Lặng lẽ chiêm nghiệm, lặng lẽ viết khiến bạn đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đó là Bùi Anh Tấn, Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản CAND tại TP Hồ Chí Minh. Kể từ cuốn tiểu thuyết đình đám “Một thế giới không có đàn bà” xuất bản năm 1998 và đoạt giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống năm 1999 - 2002” do Nhà xuất bản CAND phát động, đến hôm nay, Bùi Anh Tấn đã trình làng 15 cuốn tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn và hàng trăm tập kịch bản phim truyền hình. Không chỉ viết về vấn đề đồng tính, Bùi Anh Tấn còn thử sức ở những đề tài gai góc là tôn giáo và lịch sử. Chính vì thế, những tác phẩm của anh luôn mang tính thời đại và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Từ mảnh đất miền Tây hào phóng nắng gió, Trung tá Trần Hồng Long (Công an tỉnh Sóc Trăng) cũng miệt mài với những trang viết thấm đẫm tình người bằng một giọng văn đặc sệt chất Nam Bộ. Hai lần vinh dự nhận giải ba và giải nhì cho truyện ngắn giải Cây bút Vàng do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, một giải tác giả có truyện ngắn hay trên Tuần báo Văn nghệ, Trần Hồng Long không ngủ quên trong vinh quang mà đã kịp ra mắt 4 tập truyện ngắn. Năm qua là một năm đáng nhớ bởi anh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để tạo một bước chuyển ngoạn mục khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay với những vấn đề đặt ra hết sức thời sự. Hy vọng những ngày đầu năm mới, cuốn tiểu thuyết sẽ đến tay bạn đọc.
Còn từ núi rừng hùng vĩ xứ Lạng, Trung úy Chu Thanh Hương dù còn rất trẻ nhưng đã khiến nhiều người cảm phục khi chị vinh dự nhận giải A cho tiểu thuyết “Hoa bay” trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký với đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Nhà xuất bản CAND phát động. Tình yêu với công việc của mình và đồng đội mỗi ngày, sự gắn bó máu thịt mảnh đất mình sinh ra và lớn lên và trên hết là những khát vọng lớn lao về sự bình yên là nguồn cảm hứng bất tận để Chu Thanh Hương thả hồn vào từng trang viết. Sau “Hoa bay”, chị tiếp tục gây bất ngờ với 38 tập kịch bản “Chạm tay vào nỗi nhớ” và chưa dừng lại ở đó, như lời chị tiết lộ thì đầu năm tới sẽ là một tập truyện dài cho thiếu nhi và cuốn tiểu thuyết thứ hai.
Thượng tá Bùi Anh Tấn: Người cầm bút phải tự thân đổi mới
Năm 2013, tôi hoàn thành một tiểu thuyết dày khoảng 400 trang, có tên “Thám tử yêu” đáng lẽ in trong năm 2013, rất tiếc vì nhiều lý do bất khả kháng, cuối cùng đơn vị phát hành đã đề nghị lùi lại cho họ vào đầu năm 2014 để bán trong Hội chợ sách 2014 do TP Hồ Chí Minh tổ chức thường niên. Có một điều kỳ quặc trong nghề xuất bản, sách bạn hay cách mấy, nhà văn tên tuổi cách mấy… nhưng sự ra đời của tác phẩm nhiều lúc do chính các đơn vị phát hành quyết định thời điểm, số lượng. Năm qua là một năm cực kỳ khó khăn của ngành Xuất bản và tiên liệu năm 2014 có thể còn khó hơn nữa. Điều này buộc những người cầm bút cũng phải tự thân đổi mới, “nâng cấp” bản thân và chữ nghĩa.
Đã qua rồi cái thời bao cấp tác phẩm, cứ viết, nhà xuất bản in và bạn đọc vồ vập đón nhận. Cuộc sống có quá nhiều cạnh tranh, thế nên nếu nhà văn cứ nghĩ rằng mình đứng trên đỉnh cao và tự mãn với bản thân chắc chắn sẽ rất khó tồn tại. Những ngày cuối cùng của năm 2013, tôi đang phải hì hục hoàn thành một kịch bản dài tập (30 tập) hợp tác giữa Việt Nam và Hồng Kông. Kịch bản đã được đài truyền hình duyệt đề cương cho tiến hành viết, nhà sản xuất, nhà đầu tư đã đồng ý và có khả năng tháng 3 hoặc tháng 4 sang năm 2014 sẽ bấm máy. Viết kịch bản là một công việc căng thẳng đòi hỏi tiến độ thời gian rất gấp gáp và luôn bảo đảm các yếu tố đặc thù của phim ảnh, hay và hấp dẫn.
Trung tá Trần Hồng Long: Thật hạnh phúc mỗi khi tác phẩm hoàn thành
Tôi là người con của miền quê Hậu Giang, một vùng đất với nhiều địa danh quen thuộc và giàu truyền thống cách mạng. Tình yêu với văn chương ngấm vào máu thịt ngay từ lúc tôi còn nhỏ nhưng phải đến khi trở thành người chiến sĩ Công an, đủ độ chín về cảm xúc và trải nghiệm, tôi mới tự tin cầm bút. Với tôi, được viết về những con người hết sức bình dị vùng đồng bằng sông Cửu Long, về những chiến sĩ Công an đêm ngày giữ gìn sự bình yên cho quê hương là sự may mắn của số phận.
Những tác phẩm đầu tay hồn nhiên, ấm áp của tôi đã ra đời như thế và đăng trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Báo Văn nghệ Công an) cùng một số báo, tạp chí khác và được bạn đọc ghi nhận. Những giải thưởng văn chương cũng là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục dấn thân trên hành trình văn học của mình.
Năm 2013, tôi quyết định viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cổ miếu đêm mờ sương” hơn 500 trang. Là một công dân, một chiến sĩ An ninh, tôi muốn dùng ngòi bút cùng tấm lòng của mình để góp một tiếng nói chống tiêu cực, về nạn chạy chức, chạy quyền đang gây nhức nhối trong xã hội chúng ta. Bản thảo chỉnh sửa xong, hiện một nhà xuất bản đã lên kế hoạch in trong năm 2014. Mỗi khi một tác phẩm hoàn thành, tôi thấy mình là người vô cùng hạnh phúc vì như trả được một món nợ với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, với lực lượng Công an, nơi tôi có hơn hai chục năm gắn bó, vun đắp những ước mơ của tôi và cho tôi những cảm xúc cần thiết để tôi viết nên những tác phẩm của mình.
Trung úy Chu Thanh Hương: Sau mỗi tác phẩm đều rút ra những bài học quý giá
Sau tiểu thuyết “Hoa bay”, tác phẩm đạt giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010" và một số giải thưởng văn học, tôi may mắn được nhiều độc giả quan tâm và yêu mến.
Tuy nhiên, trong năm 2013, tôi gần như cho phép ngòi bút của mình được nghỉ ngơi hoàn toàn. Phần vì do điều kiện công tác và học tập, phần vì muốn dành nhiều thời gian để tiếp thu phản hồi từ khán giả đối với một số sáng tác của mình trong thời gian gần đây.
Ví dụ như tập truyện dài "Sảng Lim" trong dự án sách cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa vừa được NXB Kim Đồng phát hành tháng 11/2013; kịch bản phim truyền hình “Chạm tay vào nỗi nhớ” hiện đã được xây dựng và phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy đó không hẳn là những sáng tác mới vì “Sảng Lim” tôi đã viết từ khi học cấp 3, kịch bản phim cũng được hoàn thành từ năm 2011, nhưng do nhiều điều kiện, đến nay các tác phẩm này mới ra mắt độc giả.
Với tôi, viết kịch bản thực sự là công việc vô cùng thú vị nhưng cũng đầy thử thách và gian nan. Đơn cử là tôi đã viết "Chạm tay vào nỗi nhớ” trong 9 tháng với gần 1.800 trang bản thảo. Đây thật sự là tác phẩm dài hơi và vất vả nhất của tôi. Chính vì vậy, tôi muốn dành thời gian để nhìn lại chính mình.
Thật may là cho đến nay, tác phẩm này nhận được sự yêu mến và phản hồi tốt, bản thân tôi cũng tự rút ra được nhiều bài học quý giá.
|
Cảnh trong phim “Chạm tay vào nỗi nhớ”, kịch bản của Chu Thanh Hương. |
Bước sang năm mới 2014, tôi sẽ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác chuyên môn và niềm đam mê sáng tác. Mở màn sẽ là bản thảo tiểu thuyết "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn" đã được hoàn thành để tham gia cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống năm 2012-2015". Mong rằng tác phẩm sẽ tiếp tục được độc giả quan tâm, ủng hộ