Cuốn sách này làm một công việc đơn giản nhưng thú vị: Đi tìm những dấu ấn của Kinh Dịch trong nền Minh triết Việt Nam. Nói cách khác là theo dấu chân người Việt trên hành trình biến hóa của Dịch học, quan sát và suy ngẫm về minh triết của người Việt trong cảm nhận, hòa đồng, vận dụng, sáng tạo Dịch học, biến Dịch học thành của mình, hoặc có thể nói hơn nữa là giành lại về mình những tinh hoa Dịch học mà chính mình đã sáng tạo ra, biến thành của chung. Khởi đầu bằng cách tìm dấu ấn Kinh Dịch trong Minh triết Việt, kết thúc bằng khát vọng phác thảo bức tranh Việt Dịch bằng tâm thư, huyết thư.
Cuốn sách nằm trong phạm trù vận động của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh triết thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam...
...Minh triết chưa phải là học thuyết triết học. Có những dân tộc, những cộng đồng người chưa có học thuyết triết học, nhưng có những nền minh triết mang bản sắc của họ. Từ hệ thống minh triết của họ, sẽ hình thành trong lịch sử những giá trị triết học, và tiến tới những học thuyết triết học. Nhưng cũng có những nền minh triết mang đậm dấu ấn của những nguyên lý triết học của loài người, qua kinh nghiệm lịch sử, biến hóa vào sức sống của cộng đồng. Đó là trường hợp của Việt Nam. Minh triết Việt mang đậm dấu ấn của Tam giáo đồng nguyên: Phật - Nho - Lão. Trong đó có một mảng rất lớn và rất huyền diệu là Minh Triết Việt mang dấu ấn của Kinh Dịch.
Dù nguồn gốc từ đâu, Minh Triết Việt là sự sáng suốt, khôn ngoan mang sắc thái riêng của người Việt. Nó hình thành trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất hình chữ S này, qua các trải nghiệm sống còn trong lịch sử từ thuở hồng hoang. Theo Hà Văn Thùy là sự khôn ngoan, sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc...