Tiểu thuyết "Cánh chim kiêu hãnh" đến tay khi tôi chuẩn bị trở lại Đức với bao công việc. Cuốn sách đã được tác giả viết ít nhất hai lần và bây giờ nó làm tôi thức trắng trên máy bay suốt chiều dài 16 tiếng.
Tiểu thuyết kể về cuộc đời một cô gái người dân tộc Tày xinh đẹp tên Mai, từ thân phận tôi đòi trở thành vợ một thanh niên tên Chúng, rồi tham gia vào Việt Minh, giải phóng chính mình và những thân phận giống mình... Ở đây, cả chồng cô và những nhân vật khác quanh cái "trung tâm Mai" bị cuốn rất tự nhiên, khá tất nhiên vào cơn bão cách mạng của vùng núi Việt Bắc chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn quan lại, tay sai của chúng.
Chuyện li kì, các tình huống đan nối nhau, bắt đầu là cái chết của chồng Mai, một người đã hy sinh vì cô, mang lại tự do cho cô, khởi đầu bằng cả đàn gia súc lớn… Từ cái gốc ấy, sau khi chồng mất, để trả thù nhà, là một câu chuyện dài khi Mai cũng theo cách mạng và hy sinh...
|
Nhà văn Đỗ Bích Thúy tại lễ ra mắt tiểu thuyết "Cánh chim kiêu hãnh". |
Nhiều cuốn tiểu thuyết kinh điển trên thế giới bắt đầu từ một mối tình và kết thúc bằng cái chết bi thảm, để lại dư âm khiến cho các tác phẩm ấy trở nên bất tử bằng "bi kịch tình yêu". "Cánh chim kiêu hãnh" cũng sử dụng motip bi kịch: Tình Yêu và cái chết. Chỉ có khác là với Đỗ Bích Thúy, thêm một gạch nối giữa Tình Yêu với cái chết bằng "con đường dẫn nhập lí tưởng giải phóng". Sự tự do của Mai có được bắt đầu từ tình cảm của Chúng và được nuôi dưỡng, chăm bẵm bằng tình cảm và sự khao khát của đôi lứa. Nhưng hạnh phúc vừa thăng hoa đã bất chợt vụt tắt khi Chúng bị bắt, bị chặt đầu thị uy.
Đây là đỉnh điểm của nỗi đau đớn khiến cuộc đời Mai ngoặt sang một hướng khác, biến một cô gái Tày nết na nhu mì trở thành một chiến sĩ cách mạng, hơn thế trở thành biểu tượng cánh chim đại bàng kiêu hãnh trên rừng núi phía Bắc. Hình tượng Mai, với hệ thống nhân vật quanh cô, kể cả mối tình đơn phương bị giấu kín của Sinh với cô đã khiến cho câu chuyện rất đời mà lại phản ánh được sự vùng lên, trở thành một lực lượng cách mạng của "những kẻ đói rách thường bị áp bức".
Diễn tiến của đời sống các dân tộc thiểu số bị o ép, bần cùng tới mức hạt muối cũng quý như hạt ngọc; sự bức bối tới mức phải phá cả nương ngô để lấy đất trồng thuốc phiện… đã được Đỗ Bích Thúy tái dựng xung quanh cái trục là một câu chuyện tình. Bên cạnh nhân vật trung tâm, nhà văn tạo nên một hệ thống với khá nhiều nhân vật, gắn nó với cuộc kháng chiến chống Pháp đã lùi xa, thổi vào đó không khí của cái thời "một cổ hai tròng", lại với lối dẫn chi tiết mang đậm tính sắc tộc, văn hóa vùng miền, những nếp sinh hoạt, ăn ở, tâm lí và biểu hiện tâm lí khá lạ với độc giả quen thưởng thức văn hóa vùng xuôi… để cuối cùng kết dẫn bằng hình tượng cái chết của Mai. Bi kịch "cái chết vì một tình yêu lớn hơn cả tình đôi lứa" được tác giả đẩy lên thành hình tượng khi trong cận kề cái chết của Mai, là giấc mơ hóa thân thành loài chim đại bàng kiêu hãnh của một cô gái trước như giun dế, chó ngựa - thân phận tôi đòi.
Trong cuộc bàn thảo về văn học đề tài chiến tranh do tạp chí Nhà văn & Tác phẩm tổ chức thời gian gần đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa có nêu ra khái niệm Văn học thời chiến và Văn học chiến tranh. Một vài nhà văn tại buổi thảo luận này cũng cho rằng, văn học đã qua thời dùng nó như một vũ khí tuyên truyền, nay phải nhìn nó tỉnh táo hơn để nhận diện chiến tranh ở Việt Nam. "Cánh chim kiêu hãnh" của Đỗ Bích Thúy phải chăng cũng là một dạng thức về văn học chiến tranh - tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Đỗ Bích Thúy là nhà văn chưa qua cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, vì thế sự dấn thân vào "vùng không quen biết của đời sống" quả thực là một thách thức đối với chị. Đấy là sự dũng cảm khi tái hiện dĩ vãng. Nếu như với tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài đã phần nào lý giải cái tất yếu để trước sau phải vùng lên của những con người đói khổ bị áp bức, thì hôm nay, Đỗ Bích Thúy là sự tiếp nối, vẽ ra điều sẽ tới, đã tới của cơn bão cách mạng. Rõ ràng cũng là lịch sử Việt Bắc hôm qua - hôm nay, hai nhà văn hai thế hệ đã phơi bày nó ở các góc cạnh với sự tham chiếu khác nhau mà vẫn không triệt tiêu nhau.
Trong bài "Lịch sử trong mắt ai", nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đã đánh giá cao sự dũng cảm của thế hệ Đỗ Bích Thúy, những nhà văn trẻ sinh ra sau sự kiện mình đề cập tới 70 năm, thể hiện một "thái độ ứng xử với lịch sử, với quá khứ dân tộc, với những hy sinh vô bờ bến của các bậc tiền bối". Như vậy, "Cánh chim kiêu hãnh" không chỉ phản ảnh lịch sử kháng chiến chống Pháp trên Việt Bắc mà còn là sự ứng xử đáng trân trọng với lịch sử của một thế hệ sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa.
Đỗ Bích Thúy từng được nhiều giải thưởng văn học ở thể thức truyện ngắn bởi sự nhuần nhuyễn nhuộm màu rất riêng của vùng văn hóa mà nhà văn gắn bó từ nhỏ. Có lẽ ý thức được điều ấy, nên trong tiểu thuyết, thể thức dài hơi này, Đỗ Bích Thúy vẫn lựa chọn, tạo ra khá nhiều chi tiết đậm tính vùng miền, từ ngôn ngữ đối thoại, cách suy nghĩ, hành xử… tới những câu văn tả cảnh sắc, ăn uống, sinh hoạt đều mộc mạc, dung dị như tâm hồn người miền cao, người dân tộc thiểu số, nhưng ẩn chứa sức nặng của đời sống qua khả năng quan sát nhận biết thế giới khá tinh tế của tác giả.
Sách phân ra 25 phần nhỏ. Về kết cấu không có gì mới so với lối cấu trúc kinh điển, nhưng do cách thức sắp đặt thời gian và sự kiện không tuần tự và kết thúc lại viện dẫn một đoạn dường như được in trong các tài liệu lịch sử nên ít nhiều, nó cũng tạo nên sự tìm tòi về hình thức, để tránh sự nhàm chán so với nhiều cuốn sách khác. Nhưng sự hấp dẫn bạn đọc có lẽ không phải ở điều đó. Suy cho cùng nó vẫn nằm trong hai yếu tố: Các chi tiết dẫn vào nhau thế nào và câu chuyện với những chi tiết ấy nằm trong không khí của chuyện, lại lôi cuốn bạn đọc đi trong hơi văn giàu cá tính ra sao.
Tạng văn Đỗ Bích Thúy không phải ở dạng khốc liệt. Người phụ nữ sinh trưởng nơi miền núi này vẫn dành cho các trang sách của mình sự mềm mại đủ để làm chùng những chi tiết dữ dội của đời sống. Kể cả khi chị mô phỏng sự khao khát tình dục của Mai, của chồng cô, đã dùng những từ gọi tên sự làm tình rất thô mộc, theo cái cách nghĩ, cách cảm của người thiểu số, nhưng người đọc lại cảm thấy sự trong sáng đẹp đẽ, tràn đầy yêu thương ở đó. Đỗ Bích Thúy có những đoạn "đi trên dây" như thế, nhưng vẫn đứng được ở sự làm chủ. Chủ động được tình huống chính là đã tạo dựng được tính thẩm mĩ văn học .
Theo dõi hành trình văn chương của Đỗ Bích Thúy bấy nay, từ tạp văn, truyện ngắn tới tiểu thuyết, có thể thấy "Cánh chim kiêu hãnh" một lần nữa đã đưa vị trí của nhà văn quân đội này tiến tới những cung bậc mới…