Tái dựng kịch Nhật 'Đèn không hắt bóng': Tranh cãi nảy lửa về y đức

07:35:00 11/04/2014

Chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Vô ảnh đăng hay Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Bản Watanabe Junichi (quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch của GS. Cao Xuân Hạo), vở kịch Đèn không hắt bóng vừa được công diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh đã để lại nhiều dư âm đẹp.

Chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Vô ảnh đăng hay Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Bản Watanabe Junichi (quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch của GS. Cao Xuân Hạo), vở kịch Đèn không hắt bóng vừa được công diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh đã để lại nhiều dư âm đẹp.

1. Không phải là lần đầu tiểu thuyết đầy nhân văn và ám ảnh này được đưa lên sàn kịch Việt Nam nhưng đây có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất khi một sân khấu tư nhân sẵn sàng cho toàn bộ các diễn viên trẻ gần như vô danh đảm đương một tác phẩm chính kịch nặng ký.

Từ năm 1995, Đèn không hắt bóng đã được đạo diễn Minh Hải dàn dựng và biểu diễn ở sân khấu 5B. Ngay chính sân khấu Hoàng Thái Thanh trong những ngày đầu ra mắt, cũng đã chọn đây là một trong những tác phẩm được công diễn đầu tiên với tên gọi: Mùa đông cuối cùng.


Cảnh trong vở Đèn không hắt bóng

Với dàn diễn viên có thể nói là lý tưởng: Trương Minh Quốc Thái, Trí Quang, Thành Hội, Ái Như, Kim Xuân, Tuyết Thu…, Mùa đông cuối cùng đã chinh phục đông đảo khán giả với một vẻ đẹp đến đau lòng. Một tác phẩm đặc sắc không chỉ dựa vào cốt truyện hay mà quan trọng hơn là khắc họa được những nhân vật với cá tính đậm nét: một Naoe tài hoa, kiêu hãnh và thực tế đến tàn nhẫn; một Kobashi nhiệt huyết, chính trực; một Noriko dịu dàng, chịu đựng; một Yutaro tham lam, đồi bại…

Được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất về nghề y, Đèn không hắt bóng gây ám ảnh không chỉ bởi số phận bi kịch của Naoe mà trên hết là những tranh cãi nảy lửa quanh vấn đề y đức hay vạch rõ thực tế phũ phàng: người nghèo không được quyền mắc bệnh!

2. Với sân khấu Hoàng Thái Thanh việc tái dựng một tác phẩm là rất quen thuộc thế nhưng làm lại một vở diễn chỉ mới ra mắt cách đây 4 năm với một ê-kíp hoàn toàn mới và “chưa có tên” trong làng diễn xuất thì quả là phiêu lưu. Có lẽ vì thế mà trước khi mở màn, NSƯT Thành Hội vốn rất kiệm lời, không thích trả lời phỏng vấn hay phát biểu trước đám đông, đã đứng ra gửi lời “phi lộ”: Mong khán giả hãy xem và đánh giá bằng một tinh thần vị tha, công tâm những nỗ lực của các diễn viên trẻ như đã từng vị tha và chấp nhận một Thành Hội “vô danh tiểu tốt” ngày nào.

Đạo diễn Ái Như cũng chia sẻ: “Sân khấu đã hoạt động 4 năm tròn. Các bạn trẻ đều là học trò của chúng tôi đã cùng xuất hiện trên sân khấu với thầy cô, với các diễn viên đàn anh đàn chị suốt thời gian qua. Có thể nói là các em lớn lên từng ngày cùng Hoàng Thái Thanh. Lần này, chúng tôi tạo một dịp cho các em cùng xuất hiện ra mắt khán giả một cách độc lập mà không kèm một diễn viên tên tuổi nào”.

Hiệu ứng khán giả thì vẫn còn phải chờ nhưng qua những gì mà Công Danh (Naoe), Hoàng Vân Anh (Noriko), Thế Hải (Kobashi), Nguyễn Long (Yutaro)… đã thể hiện trong đêm công diễn thì có thể cảm nhận rõ ràng một sự say nghề đến cháy bỏng. Với nhiều bạn, đây có lẽ là những vai diễn lớn nhất trong quá trình theo đuổi nghệ thuật, ý thức rõ cơ hội không dễ có, mọi người đã nỗ lực hết mình trên sàn tập và sàn diễn.

Dĩ nhiên vẫn còn đó những sự thiếu kinh nghiệm, những sự “non tay” trong nét diễn chỉ có thể bồi đắp qua thời gian nhưng thái độ làm nghề nghiêm túc, sự cẩn trọng trong từng lời thoại, chi tiết diễn xuất và nhất là sự tôn trọng khán giả thì thật sự đáng quý! Nếu không phiêu lưu, không tin tưởng vào người trẻ thì làm sao có được lớp kế thừa xứng đáng? Về điều này thì sân khấu Hoàng Thái Thanh đã cố gắng để làm tốt…

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1