Nhà văn Clive Cussler - Ảnh tư liệu Cả ba cuốn sách do Phạm Đăng Phụng dịch, Công ty sách Thời Đại & NXB Hồng Đức ấn hành Những đêm thức trắng lật trang liên tục để theo dõi diễn biến dồn dập của những tình tiết đầy hành động làm sôi máu quặn tim, hồi hộp theo dõi số phận của nhân vật đang ngàn cân treo sợi tóc, nôn nao chờ đón kết cục bất ngờ của một chiến dịch đột kích quyết định vận mệnh của cả nhân loại, quả là những cơn mất ngủ đáng đồng tiền. Mục đích của văn chương, nói cho cùng, là kể một câu chuyện hấp dẫn và đó chính là giá trị của những tiểu thuyết phiêu lưu. Những thiên trường ca Homer từ cổ đại há chẳng phải là những cuộc phiêu lưu hào hùng của những nhân vật trí siêu phàm tài dũng mãnh đó sao? Cái cảm giác gay cấn, phấn khích mà những tình tiết xui khiến óc tưởng tượng tự tạo dựng ra trong trí ta lại mãnh liệt và sống động hơn bất kỳ bộ phim hành động Hollywood nào. Clive Cussler là một tác giả lạ hoắc, tôi chưa từng biết, nhưng lại khiến tôi sung sướng mất ngủ. Mua thử một cuốn Cuồng vọng của tác giả đàn ông này nằm lẻ loi giữa rừng tiểu thuyết ngôn tình của phụ nữ viết cho phụ nữ, tôi mở ra đọc và lại thấy mình giống như thằng bé ngày nào đọc Jules Verne lần đầu tiên trong đời. Những món đồ chơi của Cussler bày ra mời gọi những “thằng bé lớn tuổi” là xe hơi, tàu ngầm, máy bay, thiết bị công nghệ cao. Những món đồ chơi ấy bày ra một trận chiến quy mô toàn cầu mà nhân vật chính Dirk Pitt sẵn sàng huy động để tiêu diệt những tên ác ôn mang tham vọng điên rồ muốn tiêu diệt cả thế giới. Tôi càng nguyền rủa Cussler thậm tệ hơn vì đã buộc mình phải móc túi mua thêm Thác lũ và Hoang mạc. Những tình huống nguy nan mà tác giả đáng ghét này đẩy nhân vật Dirk Pitt của ông ta vào thật lạ lùng: chặn đứng một âm mưu của bè lũ hậu duệ Đức quốc xã muốn cắt lìa thềm băng Ross Ice Shelf ở Nam cực để tạo ra hiện tượng trôi dạt lục địa một lần nữa, phá tan kế hoạch của một trùm mafia Hong Kong muốn làm đổi dòng chảy của dòng sông vĩ đại Mississippi, cứu cả dòng sông Nile và sa mạc Sahara thoát nguy cơ xả chất thải đầu độc cả Trái đất... Xạo! Nhưng rất thuyết phục! Những câu chuyện cuốn hút khiến tôi thêm tò mò về tác giả. Những thông tin trên Internet thỏa mãn được thắc mắc vì sao nhà văn sinh năm 1931 này có thể mô tả các loại tàu thủy, máy bay, ôtô... chính xác và cuốn hút đến thế. Không đơn thuần là nghiên cứu tài liệu mà chính Cussler đúng là một tay chơi cự phách. Là người lặn biển có đẳng cấp quốc tế và si mê đại dương, Cussler dùng tiền tác quyền của hàng chục tiểu thuyết ăn khách với 17 cuốn đứng đầu danh mục sách bán chạy của tờ The New York Times đầu tư cho một bảo tàng cá nhân toàn xe hơi cổ, và cả một tổ chức phi lợi nhuận mang tên NUMA (National Underwater and Marine Agency) chuyên lặn tìm những con tàu nổi tiếng trong lịch sử đã bị đắm từ lâu nhưng chưa được phát hiện. Chỉ để thỏa mãn đam mê. Song song với những bộ tiểu thuyết ăn khách, Cussler dành thời gian viết một chuyên khảo về việc tìm kiếm những con tàu lịch sử mất tích. Cuốn sách mang nhan đề The sea hunters (Thợ săn dưới biển) xuất bản năm 1996 thuật lại những biến cố lịch sử đã làm đắm chín tàu chiến và tàu ngầm danh tiếng cùng công cuộc tìm kiếm phát hiện của NUMA. Ngoài ra Cussler còn liệt kê hơn 60 vị trí đắm tàu lịch sử khác mà NUMA xác định được qua nghiên cứu tài liệu hàng hải. Cuộc đời còn lắm chuyện ngạc nhiên hơn tiểu thuyết. Cussler đâu ngờ rằng một năm sau, Phân viện hàng hải của Đại học New York xem cuốn sách The sea hunters có giá trị như một luận án tiến sĩ về lịch sử hàng hải và trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự. Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử 123 năm của đại học này. Chơi như Cussler quả là đẳng cấp! Đại học kia cũng thật chịu chơi! Nhưng chỉ có tiểu thuyết phiêu lưu mới đưa ta vào cuộc chơi mà chỉ ở đó ta mới có thể hóa thân thành những anh hùng cái thế không bao giờ ta trở thành trong đời thật. Trong những đêm trắng đọc truyện Cussler, kẻ lái máy bay, phóng tàu ngầm, bắn súng, nổ bom, cứu nguy cả nhân loại nào phải Dirk Pitt đâu mà chính là tôi đó. TRẦN NGỌC ĐĂNG
|