Nguyên do từ đâu mà tiểu thuyết “Gái già xì tin” của chị được chuyển thể thành phim?
Nguyễn Thu Thủy: Khi “Gái già xì tin” được Công ty Bách Việt phát hành, có rất nhiều nhà sản xuất muốn mua bản quyền để chuyển thể kịch bản, nhưng vì nghề nghiệp của tôi là biên kịch, nên tôi quyết định tự chuyển thể luôn. Đạo diễn Trần Quang Vinh là người đầu tiên muốn làm bộ phim này và liên hệ với tôi. Hơn nữa, anh Vinh rất yêu mến câu chuyện và nhân vật này. Anh cũng là đạo diễn của VFC, là nơi tôi đã từng hợp tác. Vì thế tôi nhận lời chuyển thể kịch bản cho anh.
Trong quá trình biên kịch chị có gặp khó khăn gì không? Điều gì chị cảm thấy chưa hài lòng khi chuyển truyện thành phim?
NTT: Thật ra thuận lợi thì nhiều hơn. Chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết , tức là biên kịch đã có một câu chuyện hoàn chỉnh, công việc sẽ “nhàn” hơn rất nhiều. Nhưng, cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt trong việc giữ được tinh thần của tác phẩm, và làm nó hấp dẫn, khả thi hơn khi sản xuất.
Hơn nữa, chuyển thể kịch bản thì luôn gặp phải tình huống bị so sánh giữa tiểu thuyết và phim. “Gái già xì tin” cũng như vậy, và tôi lường trước được điều đó. Người đọc truyện rồi thì đa phần không thích lắm, vì họ thấy không giống hình dung, nhưng người chưa đọc truyện khi xem lại khá hứng thú. Họ nói phim trẻ trung sôi động, lời thoại rất chân thật gần gũi. Điều tôi bất ngờ chính là, có một lực lượng các cô gái già, và các bà mẹ có con gái muộn duyên lại rất nhiệt tình ủng hộ phim này.
Còn điều gì chưa hài lòng ư, tôi nghĩ không có điều gì cả. Đoàn làm phim đã làm với sự trách nhiệm và yêu mến với câu chuyện này. Chỉ là, thỉnh thoảng tôi hơi tiếc một chút, vì có những việc, thật sự nằm ngoài kiểm soát của biên kịch.
Chị lấy hình tượng cô phóng viên Dương từ đâu?
NTT: Từ truyện đến phim, chúng tôi hầu như vẫn giữ nguyên cốt truyện ban đầu về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của cô gái tên Dương - phóng viên ở lứa tuổi 28, có phần quá lứa nhỡ thì khi bạn bè đã yên bề gia thất cả rồi. Nhưng cô gái ấy không vì áp lực mà đánh mất bản tính lạc quan, sôi nổi, thậm chí là "xì tin" của mình. Câu chuyện này tôi viết cũng đúng năm 28 tuổi và bản thân cũng đang sống cuộc sống của một… gái già. Vì lẽ đó, nhân vật có một chút hình ảnh của tôi và nhiều bạn bè tôi trong đó.
Nói về “Mắt híp và Môi cuốn lô” – tập truyện ngắn chị vừa ra mắt bạn đọc, có đi theo phong cách của “Gái già xì tin” là lạc quan, hài hước, dí dỏm?
NTT: Tôi rất vui vì “Gái già xì tin” cuốn sách đầu tay đã được đón nhận, và giành được nhiều thiện cảm từ bạn đọc. Rất nhiều người cũng nói, họ yêu tinh thần lạc quan và sinh động của nhân vật, của câu chuyện, và mong muốn tôi giữ lại tinh thần, phong cách đó trong những tác phẩm tiếp theo.
Tuy nhiên, như bạn biết đấy, “Gái già xì tin” là tiểu thuyết, còn “Mắt híp và Môi cuốn lô”, tác phẩm vừa “ra lò” của tôi lại là một tập truyện, bao gồm 3 truyện ngắn và 3 truyện vừa. Thể loại khác nhau, dung lượng khác nhau, đối tượng độc giả cũng tương đối khác nhau, và tất nhiên những câu chuyện kể cũng khác nhau nữa... Mà mỗi câu chuyện lại tự nó lựa chọn một hình thức thể hiện phù hợp cho riêng mình.
Nhưng, sự “tí tởn”, “toe toét”, một phần bản tính của con người tôi, thì vẫn luôn hiện hữu, trong mọi câu chuyện. Cho nên, không chỉ “Mắt híp và Môi cuốn lô”, mà có lẽ trong những tác phẩm sau này, tôi cũng sẽ giữ tinh thần đó, bản sắc đó, có điều với một dung lượng vừa phải để phù hợp với từng câu chuyện mà tôi muốn kể.
Tại sao chị lại chọn “Mắt híp và Môi cuốn lô” làm tên tập truyện? Đây là truyện chị yêu thích nhất hay nó có ý nghĩa nào đó?
NTT: Tôi lấy “Mắt híp và Môi cuốn lô” làm tên của tập truyện vì đây là truyện khi viết, tôi cảm thấy xúc động nhất, khiến tôi “khóc hết cả bát nước mắt”. Câu chuyện được kể lại từ năm 1998, đó là dấu mốc khi tôi học năm lớp 9, cũng là cột mốc trong cuộc đời của nhân vật. Chắc là sẽ ít có dịp để viết về một thời đã xa xôi thế, một thời chưa có facebook, blog. Yahoo còn chưa xuất hiện trong cuộc sống của bọn trẻ con, một thời một cốc chè chỉ 500 đồng, một thời mà một cuốn truyện tranh là cả một niềm ao ước, nên khi viết, trong tôi có rất nhiều kỉ niệm về thành phố Hải Dương của mình thuở ấy, về một lứa trẻ con đã trưởng thành trong một giai đoạn hoàn toàn khác biệt, ít nhất là so với bây giờ… Và vì thế, đây cũng là câu chuyện mang nhiều kỉ niệm riêng tư của bản thân tôi nhiều nhất.
Còn câu chuyện khiến tôi hài lòng nhất, nhân vật tôi yêu mến nhất thì lại là “Mặt trời màu xanh”. Đó là một câu chuyện mà khi viết, tôi hào hứng, vui vẻ và luôn háo hức với từng diễn biến. Khi viết về Phương Minh, tôi cảm giác như đó là một phiên bản nhỏ tuổi hơn của cô nàng Dương “gái già” nhưng với một thế giới rực rỡ và đa sắc hơn. Rất nhiều độc giả cũng đã nói, Phương Minh như một mẫu hình mà họ mơ ước được sống như thế, được dấn thân như thế, được “là chính mình” như thế.
Công việc chính của chị là biên kịch, chị đã từng tham gia biên kịch rất nhiều bộ phim. Vậy giữa biên kịch và viết sách thì cái nào khó hơn? Đâu mới là đam mê của chị?
NTT: Cái nào khó hơn ư, cái này… rất khó trả lời. Tôi nghĩ mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng, có cái khó, và có cái dễ riêng. Còn nói về đam mê thì không nhất thiết là chỉ say sưa với một thứ. Tôi đam mê cả công việc biên kịch của mình, cả viết lách, cả chụp ảnh, cả du lịch…
Nhưng tôi cũng muốn nói điều này, viết truyện với tôi, đó không phải là nghề nghiệp. Đó là niềm vui. Nếu biên kịch với tôi là “cần câu cơm”, là thứ mà tôi luôn cần dùng kỉ luật mạnh mẽ để áp chế chính mình, thì viết truyện, làm thơ... lại là khi tôi thả lỏng, ngẫu hứng, tùy ý. Tôi không buộc mình vào khuôn khổ nào cả, chỉ viết khi có một câu chuyện nào đó muốn kể, và cố gắng sao để câu chuyện đó được kể hay ho, thú vị nhất.
Những kế hoạch tiếp theo của chị?
NTT: Trong năm tới, tôi hy vọng “Hot boy và Eo 58” sẽ ra mắt bạn đọc đúng dịp 8-3.
Đến cuối năm, tôi mong sẽ hoàn thành nốt cuốn truyện “Chiều vàng bông cúc rối” mà tôi vẫn đang viết dở.
Nếu có thể, tôi sẽ chuyển thể một truyện trong tập “Mắt híp và Môi cuốn lô” để thành kịch bản phim.
Xin cám ơn chị!