Một cuốn tiểu thuyết buồn, đau nhói, nơi những thương tổn tinh thần của nhân vật khiến ta mệt mỏi, thậm chí bị sốc, nhưng tuổi trẻ, mùa hạ, những gắng gượng để được sống, được an lành giúp ta thoát khỏi tuyệt vọng.
Một cuốn tiểu thuyết buồn, đau nhói, nơi những thương tổn tinh thần của nhân vật khiến ta mệt mỏi, thậm chí bị sốc, nhưng tuổi trẻ, mùa hạ, những gắng gượng để được sống, được an lành giúp ta thoát khỏi tuyệt vọng, đó là "N.P" của nhà văn Nhật Bản Banana Yoshimoto.
"N.P" là tên một bản nhạc xưa, rồi thành tên tập truyện của cố nhà văn Takase Sarao được nhắc đến ngay đầu tác phẩm - tập truyện đã kết nối các nhân vật chính trong những mối liên hệ kỳ lạ. Họ là ba chị em cùng cha khác mẹ nhà Takase gồm: Saki, Otohiko, Sui. Kamazi - bạn gái của Shoji, một dịch giả đã tự tử khi đang dịch tập truyện của Takase Sarao. Từ câu chuyện số 98, từ những cuộc gặp gỡ vô tình, những giấc mơ và cả linh cảm, Kamazi trở thành bạn thân của chị em nhà Takase và dần phát hiện ra bí mật về Sui, cô em út cùng cha khác mẹ của Saki và Otohiko, đồng thời là người tình của cha mình - nhà văn Takase, rồi sau đó là người tình của anh mình - Otohiko. Sự giằng xé giữa tình yêu, đam mê và giới hạn đạo đức, giữa quá khứ tổn thương với thực tại chông chênh đã khiến cuộc sống của các nhân vật trở nên nặng nề, thậm chí luôn chấp chới giữa hai bờ sống - chết.
Dù được đánh giá là có lối viết nhẹ nhàng, giàu nữ tính, nhưng đây không phải là một tác phẩm dễ đọc, đặc biệt với những ai quen tiếp nhận văn học từ góc độ đạo đức. Một cô gái vô tình trở thành người tình của cha mình, rồi tìm đến anh trai, những hành động kỳ quặc, ám ảnh về cái chết luôn thường trực... tất cả tạo cho người đọc một cảm giác xa lạ. Thế nhưng, chính những điều khó hiểu ấy là cách Yoshimoto chuyển tải đầy ám ảnh chủ đề chính của tác phẩm này nói riêng, các sáng tác của bà nói chung: sự suy kiệt của giới trẻ Nhật Bản trong một xã hội hiện đại và ảnh hưởng của những thương tổn tinh thần tới cuộc sống của con người. Không có sex, sàn nhảy, rượu mạnh, khói thuốc mù mịt hay trò chơi biểu tình, đảng phái chính trị như những người trẻ trong "Rừng Nauy" của Murakami, tuổi trẻ với Saki, Otohiko, Kamazi, đặc biệt là Sui, là quãng đời âm thầm gắng gượng để vượt thoát những nỗi đau tinh thần. Nếu như cảm giác vô hướng đẩy các nhân vật trẻ tuổi trong "Rừng Nauy" vào tâm trạng cô độc thì nỗi đau tinh thần là lý do khiến cuộc sống của Sui, Otohiko, Saki, Kamazi trở nên nặng nề, đơn độc. Mối quan hệ giữa Sui, Otohiko, Saki là tình cảm gia đình, tình yêu, sự đam mê, là khao khát tìm thấy hình bóng người cha trong nhau, nhưng cũng là sự day dứt không thể rũ bỏ. Họ tồn tại giữa những xúc cảm đối lập ấy, vừa né tránh, vừa bao bọc nhau, vừa không hiểu điều gì đang xảy ra, vừa chẳng biết ngày mai sẽ ra sao và điều gì đang đợi mình ở phía trước. Banana Yoshimoto khiến người đọc cảm thấy các nhân vật của bà đang sống chậm, nặng nề, đầy ám ảnh. Điều kỳ lạ và cũng là điểm hấp dẫn nhất trong N.P nói riêng, các tác phẩm của Banana Yoshimoto nói chung đó là khả năng diễn tả hết sức tinh tế những diễn biến tâm lý phức tạp, những cảm nhận mơ hồ khó nắm bắt bằng một văn phong trong sáng, ngỡ như giản dị nhưng thực sự được chắt lọc đến từng con chữ. Sự hài hòa giữa vẻ đẹp của ngôn từ và ý tưởng đã góp phần tạo nên cả một không gian mang đậm màu sắc Banana trong "N.P một không gian vừa hiện thực, vừa hư ảo cùng những nhân vật đều thiện và đẹp với thứ bút pháp miêu tả tâm lý tinh tế đáng khâm phục, tất cả những điều đó đã làm nên một Banana duy cảm, duy mỹ và duy thiện." (Lời giới thiệu của dịch giả Lương Việt Dzũng).
Quỳnh Nga
"Đã không còn là Banana Yoshimoto tự nhiên và bột phát với văn chương như trong "Kitchen", cuốn sách này đưa người đọc đối diện với những đề tài nhạy cảm và gai góc. Như một khúc biến tấu của tác phẩm "N.P" bí ẩn trong truyện, "N.P" của Banana Yoshimoto nói đến tình yêu đồng tính và đồng huyết, xen lẫn vào đó là những suy tưởng về ý nghĩa và tác động của văn chương lên cuộc đời thực. Những mối tình trong "N.P" thêm một lần nữa, dẫn dụ chúng ta vào một không gian đầy màu sắc Banana Yoshimoto, với một lối văn nhẹ nhhưng không thoáng qua gọn ghẽ nhưng không thiếu cá tính. Thế giới tiểu thuyết của nhà văn nữ Nhật Bản nổi tiếng nhất hiện nay chưa bao giờ ngừng gây bất ngờ bởi sự mới lạ và độc đáo qua từng cuốn sách.
Trong "N.P", các nhân vật đều gắn sức đi tìm lối thoát cho cái thế giới bị ám ảnh bởi tự sát và cái chết. Kano Kazami, nhân vật xưng tôi, như hiện thân của sức sống, đã đưa Sui trở về với thế giới thực, như chính Sui trong bức thư đã nói: "Lần đầu tiên tôi cảm thấy thế giới chảy ào vào trong mình với dáng hình chân thật nhất của nó", và đưa Otohiko đến với một tình yêu kì diệu, không còn dằn vặt. Bana vẽ nên một không gian vừa hiện thực, vừa hư ảo cùng những nhân vật đều thiện và đẹp với thứ bút pháp miêu tả tâm lí tinh tế đáng khâm phục, tất cả những điều đó đã làm nên một Banana duy cảm, duy mĩ và duy thiện.
Nhưng những lời cuối của truyện: "Mọi thứ đều rất đẹp. Mọi thứ của những chuyện đã xảy ra đều đẹp một cách dữ dội, như trong mắt của một người điên." (Quỳnh Nga).