Sống gượng đang trong giai đoạn hậu kỳ, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nhuệ Giang.
* Tôi hơi thắc mắc vì sao Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) lại quyết định đầu tư cho đạo diễn Bắc làm phim về thời bao cấp, bối cảnh chủ yếu về miền Bắc?
- Phim dựa trên tiểu thuyết của tác giả Lê Tuyết. Cô ấy không phải nhà văn nhưng chắc đời sống có nhiều bức xúc nên buộc phải cầm bút. Tôi cũng nghe biên kịch nói cuốn tiểu thuyết tựa như cuộc đời tác giả. Tiểu thuyết đó được Ban giám đốc TFS thích. Họ cũng cần màu sắc mới cho dòng phim của mình nên quyết định làm.
Sống gượng kể về một thế hệ người miền Bắc, vào những năm 1980 sống khổ và bế tắc quá, đã di cư vào miền Nam với hy vọng nơi ở mới sẽ đem đến cuộc sống tốt hơn. Phim có một nửa bối cảnh ở miền Bắc và một nửa bối cảnh ở miền Nam.
* Việc chọn bối cảnh hai miền có khó không thưa chị?
- Thời kỳ bao cấp ở miền Bắc, tìm bối cảnh ở các miền quê nghèo không khó. Nhưng vào tới miền Nam thì rất khó. Tôi buộc phải kéo thời gian trong kịch bản về thời điểm năm 2000 và quay ở những quận nghèo của Sài Gòn. Nhưng cũng chỉ quay trong nhà, chứ ra đến ngoài đường thì xe máy, mũ mão khác lắm rồi.
Một cảnh trong phim Sống gượng
* Yếu tố bạo lực gia đình, đặc biệt về bạo hành tinh thần được thể hiện như thế nào trong phim?
- Trong phim có ít nhất năm cảnh đánh đập nên phải nghĩ ra các kiểu đánh khác nhau. Phải tính góc máy để thể hiện được sự ghê rợn của mỗi trận đánh, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho diễn viên. Xem phim Hàn Quốc có cảnh một đứa bé bị thầy tát hết má này đến má khác, đánh rất thật, tôi cũng không biết họ làm thế nào, nhưng tôi nghĩ diễn viên phải có sức chịu đựng nhất định.
Chúng tôi cũng đã thử đánh giả nhưng toàn phải quay lại vì không đạt. Cuối cùng tôi yêu cầu diễn viên đánh là phải chạm vào người, nên diễn viên chính cũng bị tím người không ít lần.
* Đây là một phim nặng về tâm lý, là sở trường của chị rồi, tức là diễn viên sẽ rất "mệt" với chị. Tuy nhiên, được biết, chị cũng sẽ có thử thách riêng vì trong phim này chị sẽ phải “giải phẫu tâm lý đàn ông”?
- Diễn viên kêu, trời ơi chưa từng thấy người nào khó chịu, khó tính đến thế (cười). Nhưng tôi đã làm là phải ra, giả là không chịu được. Những yêu cầu tinh vi, như thể hiện được nét tinh thần từ ánh mắt, đến nét cười cũng chỉ nhằm mục đích đem đến cảnh quay tốt nhất. Tôi cho diễn viên xem lại cảnh quay và họ đều thấy nỗ lực của họ thực sự xứng đáng.
Vai nam chính trong trong kịch bản xây dựng tính cách không rõ, chỉ viết anh này cứ ghen lên là đánh vợ. Tôi thì không muốn làm một nhân vật đơn giản như vậy. Anh ta là một tính cách giữa tử tế và tồi tệ. Vì sao anh ta đánh vợ? Mình phải giải thích được hành vi, chứ để xây dựng một nhân vật cứ nổi khùng lên lại đánh vợ như một thằng điên thì rất dễ. Cái tôi muốn là mỗi trận đánh sẽ thể hiện những tâm lý khác nhau của nhân vật. Trong quá trình làm tôi rất cân nhắc để sao cho tự nhiên nhất. Đoàn làm phim xem xong đều rất khen ngợi nhân vật này.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Phim truyền hình Sống gượng , dài 30 tập, lấy bối cảnh những năm 1980, kể câu chuyện về Ngọc, một phụ nữ đã từng lớn lên trong cảnh gia đình không hạnh phúc. Đến khi kết hôn với một nhạc trưởng, những tưởng cuộc sống bước sang trang mới, nhưng sau những thất bại trong công việc, người chồng trở nên bất mãn, bạo hành vợ con. Ngay cả khi di cư vào Nam sinh sống, cuộc sống của họ vẫn không thoát khỏi bi kịch. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa