|
Đông đảo độc giả chọn mua sách tại Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ VIII-2014. |
Từ hội sách đến mua sách, đọc sách…
Lâu nay, tôi sao nhãng chuyện đọc sách nên cũng quên luôn việc mua sách. Lý do, muốn tìm hiểu cái gì đã có internet. Thế nên khi hội sách diễn ra, tôi đến dự chỉ với mục đích để lấy tư liệu viết báo. Nhưng rồi khi rời hội sách, dù đã hết sức tiết chế và tiết kiệm, tôi cũng đã phải bỏ ra 500.000 đồng để mua sách. Nhiều đồng nghiệp ở các báo, đài khác cũng vậy. Thậm chí anh bạn đồng nghiệp cùng tòa soạn với tôi sau khi đã mua dăm cuốn, còn quả quyết rằng, chờ đến ngày bế mạc hội sách có đợt giảm giá “khủng”, anh sẽ mua thêm chục cuốn nữa.
Điều gì khiến một bộ phận không nhỏ công chúng khi đến với hội sách với ý nghĩ chỉ để… xem cho vui, nhưng sau đó lại không thể không mua sách? Điều gì khiến mới chỉ 3 tháng trước, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức một lễ hội lớn về sách bằng hình thức Đường sách, thu hút hàng vạn người đến thưởng lãm và mua sách, mà hội sách lần này vẫn có sức hút mạnh mẽ, trung bình mỗi ngày có hàng vạn lượt người đến dự, ngay những ngày đầu đã đem về doanh thu 2,5 tỷ đồng từ tiền bán sách mỗi ngày? Chúng tôi đã tìm hiểu và chiêm nghiệm ngay từ suy nghĩ, việc làm của mình, thấy rằng, đã có những hình thức văn hóa đọc phát triển từ không gian lễ hội. Khi những nhà làm sách và kinh doanh mặt hàng văn hóa đặc thù này biết cách “đánh” trúng vào trí tò mò, kích thích nhu cầu tiềm năng trong công chúng, làm thỏa mãn “gu” thẩm mỹ đa dạng của giới trẻ… văn hóa đọc sẽ phát triển. Và cái cách các nhà tổ chức thực hiện tại hội sách lần này đã đáp ứng được những nhu cầu đa dạng nhưng khá khắt khe của các giới công chúng. Trong không gian lễ hội, sách không chỉ là mặt hàng văn hóa đặc thù mà là đối tượng, chủ thể của các sáng tạo văn hóa nghe-nhìn. Công chúng đến với hội sách được thưởng lãm một không gian văn hóa mang đậm phong cách kiến trúc sắp đặt và không khí lễ hội văn hóa, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Từ những “tòa lâu đài” trong dân gian cho đến các công trình văn hóa, quân sự, kinh tế, biển đảo… lịch sử và đương đại… đều được sắp đặt, mô phỏng hết sức bắt mắt bằng sách. 165 đơn vị trong nước và quốc tế với hơn 500 gian hàng, hơn 200.000 tựa sách, hơn 2 triệu bản sách, được sắp đặt thành nhiều chủ đề, mô hình mới lạ, hấp dẫn, sinh động trong một không gian rộng lớn. Hơn 60 chương trình hoạt động giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm, tọa đàm học thuật, thi vẽ tranh… cũng được tổ chức. Thêm một yếu tố thu hút sự quan tâm của độc giả là khu trưng bày và bán sản phẩm công nghệ mới như: Sách điện tử (ebook), bút điện tử, thiết bị đọc và các thiết bị giáo dục điện tử cùng các chương trình khuyến mãi với mức giá giảm “khủng”, lên đến 50%.
Ông Lê Hoàng, Trưởng ban tổ chức Hội sách cho biết: “Những hoạt động tương tác, quảng bá, tiếp thị sách đã được các nhà xuất bản, các công ty tận dụng, khai thác tối đa để lôi kéo công chúng đến với hội sách. Các tác phẩm sách cổ nổi tiếng qua các thời đại cùng những tác phẩm mới nhất đã được xuất bản để kịp phục vụ bạn đọc”. Vậy là việc tổ chức các hoạt động mang màu sắc lễ hội hấp dẫn, phong phú, đa dạng… đã trở thành chất kích thích kéo công chúng đến với hội sách. Từ việc đi xem hội, chơi hội, công chúng lập tức bị “mê hoặc” bởi chính không gian văn hóa ấy thông qua các hoạt động tương tác như: Giao lưu, hội thi, triển lãm, tọa đàm…, nhu cầu yêu sách, mê sách ngỡ như đã “ngủ quên” trong tâm trí nhiều người, được đánh thức, kích thích mạnh mẽ. Và họ đã mua sách. Nhiều sinh viên ngành báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tâm sự rằng, sức hút từ lễ hội khiến các em nghĩ ra cách mua sách, đọc sách theo kiểu rất… sinh viên, đó là mua sách theo nhóm. Theo đó, cả nhóm góp tiền lại mua một cuốn, nhóm khác mua một cuốn, khi về sẽ trao đổi nhau để được đọc cả hai cuốn.
