Nhà văn viết từ ký ức

02:05:00 16/01/2014

Như một năng khiếu trời cho, ký ức về những năm tháng đã qua luôn được nhà văn Nguyễn Đông Thức sắp xếp ngay ngắn, để dành thành từng ngăn trong đầu.

Vài chục năm sau, ông lấy ra cộng dồn tư liệu hiện tại thành những trang viết chân thực, sống động, như lấy từ thực tế cuộc sống của ông mới chỉ hôm qua…

Sau Ngọc trong đá, Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn, tiểu thuyết Không có gì và không một ai sẽ là tác phẩm thứ tư của nhà văn Nguyễn Đông Thức được dựng thành phim (30 tập - hãng phim Truyền hình TFS), trong năm 2014. Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã dành gần một năm qua để chuyển thể kịch bản phim truyền hình này.

Làm phim đúng thực trạng xã hội

. Phóng viên: Thưa ông, phim truyền hình sẽ có điểm nào khác với tác phẩm văn học Không có gì và không một ai?

+ Nhà văn Nguyễn Đông Thức: Không có gì và không một ai chỉ có khoảng 300 trang in, không đủ chất liệu để làm một phim truyền hình 30 tập. Trong nhóm bạn thân đó, ngoài ba nhân vật đã có với ba số phận khác nhau (con sĩ quan chế độ cũ, con cán bộ tập kết, con giáo chức), tôi viết thêm nhân vật nữ tên Châu. Châu là con nhà tư sản ở Sài Gòn, sau giải phóng gia đình bị cải tạo, tịch thu hết tài sản. Do nhanh chóng tham gia công tác ở phường, cô sớm giác ngộ và nhất định không chịu vượt biên cùng cha mẹ. Cuộc vượt biên bất thành, cha mẹ cô phải bị tù tội một thời gian, sau đó trở về và khi Nhà nước mở cửa cho kinh tế thị trường trở lại, tiếp tục làm ăn gầy dựng lại sự nghiệp. Châu yêu một anh cán bộ phường và bị cha cô phản đối nhưng cuối cùng mọi oán ghét, thù hận được hòa giải và cha cô đã chấp nhận tình yêu này. Châu là đại diện cho một tầng lớp người thời sau giải phóng. Thay vì tình bạn ba người như trong tiểu thuyết, bộ phim dựa trên câu chuyện về tình bạn đẹp của bốn con người để phản ánh cả lịch sử xã hội miền Nam từ trước giải phóng cho đến thời cận đại.

. Tinh thần phản ánh đúng xã hội, kể cả những sai lầm, ấu trĩ một thời trong tiểu thuyết có được giữ khi chuyển thành phim không, thưa ông?

+ Phim sẽ kể câu chuyện đúng thực tế cuộc sống, như sách. Tôi cố gắng giữ tinh thần phản ánh đúng xã hội. Kể cả những sai lầm, tiêu cực một thời: Phân biệt đối xử, cải tạo tư sản… cùng những lý lịch, hoàn cảnh phức tạp của các nhân vật… Tôi không muốn tô hồng xã hội mà chỉ muốn trình bày trung thực những thay đổi của Sài Gòn, của miền Nam từ sau ngày giải phóng. Càng vất vả, khổ sở trần thân, mới càng thuyết phục.


Nhà văn Nguyễn Đông Thức (trái) và nhà văn Đoàn Thạch Biền trong chuyến đi phát học bổng tại Trường Tiểu học Tân Hạnh 2 (Long Hồ, Vĩnh Long) năm 2012. Ảnh: DUY ANH

. Gần đây, phim truyền hình thường nói về một nghề nào đó nhưng thường chỉ đi lớt phớt, không làm cho khán giả hình dung rõ được ngành nghề đó. Lịch sử nghề báo ở TP.HCM từ năm 1975 đã được khái quát tinh tường qua các trang viết của ông. Khi chuyển thành phim, nghề báo có được cận cảnh như vậy?

+ Tôi sẽ cố giữ theo tinh thần của cuốn truyện. Khán giả không chỉ biết về quy trình làm việc của một tòa soạn báo cùng những công việc cụ thể của nhà báo, mà còn trải qua từng bước phát triển của một tờ báo nhỏ cho đến khi trở thành một tập đoàn truyền thông.

