng ngực và nhất định liên quan đến cái chết, đến cả việc tôi được sinh ra trên cõi đời này nữa...". Từng nhịp, từng nhịp cộng hưởng như vậy đưa người đọc cùng lên đến một độ cao, để rồi, khi lao bổ xuống từ độ cao đó, ta cảm thấy một trạng thái không trọng lượng rất đặc trưng của những chiếc Jet-coaster đang lao đi. Đúng lúc ấy, bên tai người đọc đang trong trạng thái bồng bềnh ấy sẽ vang lên một giai điệu chưa từng nghe thấy song lại có gì đó thật thân thương. Sự nhận biết thế giới của nhân vật chính hầu hết đều đi kèm với nỗi buồn, song thanh âm theo gió vẳng đến bên tai ta, không hiểu sao, lại luôn tràn đầy niềm vui sống. Và thêm nữa, nó như một giọng nói đến từ một nơi nào đó thuộc thế giới bên kia.
Sakumi, nhân vật chính của Amrita trong bối cảnh bị mất một phần trí nhớ, song ý thức được sự thiếu hụt ấy, cô nhất định không để mất cái tôi của mình. Và khi tìm lại được trí nhớ, suy nghĩ của cô là "Sớm mai ra, tôi vẫn muốn mình sẽ thức giấc ở đâu đó". Những lời này là minh chứng hùng hồn cho sự khẳng định tuyệt đối, giống như tính hứng sáng của hoa hướng dương, mà tác phẩm của Banana Yoshimoto cũng như những chiếc Jet-coaster đều thể hiện, tức là điểm xuất phát cũng là điểm kết thúc.
Để có được cảm giác lao vụt đi và cảm giác bồng bềnh vốn rất hiếm khi gặp trong tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản, chắc chắn cần phải bỏ qua một số thứ. Những ai quá bận tâm tới điều này sẽ không thể đi đến ga cuối trên con tàu Amrita (Nước Thánh). Nhưng, có lẽ như thế cũng chẳng sao. Vì đó là một chiếc Jet-coaster ảo mà bất kỳ ai cũng có thể lên hay xuống tùy thích.
Một tác phẩm được công nhận một cách đầy đủ nhất của Yoshimoto từ trước tới nay... Sự thấu hiểu nhân vật của cô, lối hành văn chắc chắn và sự khám phá với đôi mắt mở to về mọi thứ từ văn hóa đại chúng Mỹ cho tới tiếng Nhật đã làm cho Amrita trở thành một trong những tiểu thuyết đáng hài lòng nhất mùa hè năm nay.