Đoàn Bảo Châu được biết đến nhiều với tư cách phóng viên ảnh. “TỨ TỬ TRÌNH LÀNG” VÀ NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT Tôi nhớ hồi nhỏ mê chơi tam cúc, lúc chia bài mà bắt được bốn con bài cùng loại thì coi như đã có một “bảo bối”, lúc cần sẽ xòe ra “tứ tử trình làng”, thể nào cũng thắng. Với 550 trang, tiểu thuyết Khói của Đoàn Bảo Châu đã trình trước bạn đọc một “bộ tứ” khá ấn tượng - bốn nhân vật Dũng Khói, Quang, Thành và Tôi (người kể chuyện). Mỗi nhân vật có một lí lịch đầy đủ đến từng chi tiết (chỉ trừ Dũng Khói lăn lóc chốn giang hồ, tù đày, còn lại ba người đều có gia thất đề huề). Dũng Khói lớn lên không biết mặt bố, sống với người mẹ tảo tần sớm khuya. Mẹ con Dũng Khói tưởng như chỉ biết cặm cụi mưu sinh, không hề muốn bộc lộ hay gây hấn gì với đồng loại. Nhưng nào có yên. Sau khi người mẹ thân yêu qua đời, Dũng Khói càng dấn thân vào cõi đời, cõi người để đi tìm sự thật về người cha “Ông ta là một ẩn số liên quan tới nó. Nó không thể chấp nhận thông tin gián tiếp mà cần gặp trực tiếp, cần xé toang sự mập mờ về con người ấy. Như thế nào thì nó vẫn muốn biết ông ta là ai. Có vậy nó mới thanh thản sống tiếp được”. Cuộc hành trình đi tìm thời gian đã mất của Dũng Khói phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả bằng máu. Phải chăng cuộc đời chỉ là những dở dang và vô nghĩa lí? Nếu coi nhân vật là điều cốt tử của tiểu thuyết thì Khói của Đoàn Bảo Châu đã bước vào được ngôi đền của thể loại gạo cội nhất của văn chương. Trong “bộ tứ” này, đúng là “mỗi người mỗi vẻ”, còn có “vẹn mười” hay không, thì cũng còn tùy phán xét của độc giả. RÚT RUỘT MÌNH RA MÀ VIẾT Viết bằng sự trải nghiệm, đó là con đường của nhà văn đi tới cái mục đích chinh phục độc giả bằng tác phẩm của mình. Trong năm 2013, độc giả (nhất là độc giả trẻ), đã bị Hùng John, chàng trai Việt kiều 25 tuổi (quốc tịch Mỹ), chinh phục qua tác phẩm Jonh đi tìm Hùng (do Nxb Kim Đồng ấn hành), là một hiện tượng best-seller của năm. Đọc Khói, thấy tác giả là người trải nghiệm, không phải do “sống lâu lên lão làng”, mà với độ tuổi của tác giả thì cũng chưa được xếp vào “chiếu” lớp người có thể tri “thiên mệnh”. Đọc cái lí lịch trích ngang, sẽ thấy đây là con người sống nhiều, va đập nhiều (cũng từng “ái - ố - hỉ - nộ” nhiều, cũng rất có thể “tham - sân - si” nhiều), ngẫm ngợi, suy tưởng nhiều. Một con người như thế chắc chắn không ít vết thương lòng. Nhưng tôi cứ cố hình dung tác giả là người có cái năng lực thuần hóa những nỗi đau, biết cách làm cho các vết thương lòng chóng lên sẹo. Đây là một cây bút giàu chất sống, tôi nghĩ thế, điều rất cần cho việc viết tiểu thuyết. Vì “rút ruột” mình ra mà viết, như tôi nghĩ, nên tác giả có vẻ nuối tiếc nếu mỗi khi có ý định bỏ cái này, lấy cái khác để đưa vào tiểu thuyết. Với tác giả Đoàn Bảo Châu, tôi cứ hình dung, đó là một người - mà nếu có thể ví von so sánh- thì giống như hòn than vùi trong tro. Ai không biết thì nghĩ tro nguội, và nếu không cẩn thận động vào sẽ bỏng rát tay chân. Tôi cứ hình dung, Đoàn Bảo Châu là một gã triệu phú về vốn sống để viết tiểu thuyết. Trong đầu óc “lão” chất đầy nguyên vật liệu cho sự viết, đặc biệt hơn trong lòng “lão” lúc nào cũng ứa đầy cảm xúc (thứ cảm xúc đã lắng đọng, đôi khi vón lại, nhọn hoắt). Nghĩa là chất sống đã quá dư thừa cho không chỉ một cuốn tiểu thuyết, như ai đó nói, mà sẽ đủ vốn để đi xa hơn trong nghiệp viết, đặc biệt viết những cái dài hơi. Tôi đọc trên mạng, thấy nói ai đó tỏ ra lo lắng chia sẻ khi tác giả đánh trận đầu xong sẽ sạch sành sanh vốn liếng!? Tôi thì, trái lại, vẫn tin vào cái nội lực sống và viết của Đoàn Bảo Châu. Nếu như linh cảm không đánh lừa tôi thì, Đoàn Bảo Châu sẽ là một cây bút tiểu thuyết “lực lưỡng” trên văn đàn nay mai. Rút ruột mình ra mà viết nên thường là tận cùng chân thực, chân thành, đôi khi có vẻ thậm vô lí vì cái riêng tư của mình. Sẽ có người cho rằng thời đại “mì ăn liền” này làm gì tồn tại một mối tình kiểu “Tự lực văn đoàn” như mối tình duyên éo le giữa Dũng Khói và Hạnh! Thậm chí làm gì có kiểu dâng hiến như thể là “tế thần” của cả hai mẹ con Hằng - Nga cho Tôi (nhân vật chính, người kể chuyện)! Nhưng mà biết đâu chính tác giả đã sống như thế nên đã viết như thế (theo cái phương châm “sống đã rồi hãy viết”)! Lối viết của Đoàn Bảo Châu như thế là lối viết nước đôi của một nhà lãng mạn mới và một nhà hiện thực mới “hai trong một”.