Thế mạnh của tôi là thanh niên xung phong

. Tại sao văn của ông luôn có dấu ấn của thanh niên xung phong (TNXP), kể cả trong Không có gì và không một ai cũng có một trong bốn nhân vật chính đi TNXP dù ông chỉ tham gia TNXP ba năm (1975-1978)?

+ Ba năm đó rất đẹp, rất ấn tượng. Những ngày tháng trong TNXP đã thay đổi suy nghĩ, lối sống của nhiều người trẻ Sài Gòn, trong đó có tôi. Thành phần tiểu tư sản, không biết và không yêu lao động đã trải qua môi trường lao động tập thể và biến đổi thành con người khác. Họ trở nên biết thương quý người lao động hơn, sống có lý tưởng hơn. Ba năm nhưng là những năm hào hùng nhất, khai rừng, mở đất. Những đêm đốt đuốc thức trắng đào kênh, những ngày cáng thương, tải đạn phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam… Tôi bị “ám ảnh” bởi đề tài TNXP đến mức con tôi còn kêu… ba đừng viết về TNXP nữa thì mới mong viết được thứ khác hay ho hơn. (Cười). Nhưng mỗi nhà văn có một thế mạnh. Thế mạnh của tôi có lẽ là TNXP.

. Không có gì và không một ai nói về cuộc sống của những người trẻ trong biến động thời cuộc. Theo ông, người trẻ hiện nay có phải đối mặt với biến động nào không?

+ Người trẻ hiện nay sống trong một xã hội bình ổn hơn. Họ đi học, đi làm và cố gắng xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp. Cái bất ổn lớn nhất của người trẻ hiện nay là về lòng tin. Nhưng sự mất niềm tin không do họ quyết định mà bởi xã hội tạo nên. Trước những tấm gương xấu, những câu chuyện tiêu cực hằng ngày, nhiều người trẻ trở nên bàng quan, thực dụng, vô cảm… Thật đáng tiếc.

Luôn cẩn trọng với những điều mình viết

. 20 năm sau thời cấp ba ông mới có Vĩnh biệt mùa hè hơn 20 năm sau ngày tham gia TNXP mới có Không có gì và không một ai. Tại sao ký ức đã qua thật lâu mà ông vẫn viết về nó rất thực, rất trẻ trung?

+ Tôi viết những câu chuyện có thật từ ký ức của mình. Tôi có một trí nhớ tốt và ghi chép tư liệu thường xuyên, cẩn thận. Tôi chơi với mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi để có vốn sống từ chính họ. Tôi luôn chỉ viết những gì mình biết, có thực tế cuộc sống, không bịa đặt. Vì vậy văn của tôi có thể không có nhiều tính thơ mộng mây gió nhưng nó thật.

. Ông là nhà văn có khối lượng sáng tác đáng nể. Ông làm cách nào để nuôi dưỡng sức sáng tạo đó?

+ Tôi chưa phải là người có nhiều tác phẩm lắm đâu. Tôi vẫn kính nể các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Lập… là những con người lao động kỷ luật, tự giác và sống được với nghề viết. Tôi coi đó là những tấm gương về tinh thần lao động cho mình.

Thực ra tôi cũng có một kỷ luật lao động riêng. Có thời điểm bận bịu với nghề báo nhưng tôi đề ra kế hoạch mỗi ngày phải viết ba trang và thực hiện suốt một thời gian, kể cả sau khi… đi nhậu về. (Cười). Hiện giờ tôi đang gấp rút hoàn thành kịch bản phim, hôm nào cũng ngồi viết đến 12 giờ đêm là sớm nhất.

Bí quyết nữa là phải đi chơi. Có làm phải có chơi. Đề tài của tôi đa số lấy từ các cuộc đi đây đi đó, vừa bù khú thư giãn với bạn bè, vừa thu thập thực tế. (Cười)

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ GIANG

Những chuyến đi phát học bổng bằng mô tô của tôi cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền trong hai năm qua, chạy khắp các xã vùng sâu của miền Đông, miền Tây… không chỉ để làm công tác xã hội. Các chuyến đi ấy còn giúp tôi có rất nhiều vốn sống và tư liệu để ấp ủ một tiểu thuyết mới về một cuộc hành trình đi tìm một giá trị đích thực của tình yêu…

Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1