Dịch giả Tây Hà “tìm về” với Việt Nam

15:17:00 09/03/2014

Dịch giả Tây Hà tên thật là Nghiêm Phong Tuấn (sinh 1936). Gia đình ông sang Pháp định cư từ năm 1952. Dù tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn có niềm đam mê với sách. Ông vẫn luôn tìm tòi cho mình những cuốn sách hay của Việt Nam để dịch sang tiếng Pháp. Đây cũng là cách ông đưa văn hóa Việt Nam, đưa những cuốn sách hay Việt Nam sang giới thiệu với đất nước ông đang sống, quê hương thứ hai của ông.


Dịch giả Tây Hà trong buổi nhận giải thưởng Henri Queffélec
Cái duyên ở tuổi xế chiều
Không sinh ra để làm nghề dịch sách, nhưng dịch giả Tây Hà đã thành công với cái "nghiệp” này. Ông chỉ mới dịch vẻn vẹn chừng 3 tác phẩm trong lúc "rỗi rãi”, nhưng hầu như tác phẩm nào cũng để lại được tiếng vang cho tác giả. Kể chuyện dịch tác phẩm "Ở đất kẻ thù” của Lê Lan Anh sang tiếng Pháp, dịch giả Tây Hà cho biết, là một sự rất tình cờ. Ông biết đến tác phẩm thông qua một người bạn. Trong cuộc nói chuyện vui với nhau, dịch giả có hỏi bạn có cuốn sách nào hay không cho tôi dịch với? Và được bạn giới thiệu cuốn "Ở đất kẻ thù” của Lê Lan Anh. Tây Hà cho biết, đọc qua tác phẩm đã thấy ấn tượng rồi. Tác giả tự xưng mình không chuyên nghiệp nhưng lại viết rất hay. Quá trình chuyển ngữ "Ở đất kẻ thù” cũng khó khăn bởi đây là một tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt Nam, giàu hình ảnh, giàu biểu cảm. Người dịch không thể đơn thuần chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, mà phải chuyển từ văn hóa Việt sang văn hóa Pháp. "Người Việt với người Pháp không nhìn đời và cảnh vật như nhau. Cái khó là cái âm thầm đi theo sau mỗi tác phẩm”. Và ông khẳng định, "không bỏ bất cứ đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết của Lê Lan Anh”. Có câu ông phải ngồi hàng giờ dịch đi dịch lại để làm sao cho người Pháp hiểu đúng nghĩa như người Việt, như đúng ý của tác giả viết ra. Có thể bỏ công sức cả nửa ngày hoặc một ngày ra để dịch đoạn khó, chứ không bó tay bỏ đi những đoạn văn hay của tác giả. Tây Hà dịch nguyên vẹn "Ở đất kẻ thù” trong 6 tháng. Chau chuốt và sửa lại nhiều lần mất thêm khoảng 1 năm nữa mới hoàn thành. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của cả Lê Lan Anh và dịch giả Tây Hà. Chính ông đã xin phép tác giả để dịch tác phẩm này. Nhưng cách xin phép của Tây Hà chỉ đơn giản là một lời hứa hẹn, hợp đồng miệng rằng, "đừng cho ai dịch nhé”.
Một tác phẩm dịch của dịch giả Tây Hà
Bắc nhịp cầu văn hóa
Bà giám đốc festival giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec đã có nhận định rằng, "chắc chắn ở Việt Nam còn nhiều áng văn hay cần được tiếp tục giới thiệu ra thế giới”. Và tất nhiên, chúng ta cần có những dịch giả như Tây Hà, tìm đến với những áng văn hay, tiêu biểu, đậm sắc màu văn hóa Việt Nam đem giới thiệu với bạn bè quốc tế. Bản dịch cuốn tiểu thuyết "Ở đất kẻ thù” do Tây Hà dịch cũng đã được giới thiệu tại Pháp năm 2013, và mới ra mắt công chúng Việt Nam trong tháng 2-2014. Cuốn sách được người Pháp mến mộ, tìm mua để hiểu hơn về con người Việt Nam nhân hậu. Tây Hà đã qua các tác phẩm dịch của mình, đem hình ảnh con người Việt Nam, đất nước Việt Nam giới thiệu tới bạn bè thế giới. Họ đón nhận và trân trọng con người Việt Nam nhỏ bé kiên cường. Sau cuốn sách này, Tây Hà vẫn tìm và dịch rất nhiều tác phẩm khác. Ông ở Pháp đã lâu nhưng luôn quyến luyến Việt Nam, có nhiều bạn thân ở bên này. Ông nói, ông thương người Việt Nam mình lắm. Hầu như năm nào Tây Hà cũng về Việt Nam. Năm vừa rồi, ông cũng về Việt Nam đón Tết!
Trang Nguyễn
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1