Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng

10:29:00 26/01/2014

Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà văn, nhà thơ cần có ba yếu tố chủ quan : tài, trí và tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài, về trí. Đọc Nguyên Hồng, thấy tài và tâm, nhất là tâm, nổi lên hàng đầu.

Mà "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc. Tài và trí chỉ là cành, là ngọn. Nguyên Hồng viết văn như là đặt luôn cái "tâm" nóng hổi của mình trên trang sách. Nếu cần nói thật khái quát một cái gì chung nhất cho mọi chủ đề tác phẩm của Nguyên Hồng, thì đó là lòng nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng thống thiết mãnh liệt.


Nhà văn Nguyên Hồng

...Trước Cách mạng tháng Tám, có nhà phê bình nhận xét Nguyên Hồng có cái tật cứ đổ dồn dập lên đầu nhân vật của mình đủ thứ tai họa trên đời. Đọc Nguyên Hồng, thấy căng quá, nặng nề quá. Đúng là như thế. Nhưng chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyên Hồng đòi hỏi ông phải viết như vậy. Nếu không thế, nói sao cho hả, cho đã những tình cảm thống thiết của ông đối với thân phận người dân cùng ngày trước? Và có như thế, ông mới tỏ hết được niềm tin mãnh liệt của mình đối với "thiện căn" bền vững của nhân dân lao động.

Từ vực thẳm tối tăm ngày trước, từ đống bùn rác ngập ngụa trong xã hội cũ, những Tám Bính, những mẹ La của tiểu thuyết Nguyên Hồng vẫn giữ chắc bản chất hồn hậu, trong sáng của mình mà vươn lên, như những mầm cây căng nhựa, xuyên thủng lớp lớp bùn đất dày đặc để nhô lên đón lấy ánh sáng mặt trời.

...Nguyễn Tuân có lần nói, ông sở trường về tả gió, còn tả nắng thì nhất Nguyên Hồng. Nắng không thể thiếu trong phong cảnh thiên nhiên làm nền cho sinh hoạt của nhân vật tiểu thuyết Nguyên Hồng. Một thứ nắng vùng cửa biển, phấp phới, lồng lộng. Một thứ nắng có sức sống, có linh hồn, cũng hoạt động sôi nổi như con người, thậm chí có lúc như reo lên, hét lên hòa với nhịp sống tưng bừng náo nhiệt của thành phố Hải Phòng rực rỡ màu phượng vĩ. Dĩ nhiên, thiên nhiên vùng đất cảng đã ảnh hưởng tới thế giới thẩm mĩ của nhà văn.

Nhưng người cầm bút phải có một tâm hồn như thế nào đấy thì cái ánh nắng kia mới đi vào tác phẩm rực rỡ như thế được. Nguyên Hồng như có cái bản năng tự nhiên của cỏ cây luôn luôn hướng về ánh sáng. Một tâm hồn đầy ánh sáng, đầy ánh nắng. Dưới ánh nắng ấy, mọi cảnh vật ông mô tả đều tươi tốt, nở nang, màu mỡ, tràn đầy sức sống. Thứ ánh nắng có sức xua tan cả âm khí, tử khí trên những xác chết.

...Cái gì đã tạo nên ở Nguyên Hồng một chủ nghĩa lạc quan vững khỏe đến như thế? Đó là lí tưởng cách mạng mà nhà văn đã tiếp thu được ngay từ thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhất là từ khoảng năm 1938 - 1939 trở đi. Đó là bản tính yêu đời, yêu sống của nhân dân lao động đã thấm vào máu thịt, tâm hồn ông. Đó là sức mạnh tinh thần của một con người bao giờ cũng sống hết mình với cuộc sống, với mọi người, mọi việc xung quanh.

...Quá trình sáng tác của Nguyên Hồng như thế là đúng 46 năm liên tục (1936 - 1982). Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà sức sáng tạo, cho đến phút cuối cùng, chưa hề có dấu hiệu gì vơi cạn. Dĩ nhiên, đánh giá một nhà văn, người ta nghĩ đến chất lượng hơn là số lượng những trang viết. Không thể nói rằng tác phẩm của Nguyên Hồng đều là những đỉnh cao, những kiệt tác văn học. Nhưng đối với lịch sử văn học nước ta năm mươi năm qua, Nguyên Hồng có một vị trí chắc chắn lắm, bền vững lắm...

Xuân Diệu có lần nói, Nguyên Hồng có năng khiếu của một nhà văn lớn. Tôi cũng nghĩ như thế. Ông thành công ngay từ sáng tác đầu tay. Nhưng nếu như có những cây bút nào kia chỉ lóe sáng lúc ban đầu rồi lụi tắt, thì Nguyên Hồng, cả quá trình sáng tác mấy chục năm, không có lúc nào viết xuống tay hẳn.

Tác phẩm cuối cùng của ông là bộ tiểu thuyết "Núi rng Yên Thế". Tác phẩm mới in một tập. Bản thảo tập hai chưa ráo mực. Với bộ truyện viết về Đề Thám này, Nguyên Hồng sẽ có thêm một đóng góp mới đối với văn học hiện đại nước ta, nói riêng về loại tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm chưa hoàn thành. Cái chết đến với nhà văn quá đột ngột, giữa đà sáng tác đang còn hào hứng và đầy hứa hẹn. Tiếc thay!

...Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu có bao giờ khô cạn được chăng?

(Trích trong cuốn "Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn", NXB Giáo dục, 1994)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1