Sách hay vẫn ẩn mình?

11:51:00 04/01/2014

Mỗi năm, hàng chục ngàn đầu sách ở mọi thể loại được xuất bản. Nhưng làm thế nào để tìm trong sự "vàng thau lẫn lộn” ấy những cuốn sách bổ ích và thực sự đáng đọc?


Tìm sách hay không dễ

1. Từ 10 năm trước, trong một cuộc hội ngộ bàn về phương thức quảng bá sách, cây viết trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến đã nhất quyết cho rằng: Sách và truyền thông phải gắn bó với nhau rất mật thiết. Sách hay mà truyền thông không tốt thì chả ai biết đến sự tồn tại của sách. Và như thế để những cuốn sách đáng đọc thực sự đến tay độc giả, cần có một cuộc "cách mạng” về truyền thông…

Và cũng cách đây đúng 10 năm về trước, VTV1 mở chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách” trong chương trình "Chào buổi sáng”. Đều đặn như thế, 10 năm qua vị chi có gần 4000 cuốn sách được giới thiệu… Chỉ tiếc rằng càng về sau này sách được giới thiệu trong chuyên mục ấy càng nhạt…

Chắc hẳn không phải do thiếu sách hay, người ta đoán già đoán non về những cái bắt tay "không thiện chí” giữa các NXB với chuyên mục này. Chỉ biết rằng "Mỗi ngày một cuốn sách” ở những năm đầu tiên đã có công khơi dậy văn hóa đọc. Những năm sau đó, và cho đến tận bây giờ chuyên mục điểm sách bị biến thành nồi lẩu thập cẩm.

2. Năm 2013 cũng là một năm có nhiều cuốn sách được quảng bá, PR rầm rộ. Trong số ấy có tới 3 cuốn sách về anh chàng vượt qua số phận Nick Vujicic; cuốn "Xách ba lô lên và đi” của tác giả Huyền Chíp… Ở đây, không bàn chuyện phân định sách hay - dở. Nhưng nếu nhìn vào tầm, chất và sức lan tỏa của những cuốn sách ấy, điều nhận thấy rõ nhất là những cuốn sách vừa kể trên đã được PR quá tầm… Và cũng có thể là vô tình, truyền thông đang tiếp tay cho sự quảng bá không cần thiết ấy.

Vậy biết tìm sách hay ở đâu để đọc? Câu hỏi không dễ trả lời. Nếu nhìn từ giải thưởng Sách của Hội Xuất bản Việt Nam vừa trao những ngày cuối năm 2013 thì sách hay vẫn chưa lộ diện. Cho dù được trao đến mùa thứ 9, được mở rộng phạm vi xét giải sang cả thể loại sách dịch, nhưng giải thưởng Sách của Hội Xuất bản vẫn chỉ như là trao rồi để đấy. Sách được vinh danh vẫn khác xa về nhu cầu văn hóa đọc trên thị trường. Một phần cũng bởi "sân chơi” của giải thưởng Sách 2013 vẫn chỉ gói gọn ở các NXB nhà nước. Việc các công ty sách tư nhân hoàn toàn vắng bóng cho thấy giải Sách Việt Nam, dù có phạm vi khá rộng (37 NXB Nhà nước về rất nhiều lĩnh vực: văn học, văn hóa, lịch sử, khoa học, chính trị…), vẫn chưa bao quát được đời sống xuất bản. Và như thế, sách hay chắc chắn vẫn còn ẩn mình đâu đó.

3. Làm một cuộc khảo sát nhỏ với sinh viên một số trường Đại học tại Hà Nội, những bạn đọc thế hệ 8X, 9X hôm nay cho biết họ tìm đọc sách hay thông qua các chuyên mục giới thiệu sách trên báo chí; một số khác cho hay họ thường tìm sách sau khi những tác phẩm ấy được Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội… vinh danh. Cũng có một cách chọn sách khác là thông qua các cuộc thi sáng tác sách cho thiếu nhi, sách cho tuổi mới lớn... Và với những người thực sự yêu sách, kiếm được một cuốn sách hay đồng nghĩa với việc tìm được một món đồ vô giá…

Từ tâm tư của nhiều bạn đọc trẻ hôm nay có thể khẳng định rằng: Văn hóa đọc không mai một, nó chỉ chuyển hóa từ những trang sách giấy sang hình thức đọc sách trực tuyến, sách điện tử… Nhưng cũng có những chia sẻ khiến cho giới truyền thông phải nhìn lại mình: "Giá như báo chí, đặc biệt là các trang báo mạng bớt đi việc đưa tin cướp - giết - hiếp, dành thêm đất cho chuyên mục giới thiệu sách mỗi ngày…”

Hương Lê
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1