Những cây bút nữ trên văn đàn Nam bộ

23:23:00 08/03/2014

Mỗi người một công việc, những vị trí, vai trò xã hội khác nhau nhưng họ, những cây bút nữ đang đóng vai trò quan trọng làm nên sự đa dạng, tạo nên những sắc thái riêng cho văn học Việt Nam nói chung và văn đàn Nam bộ nói riêng.

Viết cho một thời

Sinh năm 1963, thời điểm chiến dịch Mậu Thân chị chỉ mới 5 tuổi, thế nhưng nhà văn Trầm Hương lại có thể gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc bằng một tác phẩm viết về Mậu Thân, tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ. Tác phẩm đã đạt nhiều giải thưởng trong đó gần đây nhất là Giải thưởng VHNT TPHCM lần thứ 1, giải thưởng quan trọng nhất của TP về VHNT cho đến nay.

Trầm Hương sinh tại Bến Tre, kỹ sư nông học, cử nhân đạo diễn điện ảnh, thạc sĩ báo chí. Chị làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chị có dịp đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những con người của một thời chiến tranh đặc biệt là những người phụ nữ, những người mẹ Việt Nam anh hùng. Những câu chuyện thật từ những con người thật đã trở thành nguồn vốn quý giá dồn nén trong chị để rồi được giải phóng qua những trang viết, qua những tác phẩm văn học. Các tác phẩm của Trầm Hương đều được đánh giá rất cao ở độ chân thật dù bản thân tác giả không phải là người trong cuộc. Như Đêm Sài Gòn không ngủ, được Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Nguyên phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, kiêm chỉ huy các lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn nhận xét: “Trầm Hương (lớn lên sau chiến tranh) đã có công lặn lội sưu tầm lại lịch sử, tái hiện các sự kiện, những mảng đời và hoàn cảnh từng con người liên quan trong sự kiện lịch sử này…”. Hay như AHLLVT - Đại tá Nguyễn Văn Tào (Tư Cang) nguyên cụm trưởng cụm tình báo H63 đánh giá: “Tác giả Trầm Hương viết rất công phu. Các tư liệu trong sách được chăm chút, sát sự thật. Nghệ thuật dẫn chuyện hấp dẫn, cuốn hút người đọc, tình tiết phong phú, đan xen…”.

Không chỉ viết tiểu thuyết, truyện dài, Trầm Hương còn sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu và dĩ nhiên nổi bật trong đó vẫn là những câu chuyện về những con người đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

Viết cho hôm nay

Là một trong hai nhà văn nữ nhận Giải thưởng VHNT TPHCM lần thứ 1, Bích Ngân được chú ý vì tác phẩm đoạt giải của chị, tiểu thuyết Thế giới xô lệch lại có chủ đề về cuộc sống, xã hội hiện nay dù vẫn phảng phất dư âm của chiến tranh. Đó là một cuộc sống của một xã hội bon chen, toan tính qua góc nhìn “từ dưới lên” của người thương binh mất cả hai chân vừa về từ chiến trường.

Là tiểu thuyết đầu tay nhưng với Thế giới xô lệch, Bích Ngân đã được đánh giá cao về cách thể hiện, diễn đạt. Thế giới trong tác phẩm của chị đã vượt qua cả khái niệm hiện thực thuần túy để đạt đến sự chiêm nghiệm về lẽ sống, giá trị sống.

Không chỉ viết văn, Bích Ngân còn là một nhà biên kịch, vở kịch Gương mặt kẻ khác gần đây nhất của chị được sân khấu 5B dàn dựng dưới bàn tay của đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc được đánh giá rất cao từ ý tưởng độc đáo đến cả nội dung chuyển tải đến khán giả.

Một điểm độc đáo của Bích Ngân là tính đa dạng trong sáng tác, các tác phẩm kể trên của chị thường có nội dung buồn, bi kịch nhưng điều đó không đồng nghĩa chị chỉ có thể viết chuyện buồn. Bích Ngân còn được xếp hạng “viết hài có duyên”, hiện nay chị đã cho ra mắt 2 tác phẩm hài là Trăng mật ở đảo và Cái đầu siêu định vị và có thể xem Bích Ngân là cây bút nữ hiếm hoi viết hài hiện nay.

Và dù viết thể loại nào chăng nữa, điểm chung nhất của Bích Ngân vẫn là tính hiện thực, là miêu tả cuộc sống phức tạp hôm nay, cả dưới cái nhìn trăn trở hay nụ cười châm biếm. Dịp Hội sách TPHCM cuối tháng 3 này, Bích Ngân dự kiến sẽ giới thiệu ra mắt bạn đọc hai cuốn sách mới và sau đó sẽ là một kịch bản sân khấu.

Những cây bút trẻ

Nhà văn 100% TPHCM là biệt danh của nhà văn nữ Dương Thụy, chị sinh vào năm 1975 và lớn lên, thành danh cũng ở TP này. Dương Thụy được đánh giá là một trong những cây bút trẻ thành công hiện nay. Bắt đầu có sáng tác được xuất bản từ năm 1997 nhưng phải đến 10 năm sau với thành công vang dội của tiểu thuyết đầu tay Oxford thương yêu, chị mới được nhiều người biết đến. Sau đó, Dương Thụy trở thành một cây bút được xếp hạng “best seller” của thị trường sách trong nước.

Các tác phẩm của Thụy được đánh giá là đậm chất trẻ, phản ánh góc nhìn của người trẻ trong sự chuyển mình của đất nước thời kỳ mới. Đặc biệt là góc nhìn của người trẻ từ đất nước hướng ra đến thế giới. Các tác phẩm của chị được bạn đọc trẻ quan tâm vì nó đáp ứng được thị hiếu đọc của người trẻ khi đầy đặn chi tiết về các vùng đất con người nhưng vẫn giữ được cách thể hiện đơn giản, vui vẻ và hóm hỉnh.

Nếu Thụy có thế mạnh đi nhiều, biết nhiều chuyện thế giới thì Phan Hồn Nhiên, nhà văn nữ này hiện đang làm việc tại tạp chí Sinh viên Việt Nam lại có sở trường về sự hiểu biết với người trẻ TP hôm nay. Từ góc độ công việc, cô cử nhân Học viện Sân khấu và Điện ảnh này đã tích tụ được vốn kiến thức khá lớn về học tập, cuộc sống và cả những ước mơ, những đổ vỡ của người trẻ. Những hiểu biết đó đã giúp chị tái hiện được phần nào cuộc sống của giới trẻ hôm nay qua 2 cuốn tiểu thuyết Mắt bão, Công ty.

Một điểm đặc biệt khác là sự hiểu biết về nhu cầu đọc của giới trẻ, Phan Hồn Nhiên đã từng gây bất ngờ khi từ viết hiện thực chuyển qua văn học kỳ ảo, một thể loại đang rất thu hút ở nước ngoài nhưng lại ít có nhà văn trong nước thực hiện. Và thật bất ngờ khi chị đã thành công, từ Những đôi mắt lạnh, Chuỗi Hạt Azoth, Máu hiếm, Xuyên thấm… Hiện nay, chị được coi là cây bút nữ thành công nhất với đề tài huyền ảo ở Việt Nam.

TƯỜNG VY


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1