NHỮNG HAO KHUYẾT CỦA KHÓI Tiểu thuyết bao trùm một không gian và thời gian khá rộng lớn. Câu chuyện tiểu thuyết kéo dài từ giữa những năm năm mười của hế kỉ trước đến thập niên đầu thế kỉ hai mốt (Chương 32 có lời đề tựa Tháng Mười Năm 2010). Vậy là ngót nửa thế kỉ, trong cái chiều dài lịch sử đó ít nhất thế hệ như Dũng Khói, Tôi, Quang, Thành nếu không trực tiếp can dự vào ba cuộc chiến tranh (chống Mỹ, chống Khơ- me Đỏ, chống bành trướng phương Bắc), thì cũng không thoát khỏi cái “vòng kim cô” của nó, không thể không hít thở cái bầu không khí khói lửa thời chiến xen lẫn thời bình. Dấu ấn thời đại chiến tranh và hòa bình làm sao có thể phai nhạt được trong một cuốn tiểu thuyết có cái khát vọng ôm trùm thực tại và các số phận con người trong dòng chảy lịch sử của một thời kì đáng nhớ như thế (tận cùng anh hùng và tận cùng khổ đau). Thế sự đời tư có vẻ như nổi bật ở vị trí hàng đầu của tiểu thuyết. Tất nhiên. Nhưng lẽ nào cái “bầu sinh quyển”, mà chính tác giả và các nhân vật của mình đã sống qua, đã can dự lại có thể hao khuyết trong tiểu thuyết? Nhân vật tiểu thuyết lẽ nào là những Rô - bin - xơn mới của thời đại sống ngoài đảo hoang, thậm chí “mũ ni che tai” lịch sử? Nhưng có lẽ tôi, cũng như một số độc giả khó tính khác, đã đặt ra một yêu cầu có tính lí tưởng như thế với một tác giả lần đầu viết tiểu thuyết chăng? Thôi thì “đành lòng vậy cầm lòng vậy”! Như đã nói ở trên, tác giả giống như một gã triệu phú, một “công tử Bạc Liêu” xưa nổi tiếng nhiều tiền ăn chơi, sẵn sàng vung tiền ra để mua khoái lạc ở đời. Nhiều tiền lắm của ắt dễ sinh ra cái tật phung phí, hoang tàng, không có ý thức kiểm soát vốn liếng, khản năng tài chính của mình. Là vì Trời cho, là vì Trời sinh voi Trời sinh cỏ. Với chất liệu như được huy động trong Khói, một nhà văn có kinh nghiệm sẽ không “xài” hết, mà có thể “cắn ra ăn dè”, để viết thành hơn một cuốn tiểu thuyết. Thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của văn hóa nghe - nhìn đang trỗi dậy, nghành công nghiệp giả trí đang bùng phát… tất cả phải được nhà văn tính toán khi viết. Nhà văn Lê Minh Khuê trong buổi giới thiệu tập truyện Nhiệt đới gió mùa (tổ chức vào tối ngày 29/12/2012, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội) đã có một ý kiến được đông đảo độc giả quan tâm và chia sẻ. Bà nói, đại ý, chất liệu đời sống cho phép bà viết thành một cuốn tiểu thuyết chừng 300 trang. Nhưng vì tôn trọng độc giả, bà rút gọn thành một truyện ngắn (dài), để dễ đọc, để không làm mất thời gian của các “thượng đế”! Truyện Nhiệt đới gió mùa được dùng đặt tên cho cả tập là một truyện ngắn …dài, tới 90 trang. Đoàn Bảo Châu, tôi nghĩ, còn thiếu cái khả năng tiết chế khi viết, hay nói khác đi là chưa nắm vững “kĩ thuật tỉnh lược” khi viết tiểu thuyết. Tôi nhớ một khuyến cáo nghề viết “Điều dở nhất trong tình yêu cũng như nghệ thuật là nói hết tất cả”. Nhưng phải nói rõ hơn cái ấn tượng của tôi khi gấp lại Khói, đây là một cuốn tiểu thuyết có cái khả năng “gây hấn cảm xúc” khá mạnh mẽ và rất đáng bỏ thời gian để đọc. Hà Nội, tháng 12 năm 2013 [Đọc Khói, tiểu thuyết của Đoàn Bảo Châu, Nxb Hội Nhà văn, 2013] Nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG |