Ở tuổi 20 (1954), chàng trai quê Thủy Nguyên (Hải Phòng) hăm hở trong đoàn quân về giải phóng thủ đô. Sau đó, ông bước vào nghề báo ở tờ báo của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam -Tiền Phong. Rồi ông lấy vợ và chuyển về thành phố quê hương, vẫn làm báo và đi vào nghề văn. Ở tuổi 34 (1968), ông lâm nạn do bị nghi là dính đến một “vụ án chính trị” mà đến tận bây giờ vẫn chưa được sáng tỏ chính thức, dù sự oan khuất thì đã rõ. Năm năm sống đời một “người ở cực bên kia” (tên một truyện ngắn của ông về sau) đã đủ đóng lên con người và cuộc đời ông dấu ấn của bộ tộc mang tên Tà Ru. Từ đó, tên ông cũng biến mất trên văn đàn. Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu. Ở tuổi 61 (1995), sau 27 năm bị ngắt tiếng, ông trở lại văn đàn với tập hồi ức văn học về Nguyên Hồng với các bạn văn Hải Phòng nhan đề Một thời để mất. Tự cái tên sách tái xuất đã nói lên tất cả. Trong bài viết về một bạn văn, ông đã ghi lại cảm giác lúc đó, cái lúc lại được thấy cuốn sách của mình ra đời: “Một cái rùng mình gai gai khe khẽ chạy suốt dọc người tôi. Không. Tên tôi đã được in trên nhiều bìa sách. Nhưng đây là tập sách sau 27 năm. 27 năm chết. 27 năm sau, tôi lại được đứng dưới mặt trời. Từ thế giới bên kia, 27 năm sau, tôi trở lại thế giới này. Tôi sống lại. Ngay khi mới bước vào nghề, nhìn tập sách đầu tiên của mình được in cũng không xúc động như vậy. Lúc đó chỉ đơn giản là sống. Là vui sống. Còn bây giờ là sống lại. Là chết đi sống lại”. Từ đó, ông đã viết trở lại và in trở lại. Liên tiếp các tập truyện ngắn và hồi ức ra đời. Cảm hứng viết của ông ở những trang văn là “đi tìm thời gian đã mất”. Cho mình. Và cho những bạn mình, “cùng một kiếp bên trời lận đận”. Tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 là tác phẩm lớn nhất của ông. Đó là một tiểu thuyết tự truyện kể lại hành trình đời người của một nhà báo, nhà văn bị giam cầm phi lý, oan ức. Nhân vật mang tên Nguyễn Văn Tuấn và được gọi bằng đại từ “hắn”. Có lẽ ông là người đầu tiên cho HẮN xuất hiện trở lại trong nền văn học xã hội chủ nghĩa vào thập niên cuối thế kỷ XX. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. (Ảnh do nhân vật cung cấp) Trong truyện Người ở cực bên kia của ông viết năm 1990, đại từ “hắn” đã tự nhiên có mặt như không thể khác. Một đại từ giành lại chỗ đứng dưới mặt trời trong kho từ vựng tiếng Việt hiện đại. Một con người, và một lớp người, ẩn sau đại từ ấy đòi được quyền hiện hình và lên tiếng. Hắn không vô danh. Hắn không hèn mọn. Hắn là người, có quyền làm người và nói lên tiếng nói người. Con người “hắn” bị gánh chịu lịch sử nhưng không cam chịu lịch sử. Nên lịch sử phải biện minh cho hắn, từ tất cả những gì đã xảy đến với hắn. Trong tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, ông đã khai triển đầy đủ, trọn vẹn, đa nghĩa, đa chiều “hắn” này. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông là Biển và chim bói cá (2009). Tác phẩm có bối cảnh là một xí nghiệp đánh cá cuối thời bao cấp với cả một tập thể nhân vật đủ hạng người phải vật lộn giữa biển khơi và biển đời để sống, để tồn tại. Những con người trên bờ dưới nước giăng lưới đánh bắt cá và cả đánh bắt nhau, họ vùng vẫy tìm cách thoát thân trong một tấm lưới vây bọc mình của cơ chế, của xã hội. Biển mênh mông mà chật hẹp. Biển dữ dội mà êm đềm. Biển nuôi sống con người và dạy con người biết sống làm người tự do. Văn của ông trong tiểu thuyết này có sự kỹ lưỡng, chi tiết của ký sự, sự hài hước, mỉa mai nhẹ nhàng và chất thơ của cái nhìn xót thương con người, tất cả được thể hiện trong một lối viết hiện thực nghiêm nhặt. Theo tác giả, có thể đọc cuốn tiểu thuyết này như một sử thi về sự tan rã:“Sử thi không chỉ là để nói về chuyện thành lập cái này, cái kia. Trong cái tan rã, có những cái rất bi hùng. Tan rã ở đây là về ý thức hệ, từ chỗ tuyệt đối tin tưởng, rồi đến hoang mang, dao động rồi mất lòng tin; tan rã từ chỗ đoàn kết, gắn bó với nhau trở nên rời rạc, phân rã, mỗi người một kiểu; tan rã trong tình bè bạn, tan rã trong tình đồng chí, tan rã trong một tổ chức, một lý thuyết tổ chức chỉ đạo sản xuất. Tôi nghĩ rằng tôi cố gắng phản ánh thực tế của sự tan rã ấy bằng những chi tiết cụ thể, chi tiết sinh động, mà không ai có thể chối cãi được”. Biển và chim bói cá đã được trao Giải thưởng Lớn (Grand Prix) tại Liên hoan Sách và Biển (4-2012) mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910-1992) và giải thưởng Sách hay năm 2013. Một thời để mất! “Một thời tin tưởng. Một thời bay bổng. Một thời hạnh phúc. Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa”. Tưởng đâu sau những gì đã xảy đến với ông, nếu văn ông có giọng cay độc, chua chát, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không! Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu. Hình như đây là kết quả của sự kết hợp bản tính người và trải nghiệm đời nơi ông. Ngay cả sự trầm tĩnh và đôn hậu ở đây cũng không hề là phải cố ý, gồng mình, tỏ vẻ. Ông đưa lại cho người đọc những dòng văn tự nhiên, dung dị, khi những oan trái, khổ đau lặn vào sau câu chữ làm nên sức nặng và chiều sâu của những điều được viết ra. “Hãy kể những chuyện đau bằng cái giọng hài”, Bùi Ngọc Tấn đã làm được như lời khuyên của Dương Tường, Hứa Văn Định. Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu ấy. Một giọng điệu văn chương làm người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 dịch sang tiếng Pháp (NXB Aube) mang tên Conte pour les sìecles à venir (Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau). Ở bìa 4 có lời nhận xét: “Điều khiến người ta ngạc nhiên khi đọc tác phẩm (mang tính tự truyện) này, đó là sự thanh khiết khi mô tả những năm tháng đau đớn. Không có chút hằn thù nào. Ngược lại, tác phẩm dành nhiều chỗ cho chất thơ như cất cánh vượt lên trên sự độc ác của con người”. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Ông là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Văn chương đó là sự thật. Tác phẩm cuối cùng của đời ông, như ông nói khi mỗi năm họng súng bắn tỉa của thần chết càng gần lại mình, đã viết xong. Đó là câu chuyện về hành trình xuất bản của Chuyện kể năm 2000. Ông muốn, và có quyền, đòi hỏi lịch sử phải minh bạch và sòng phẳng với những cá nhân đã phải chịu đựng lịch sử. Văn chương, ông đã chọn. Và khi văn chương do sự phũ phàng của lịch sử trở thành cây thập ác cuộc đời khiến phải mang vác, ông cũng đã chọn. Không vứt xuống. Không chạy trốn. Không gục ngã. Không dừng bước. Vì thế, Bùi Ngọc Tấn, và những bạn cùng cảnh ngộ như ông, đã được phục sinh, trong văn, và từ văn. |