Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Hữu Thỉnh trao giải cho 4 tác giả được giải thưởng Việc "đãi cát tìm vàng” từ 83 tập văn xuôi, 78 tập thơ và một số tác phẩm văn học dịch, lý luận phê bình gửi tham dự mùa giải năm 2013 đã cho thấy Hội Nhà văn Việt Nam đã tìm được những tác phẩm thực sự có giá trị với độc giả. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 thực sự là cái nhìn vừa nghiêm túc, vừa mới mẻ về sự phát triển và tính đa dạng của văn học. BCH Hội Nhà văn đã nỗ lực cùng các nhà văn, các nhà xuất bản, các công ty sách trong cả nước kiếm tìm cả những tác phẩm hay nhất xuất bản không vì lý do gì mà ẩn giấu ở đâu đó như trường hợp "Bãi vàng, đá quý, trầm hương”. Điều đó cho thấy quan điểm của Hội là luôn luôn hướng về, tôn vinh và công bằng với những tác phẩm có giá trị, không lệ thuộc vào bất cứ lý do nào khác. Có thể thấy, nhà văn Ma Văn Kháng đã sống và viết không ngưng nghỉ trong suốt cuộc đời mình để lại những tác phẩm quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật. Bằng những trải nghiệm sống, kinh nghiệm sáng tác của mình, ông đã viết "Phút giây huyền diệu”. Qua bút ký này, nhà văn Ma Văn Kháng đã dựng lên một thế giới đời sống sâu sắc, đa chiều, nhân văn và nhiều ám ảnh. Từ đời sống ấy ông đã khám phá ra triết lý sống cũng như triết lý của sự sáng tạo. Tác phẩm này không phải là lý luận phê bình, nhưng nó hé lộ cho chúng ta những bí ẩn và sự diệu kỳ của sáng tạo. Với cách viết này, ông đã hòa quyện một cách tài tình và đầy thuyết phục về mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật. "Phút giây huyền diệu” không những gợi mở cho bạn đọc thông thường mà cho những bạn đọc là nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiểu thêm những cách thức khác nhau của một văn bản nghệ thuật, việc sinh ra của nghệ thuật từ đời sống cũng như gợi mở cho các đồng nghiệp, đặc biệt là những đồng nghiệp trẻ cách xử lý chất liệu đời sống khi sáng tạo và thăng hoa nó trong lối đi riêng biệt của mỗi nhà văn. Nhà văn Nguyễn Trí là cái tên xa lạ, nhưng làm ngạc nhiên không ít người làm văn chương và bạn đọc. Ông đã đi qua nhiều công việc khác nhau trong cuộc đời. Tên tập sách "Bãi vàng, đá quý và trầm hương” cũng chính là thế giới ông đã sống trong đó. Nguyễn Trí đã dựng lên thế giới khốc liệt đó để thử phép nhân tính, đồng thời cũng để phát lộ nhân tính một cách mãnh liệt nhất… Nhà thơ Mã Giang Lân trở lại sau nhiều năm vắng bóng. "Những lớp sóng ngôn từ” là một bước tiến khá dài và rất quan trọng của ông. Có cảm giác nhà thơ Mã Giang Lân chỉ viết lại những gì ông đã viết, nhưng bằng một cảm xúc mới, cái nhìn mới nhiều suy tưởng. Ông đã tự đổi mới mình bằng những câu thơ xuất phát từ lòng trắc ẩn và đầy chiêm nghiệm cuộc đời. Nhiều khổ thơ có thể không gây cảm xúc và thiếu thuyết phục với những người còn mải mê với những cách ví von, cầu kỳ, sự hào nhoáng, những âm nhịp thuận tai, nhưng, thực sự tập thơ đã làm cho đôi mắt của người đọc ứa lệ và hạnh phúc. Những năm gần đây, một số nhà xuất bản đã cố gắng để mở lại con đường in những tác phẩm có giá trị của thế giới. Một trong những tác phẩm văn học dịch xuất sắc đã trở lại với bạn đọc Việt Nam là tiểu thuyết "Nông dân” của nhà văn Ba Lan Wladyslaw Reymont đoạt giải Nobel 2004. Dịch giả Nguyễn Văn Thái đã có một chọn lựa đúng khi dịch tác phẩm này với sự hiểu biết sâu sắc con người và văn hóa Ba Lan. Dịch giả đã hoàn thành xuất sắc bản dịch của mình trong sự nhuần nhuyễn và trong sáng của tiếng Việt. Ông đã cho chúng ta tận hưởng phong vị ngôn ngữ của một bậc thầy văn chương thế giới và hơi thở không mất đi của đời sống cách chúng ta hàng thế kỷ. Tác phẩm dịch này còn gián tiếp nói với chúng ta rằng. Những giá trị đích thực của sáng tạo mang một đời sống lâu dài và đôi khi là vĩnh cửu. Phương Đông
|