Còn lại mãi với thời gian

17:11:00 14/02/2014

KTĐT - Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đồng hành cùng văn chương Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến và tiếp tục tỏa bóng trong thời bình bằng cá tính độc đáo.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng khởi nghiệp cầm bút ở chiến khu U Minh với truyện ngắn đầu tay Con chim vàng in năm 1956. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm mang đậm cốt cách Nam Bộ.

Vòng hoa đến viếng nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho chúng ta những áng văn bất hủ, trong đó có cả những tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa và nhận được sự yêu mến đặc biệt của công chúng. Hẳn nhiên, không thể không nhắc đến tác phẩm Chiếc lược ngà, một trong những tác phẩm đã đi vào lòng bao thế hệ học sinh trên ghế nhà trường.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trần ở tuổi 82.
“Ngày ấy, mình đang là cô học sinh cấp 3, đã từng đọc truyện ngắn "Chiếc lược ngà", rất ấn tượng với văn phong Nam bộ, câu chuyện viết về tình cha con của những người kháng chiến, những người cách mạng. Nhưng đó cũng là tình phụ tử muôn đời. Truyện không dài, tình tiết không li kì, tư tưởng cũng không phức tạp. Nó chân thực và giản dị, vì thế mà cảm động. "Chiếc lược ngà” là một câu chuyện cảm động giữa ông Sáu và bé Thu. Ông Sáu đi kháng chiến, khi có dịp trở về thăm nhà thì con gái ông đã lên tám tuổi. Bé Thu không nhận ông là cha vì vết sẹp dài trên má khiến khuôn mặt ông không còn giống như trong bức ảnh chụp chung với má mà bé Thu đã biết. Đến khi bé nhận ra thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường nhận nhiệm vụ mới. Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con nhưng ông đã bị hi sinh trong một trận càn của địch. Đó không chỉ là cảnh ngộ éo le của cha con ông Sáu, mà còn là sự thiệt thòi, mất mát của đồng bào miền Nam trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc…”, chị Mỹ Phượng (Công ty PHBC TW) chia sẻ trong xúc động.

Cảnh trong phim "Cánh đồng hoang".
Ngoài ra, một số các tác phẩm văn học khác trong gia tài sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được nhiều người biết đến như: Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn, Nhà văn về làng…

Dòng người tiếc thương nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Không những đã để lại cho đời những “áng văn bất hủ”, Nguyễn Quang Sáng còn đặc biệt thành công với vai trò nhà biên kịch, với nhiều kịch bản đã trở thành “kinh điển của điện ảnh Việt Nam”. Trong đó phải kể đến là tác phẩm Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi, Giữa dòng, Như một huyền thoại… Tất cả đều để lại một dấu ấn mạnh mẽ và phong cách rất riêng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên màn ảnh. “Từ năm 1966, tôi đi chiến trường ở Đồng Tháp Mười, lúc mùa nước nổi, chứng kiến cảnh đánh nhau trên Đồng Tháp, cảnh trực thăng bắn thì người lớn lặn xuống nước được chứ con nít đâu lặn được, thành thử phải có bao ni-lông bỏ đứa con nít vào trong đó, người lớn lặn rồi ôm đứa con nít lặng theo. Tôi chứng kiến cảnh đó rồi nghĩ cảnh này mà vào phim sẽ rất “ăn”. Từ hình ảnh đó cho thấy một cuộc chiến tranh khốc liệt mà không ở đâu có, mà chỉ cần tả điều đó thôi đã thấy sự khốc liệt của chiến tranh rồi, không cần phải có máy bay hay xe tăng gì nhiều hết. Tôi đã “nuôi” chi tiết đó từ năm 1966 cho đến năm 1978, tôi mới bắt đầu viết, mà kỉ niệm cũng rất khó quên: Khuya 18/12/1978, tôi đưa bà xã vào bệnh viện sinh con, trở về nhà tôi ngồi viết, viết đúng một tuần xong kịch bản Cánh đồng hoang, tôi vào đón bà xã và thằng con về, thằng con đó bây giờ là Nguyễn Quang Dũng” -Nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng cho biết trong một lần khi được hỏi về kịch bản bộ phim “Cánh đồng hoang”.
Tác phẩm đã xuất bản:
* Văn xuôi:
- Con chim vàng (truyện ngắn, 1957);
- Người quê hương (truyện ngắn, 1958);
- Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1962 );
- Đất lửa (tiểu thuyết, 1963);
- Câu chuyện bên trận dịa pháo (truyện vừa, 1966);
- Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1968);
- Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969);
- Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975);
- Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975);
- Người con đi xa (truyện ngắn, 1977);
- Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985);
- Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985);
- Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988);
- 25 truyện ngắn (1990);
- Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (ký, 1990);
- Con mèo Fujita (truyện ngắn - 1991).
* Kịch bản phim:
- Mùa gió chướng (1977);
- Cánh đồng hoang (1978),
- Pho tượng (1981);
- Cho đến bao giờ (1982);
- Mùa nước nổi (1986);
- Dòng sông hát (1988);
- Câu nói dối đầu tiên (1988);
- Thời thơ ấu (1995);
- Giữa dòng (1995);
- Như một huyền thoại (1995).
* Giải thưởng văn học:
- Ông Năm Hạng - truyện ngắn giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959);
- Tư Quắn - truyện ngắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1959);
- Dòng sông thơ ấu - giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (1985);
- Con mèo của Fujita - tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994;
- Cánh đồng hoang (kịch bản phim)- bộ phim được tặng Huy chương vàng Liên hoan Phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng Liên hoan Phim quốc tế ở Moskva (1981);
- Mùa gió chướng (kịch bản phim)- Huy chương bạc Liên hoan Phim toàn quốc (1980)
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1