Tuy nhiên, những tư liệu lịch sử sau đó lại hé lộ rằng, mối quan hệ với vị tướng quân kia chỉ là một chiêu bài câu khách của kỹ nữ họ Triệu mà thôi…
Thăng trầm đời kỹ nữ
Ngày 5 tháng 12 năm 1936, tờ Đại Công báo của Thiên Tân cho đăng tải thông tin Trại Kim Hoa qua đời. Bài báo viết: “Trại Kim Hoa tức Triệu Linh Phi, 2 giờ sáng ngày hôm qua đã qua đời tại Bắc Kinh. Nhân sĩ các giới biết tin không ai không thương tiếc. Bởi lẽ, Trại thị mặc dù là kỹ nữ nhưng khi liên quân 8 nước kéo vào Bắc Kinh, bà đã xin tướng quân nước Đức là Waldersee ngăn chặn việc lính Đức quấy nhiễu dân trong thành, có công với địa phương”.
Theo giới thiệu của bài báo này, Trại Kim Hoa tên thật là Triệu Linh Phi, người Giang Tô, nay đã 63 tuổi. Triệu thị làm kỹ nữ từ năm mới 13 tuổi, được vài năm thì kết hôn với trạng nguyên Hồng Quân làm thiếp. Sau khi Hồng Quân qua đời, Triệu Linh Phi quay lại nghề cũ để kiếm sống.
Vào những năm đầu thời dân quốc, Triệu Linh Phi lại làm quen với Triệu Tư Cảnh, lúc đó làm nghị viên quốc hội, hai người thuê nhà sống chung với nhau tại một ngõ nhỏ trong khu phố cổ Bắc Kinh. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Triệu Tư Cảnh cũng qua đời. Người nhà Triệu Tư Cảnh tứ tán khắp nơi, Trại Kim Hoa chuyển tới sống tại số 16 Nhân Lý, Thiên Kiều, Bắc Kinh. Tại đây, dưới sự chăm sóc của hai chị em người hầu cũ, Trại Kim Hoa bắt đầu gõ mõ, tụng kinh, sống qua ngày cho tới khi liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh và Trại Kim Hoa gặp được Waldersee.
Trên thực tế, từ trước đó, cuộc đời làm kỹ nữ của cô được rất nhiều nhà văn viết lại với màu sắc đậm tính truyền kỳ. Trong cuốn tiểu thuyết Nghiệt Hải Hoa của Tăng Phác, câu chuyện của cô đã được tác giả miêu tả như một cuộc báo oán của cô kỹ nữ bị người tình ruồng bỏ.
Trên thực tế, từ trước đó, cuộc đời làm kỹ nữ của cô được rất nhiều nhà văn viết lại với màu sắc đậm tính truyền kỳ. (ảnh minh họa)
Cha của Tăng Phác là Tăng Chi Soạn từng là anh em kết nghĩa của Hồng Quân, do Nguyễn lớn tuổi hơn nên Tăng Chi Soạn thường xưng hô là tiểu thái sư mẫu. Cuốn tiểu thuyết của Tăng Phác viết về hai nhân vật Kim Quân và Phó Thái Vân do đó được cho là lấy nguyên mẫu từ Hồng Quân và Trại Kim Hoa.
Tiểu thuyết kể rằng, trước khi Kim Quân đi thi trạng nguyên từng được một kỹ nữ tên là Tiểu Thanh trợ giúp. Tuy nhiên, sau khi đỗ trạng nguyên, Kim Quân lại cảm thấy việc lấy một cô kỹ nữ là quá mất thể diện cho mình. Tiểu Thanh biết chuyện, uất giận treo cổ mà chết. Sau khi chết, Tiểu Thanh hóa kiếp trở thành Phó Thái Vân, một cô gái xinh đẹp nhưng lại có một cái vòng đỏ ở quanh cổ, chính là dấu vết do việc Tiểu Thanh treo cổ để lại.
Sau khi lấy Phó Thái Vân, Kim Quân được triều đình cử đi sứ các nước phương tây, từ Nga, Đức, Áo, Hà Lan… Trong những chuyến đi sứ của mình, Kim Quân đều mang theo Phó Thái Vân. Phó Thái Vân là người sống lãng mạn và phóng đãng, cả ngày hẹn hò, tiệc tùng, khiêu vũ, vì vậy, chẳng bao lâu sau Phó Thái Vân quen một tướng lĩnh trong quân đội là Waldersee.
Sau khi Kim Quân và Phó Thái Vân về nước, Phó Thái Vân vẫn chứng nào tật nấy, thông gian với người đầy tớ trong nhà, khiến cho Kim Quân tức giận mà chết, từ đó mà trả mối thù của Tiểu Thanh khi xưa. Sau khi Kim Quân chết ở Bắc Kinh, Phó Thái Vân tới Thượng Hải tiếp tục nghề cũ, đổi tên là Tào Mộng Lan. Sau đó, Tào Mộng Lan lại dời tới Thiên Tân làm kỹ nữ, đổi tên là Trại Kim Hoa. Vào năm 1900, Waldersee tấn công vào Bắc Kinh, sai lính tìm kiếm tông tích của Trại Kim Hoa, hai người nối lại tình xưa.
Như vậy, dù là câu chuyện trên Đại Công báo hay trong tiểu thuyết Nguyệt Hải Hoa thì việc Trại Kim Hoa lấy Trạng nguyên Hồng Quân và sau đó có mối quan hệ đặc biệt với tướng quân Đức Waldersee được coi là những sự kiện có thực. Chính nhờ mối quan hệ đặc biệt này, cô mới được mệnh danh là kỹ nữ cứu quốc được người người ca ngợi. Tuy nhiên, những tư liệu lịch sử sau đó lại hé lộ rằng, mối quan hệ với vị tướng quân đến từ Đức quốc chỉ là một chiêu bài câu khách của cô kỹ nữ họ Triệu mà thôi.
Sự thật về mối tình với tướng Đức
Liên quan tới mối quan hệ giữa Trại Kim Hoa và tướng quân Đức, rất nhiều người đã chê trách Trại Kim Hoa. Thậm chí có người làm một bài thơ tên là “Hậu thái vân khúc” nói rằng, Trại Kim Hoa và Waldersee cả ngày ngủ với nhau trong cung của Tây thái hậu Từ Hy, khiến thần linh cũng phải nổi giận, mới gây ra vụ hỏa hoạn tại hoàng cung Bắc Kinh năm đó.
Liên quan tới mối quan hệ giữa Trại Kim Hoa và tướng quân Đức, rất nhiều người đã chê trách Trại Kim Hoa. (ảnh minh họa)
Trong cuốn sách “Trại Kim Hoa bản sự”, Trại Kim Hoa đã phủ nhận chuyện này: “Nói tới vụ hỏa hoạn trong hoàng cung, tôi nghĩ tới một đám người rỗi việc đã nghĩ ra đủ trò để thóa mạ tôi. Họ nói tôi và Waldersee ngủ với nhau cả ngày trên long sàng của Tây thái hậu, một hôm, ngủ tới nửa đêm thì lửa bốc cháy trong hoàng cung, hai chúng tôi không một mảnh vải che thân chạy ra khỏi cung. Đây ra rõ là một sự thóa mạ tôi”.
Đinh Sĩ Nguyên, một khách hàng cũ của Trại Kim Hoa tại kỹ viện ở ngõ Thạch Đầu, Bắc Kinh vào năm 1942, từng cho xuất bản một cuốn sách nói rằng trong số các khách của Trại Kim Hoa có một người Đức làm phiên dịch. Trại Kim Hoa không chỉ có quan hệ qua lại với quân Đức mà còn thường xuyên giúp đỡ viên sĩ quan phiên dịch này xử lý các cuộc tranh chấp giữa người dân và lính ngoại quốc.
Trại Kim Hoa cũng từng cải trang thành nam giới rồi cùng với Đinh Sĩ Nguyên và một số người khác lẻn vào hoàng cung và Trung Nam Hải để chơi.
Vì thế, hai người sống tại nhà trọ của Đinh là Chung Quảng Sinh và Thẩm Tận mỗi người viết một câu chuyện hư cấu rằng, Trại Kim Hoa được triệu vào hoàng cung, cùng với tướng quân Đức là Waldersee xảy ra quan hệ nam nữ. Sau khi viết xong, hai người cho gửi tới hai báo khác nhau để đăng bài. Hai câu chuyện bịa của họ Chung và họ Thẩm sau này chính là câu chuyện nguyên mẫu của tiểu thuyết "Nguyệt Hải Hoa" và bài thơ "Hậu thái vân khúc".
Thông qua bàn tay đẽo gọt của các nhà văn, câu chuyện tình giữa Waldersee và Trại Kim Hoa trở thành một đề tài được xã hội thời đó rất quan tâm. Để nâng cao giá trị của bản thân, Trại Kim Hoa cũng tát nước theo mưa, bịa ra tự truyện của mình rồi cho đăng báo khiến nhiều người bên ngoài tin rằng, câu chuyện tình giữa mình và Waldersee là có thật.
Tề Như Sơn, một nhà nghiên cứu kinh kịch nổi tiếng, nhớ lại rằng, vào những năm 1900 – 1901, Tề có qua lại với Trại Kim Hoa, do vậy, biết chính xác rằng, Trại Kim Hoa chỉ biết nói một vài câu tiếng Đức bồi chứ không hề thông thạo như nhiều người nói.
Thực tế, Trại Kim Hoa chỉ qua lại với một sĩ quan cấp thấp trong quân đội Đức lúc bấy giờ, rồi nhân cơ hội đó để bán hàng cho người nước ngoài kiếm chác thêm chứ tuyệt đối không hề có chuyện có quan hệ tình cảm với tướng quân Đức Waldersee, càng không có chuyện bàn tới quốc gia đại sự như những câu chuyện hư cấu thêu dệt nên.
Đinh Sĩ Nguyên và Tề Như Sơn đều là những người thân quen với Trại Kim Hoa, có thể nói là những người trong cuộc, do vậy, những gì họ viết ra chắc chắn đáng tin cậy hơn so với những câu chuyện được viết ra trong tiểu thuyết cũng như những bài báo ăn theo dư luận. Nói cách khác, câu chuyện về cô kỹ nữ cứu quốc nổi danh thời Dân quốc hoàn toàn chỉ là một cú lừa của các nhà văn đối với dư luận Trung Quốc thời bấy giờ.