Mạc Can “Tết này tôi có đất… nghỉ hưu”

13:02:00 18/02/2014

(TGĐA) - Lâu ngày mới gặp Mạc Can, ông già hóm hỉnh khoe: “Tôi có ông bạn làm trên công ty Chánh Phú Hòa, lâu ngày gặp lại, ông nói rảnh anh Can lên công ty em, chọn chỗ tốt, quét lá đặt nền đi, em ưu tiên cho một miếng dưỡng già…”. Nghe mà mừng cho ông, nhưng hỏi kỹ thì mới biết rằng, đó là… nghĩa trang trên Bình Dương. Mạc Can bảo, ông ấy còn nói thêm rằng: “ Trên đó có nhà văn Sơn Nam làm tổ trưởng, Hồ Kiểng làm tổ phó, Huỳnh Phúc Điền làm hội viên, mai mốt anh Can lên làm tổ phó an ninh, hội lại cho vui..”. Và câu chuyện với “lão già” Sài Gòn này cứ thế mà ra rả, có lúc vui ngất ngây nhưng cũng có lúc buồn đến lặng người…

Ở Việt Nam, ai mà chẳng biết Mạc Can, sau trôi nổi cả đời người, cuối cùng lại nổi tiếng nhờ nghề viết văn, khởi đầu bằng tiểu thuyết Tấm ván phóng dao , như kể lại cuộc đời của chính ông, một kiếp sống “trôi sông, lạc chợ” từ thuở thiếu thời của một anh hề trong một gánh hát nghèo ở miền Tây Nam Bộ.

Chuyện đoạt giải thưởng là bình thường với những nhà văn chuyên nghiệp, nhưng với Mạc Can lạ một điều, ông là người chưa từng đến trường học. Ông chỉ đọc, đọc từng mảnh báo của gói xôi, đến từng tờ “nhật trình” thời chế độ cũ. Có lẽ, đọc và học ở trường đời đã rèn luyện cho ông trở thành một nhà văn đầy nội lực ở cái tuổi lục tuần. Ông muốn chia sẻ nó chứ không phải muốn thuộc về thế giới đó. Nhớ lại chuyện ông được mời vào một loạt trường đại học để thuyết trình. Thấy ông mắc cỡ, ngại không dám múa rìu qua mắt… sinh viên, nhà trường bảo: “Chú cứ nói những gì chú thích…”. Thế mà ông vẫn run, đến độ không nói thành lời, đành xin phép ban giám hiệu cho ông xuống ngồi chung với sinh viên để dễ trả lời. Câu nào khó quá, ông gãi đầu cười, sau đó biểu diễn ảo thuật tạo niềm vui hay kể câu chuyện sống động từ cuộc đời của mình, khiến nhiều sinh viên rơi nước mắt…

Thân tôi côi cút…

Đến với điện ảnh với vai anh hề xiếc trong bộ phim Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, hơn 30 năm sống với gần 100 bộ phim, toàn các vai phụ, cái tên Mạc Can từ từ cũng được nhiều người biết đến. Suốt cả đời đi diễn, ông chỉ được vào vai chính có đúng hai lần. Lần một, là đợt ông xách ba lô lên tận vùng núi rừng của Đà Lạt, tham gia bộ phim Xóm Suối Sâu của đạo diễn Quang Đại với vai nhân vật trưởng ấp Hai Đừng. Vừa quay, vừa ôm kịch bản nghiên cứu nên khi ra hiện trường, thấy mình bị quay hoài, ngày này qua ngày khác thì ông mới thắc mắc. Đoàn phim bảo: Ông đóng vai chính đó “cha nội” ơi!

Lần thứ hai là vai ông Tư Đèo trong bộ phim Cải ơi của đạo diễn Phương Điền. Đây cũng là lần đầu tiên người ta thấy ông mặc áo veston đi dự giải thưởng ở Đài truyền hình TPHCM, ông bảo: “Phim này tôi đóng vai chính, được giải thưởng huy chương bạc gì đó, nên phải tươm tất đàng hoàng, quyết không làm xấu mặt đoàn phim!”.

Những ngày qua, hàng loạt phim tiếp tục mời gọi ông vào đủ loại vai. Ông kết luận: “Vai nào tôi cũng đóng, lớn nhỏ gì tôi cũng nhận, nhưng tuyệt nhiên không dám đòi hỏi catse”. Bởi theo ông: “Thân tôi “côi cút” khô cứng như vậy, không phải chân dài càng không phải là tài tử, nên đâu dám đèo bòng, trả nhiều tiền thì tốt, ít chút cũng chẳng sao, có nhiều bạn già không hiểu, còn bảo tôi… phá giá. Có lúc diễn xong rồi gặp chủ nhiệm lĩnh tiền, nhưng bị hẹn lên hẹn xuống. Có lẽ, kinh tế khó khăn nên ai cũng khó, khiến mình tự nhiên gặp khổ”.

Ông kể rằng, mình vừa mới phát hành được quyển truyện ngắn Vừa đi vừa suy nghĩ vừa nhìn , có được số tiền khá khá (7 triệu đồng), nhưng vù cái hết trơn. “Tiền bây giờ xài lẹ lắm, khiến mình cứ khốn khó hoài”. Sau đó, ông có viết thêm vài câu chuyện ngắn, lấy từ kinh nghiệm ở những ngày trên xứ Mỹ, nhớ quê nhà, cám cảnh cuộc sống tha phương, tủi cho thân mình vì lạ nước lạ cái… nên câu chuyện vừa lạ vừa hấp dẫn bạn đọc. “Nó được được xếp hạng cao, nghe vậy cũng thấy vui vui” – ông chia sẻ rồi lại ngậm ngùi “Giờ nhiều lúc ngặt quá, các show diễn cũng ít dần, sắp tới ngày xuân rồi vậy mà chỉ mới có hai đoàn mời đi diễn tỉnh vào các ngày cuối năm, không biết Tết này có sung túc nữa không đây...”.

Thôi thì lại viết…

Sau tiểu thuyết Tấm ván phóng dao , nhiều người bảo: “Mạc Can ăn may!”. Nghe qua, ông không buồn, mà tự lầm lũi viết, ông viết bất kể ngày hay đêm, viết tại nhà trọ hay quán cóc… Cứ rảnh là viết, nhớ đoạn nào ông viết đoạn đó, có khi một lúc ông viết tới ba đề tài khác nhau, không có đoạn sau mà cũng có khi không có đoạn đầu, vậy mà bây giờ, sách của ông chễm chệ nằm trang trọng trong các nhà sách lớn, với đủ đề tài: Phóng viên mồ côi, Tờ 100 đô la âm phủ, Người nói tiếng bồ câu, Bầy mèo vô sinh, Cuộc hành lễ buổi sáng

Tôi khen ông là người có bút pháp nội lực, ông cười méo miệng rồi khoe: “Ăn thua gì, có người còn mua luôn ý tưởng của tôi nữa kìa!”. Thấy tôi ngạc nhiên ông nói tiếp: “Tức là chỉ cần tôi nghĩ ra cái gì hay cứ viết, họ sẽ biến tất cả những ý tưởng trên, để cho ra đời những quyển tiểu thuyết với thương hiệu… Mạc Can. Nghe qua thấy oai quá đúng không? Nhưng thấy vậy chứ không phải vậy, thời buổi bây giờ, được người ta in ra sách là mừng thấy… tía! Tiền lương mỗi tháng vài ba cọc, cộng với những sô diễn ít ỏi, rồi các vai diễn ít dần, đôi lúc tôi lâm vào khốn khó. Vừa rồi, bí quá, tôi xách luôn cái laptop Acer mua trong Tết 5 triệu đồng, đi cầm có 3 triệu 2 trăm ngàn đồng, trong đó có luôn tất cả những bản thảo và tư liệu từ trước giờ, vậy mà bà hàng xóm vẫn lắc đầu, cho rằng cái máy có chút xíu, tính bằng tiền triệu ai mà thèm… thế là phải sống lay lắt suốt một thời gian dài khốn khó...”.

Cơ cực, khốn khổ là thế nhưng ít ai biết vì lúc nào ông cũng cười, nói chuyện tưng tửng như ngạo đời. Dường như đối với ông, tất cả đều bình thường. Không se sua, không ăn xài, uống chỉ cần trà đá, ăn cũng chỉ đạm bạc qua ngày. Ông nói: “Chính tui cũng không biết giá trị chính xác của tui, ai kêu gì làm nấy, trả bao nhiêu tôi cũng gật đầu, không toan tính thiệt hơn. Nhiều lúc thấy thua thiệt người ta. Nhưng có một điều hay, cứ mỗi lần kẹt, là y như rằng có ân nhân xuất hiện, hỗ trợ cho mình, đời mà như thế thì còn đòi hỏi điều chi?”.

Hỏi ông “dự án” công bố câu chuyện tình già của lão Mạc Can tới đâu rồi, ông lại cười: “Chuyện này hay lắm, nhưng để già hãy viết, chứ giờ nói sớm sợ mất hay. Tôi đã lên ý tưởng hết rồi, viết thành tiểu thuyết đàng hoàng, dày cỡ 500 trang. Ông thấy tôi khô như ngói đúng không, nhưng khi yêu tôi cũng ướt át lắm đó, bảo đảm lúc phát hành, cũng ăn khách lắm chứ chẳng chơi”. Tôi hỏi ngược ông, sao không viết liền mà để già mới chịu viết, bộ ông tưởng còn trẻ lắm sao? Ông lại cười, “tôi mới U 70 chứ bao nhiêu mà… già!”.

Box: “Có anh bạn từ Mỹ về, thấy tôi “khốn khổ” với chuyện viết lách, nên tặng luôn cái laptop, thấy tôi ngạc nhiên, anh ta bảo: “Anh từng xé nửa ổ bánh mì và đưa cho em cái khúc nhiều hơn, làm em nhớ suốt đời, giờ em tặng để anh yên tâm mà… viết lách”. Cầm “bảo vật” trên tay, ông mừng đến rơi nước mắt. Khổ nỗi, về nhà mới biết, máy hiệu trái táo này xịn quá, xài cái gì cũng khó, thế là có cũng như không. Cuối cùng, tôi phải đem trả lại cho khổ chủ…”

Lữ Đắc Long


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1