Mặc dù chịu sự tác động ghê gớm của internet nhưng công chúng không quay lưng với sách như nhiều người vẫn lo ngại, mà sách vẫn luôn là “lương thực” của tâm hồn. So với Hội sách lần thứ 7 tổ chức hai năm trước, số lượng đầu sách bán ra tăng hơn 10%. So với Hội sách lần thứ nhất năm 2000, số lượng này tăng khoảng 10 lần. Vấn đề rút ra ở đây là phải đổi mới và đổi mới không ngừng cách tiếp cận độc giả. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một trong những tác giả có sách bán chạy nhất hội sách chia sẻ: “Mỗi khi viết một cuốn sách, tôi luôn đặt mình vào vị trí của độc giả để sống với nhân vật, yêu, ghét cùng nhân vật. Tôi viết những gì độc giả cần chứ không chỉ viết những gì tôi có”. Sự đổi mới ấy đòi hỏi phải đi từ gốc, nhà văn viết gì, viết như thế nào, rồi mới đến các nhà xuất bản, các công ty bán gì và bán ra sao. Hội sách lần này cũng ghi nhận, các tác phẩm của những tác giả uy tín luôn là mục tiêu tìm đọc của công chúng. Những đầu sách văn học bán chạy nhất có thể kể đến: “Hỏa ngục”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Buồn làm sao buông”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Thương nhau để đó”, “Yêu đi rồi khóc”, “Đảo”, “Ngày mai tớ sẽ yêu cậu hơn hôm nay”, “Lối chưa quên mà đường về vẫn lạc”, “Ngày trôi về phía cũ”... Có những điều bất ngờ nằm ngoài dự đoán của Ban tổ chức, đó là đã xảy ra cảnh chen lấn, xếp hàng để mua sách. Những chuyện ngỡ như chỉ có thể xảy ra trong thời bao cấp, nếu không chứng kiến tận mắt, có thể khó ai tin.
Làm cho bộ đội ngày càng yêu sách, thích đọc sách
Bàn đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 nói: “Phải làm sao cho chiến sĩ no cái con mắt, đã cái lỗ tai thì sản phẩm văn hóa mới ngấm được”. Đẩy mạnh, nâng cao văn hóa đọc cho bộ đội là một trong những mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, được các đơn vị ở Quân khu 7, Quân đoàn 4 thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Chúng tôi đã chứng kiến tại các hội nghị, lễ ra quân huấn luyện, hội thi, hội thao, kỷ niệm các ngày lễ lớn… nhiều đơn vị đã lồng ghép các hình thức thúc đẩy văn hóa đọc hiệu quả. Chẳng hạn bên cạnh khu trưng bày vật chất, học cụ huấn luyện là các gian hàng sách báo, tranh, ảnh… được sắp đặt, trình bày bắt mắt. Các hình thức hoạt động tương tác như thi tìm hiểu, thi bình báo… cũng được tổ chức bài bản, hấp dẫn, kích thích bộ đội tìm đến phòng đọc, thư viện trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Tuy nhiên, những việc làm ấy phần lớn chỉ diễn ra ở các đơn vị đủ quân, có đủ điều kiện. Phần lớn các cơ quan, đơn vị hiện nay còn thiếu các hình thức, mô hình hoạt động kích thích văn hóa đọc cho bộ đội. Không ít nơi còn cắt xén, cúp tiêu chuẩn mua báo cho bộ đội đọc theo quy định.
Bộ đội là đối tượng đông đảo và đặc thù của văn hóa đọc. Từ Hội sách ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng, tìm ra những cách làm hay, mô hình mới để củng cố, phát triển văn hóa đọc ở các cơ quan, đơn vị là việc làm cần thiết và cấp bách để cán bộ, chiến sĩ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của chính môi trường văn hóa đọc trong từng doanh trại.
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN