Gần 10 năm tham gia ngành xuất bản trong tư cách Giám đốc công ty sách Alpha Books, ông Nguyễn Cảnh Bìnhđã chia sẻ với chúng tôi những quan điểm của mình về vấn đề này.
- Trước hết, văn hóa đọc của Việt Nam có thể chia thành những giai đoạn nào, và đặc điểm của giai đoạn hiện tại là gì, theo anh?
- Theo quan điểm của riêng tôi, có thể chia quá trình hình thành văn hóa đọc ở Việt Nam ra làm bốn giai đoạn. Giai đoạn một là thời điểm từ 1858 trở về trước, văn hóa đọc của chúng ta chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa giáo dục Trung Quốc. Giai đoạn hai từ 1858-1945 (và tới 1975 ở miền Nam), bắt đầu xuất hiện văn minh phương Tây (nhất là văn minh Pháp), dẫn tới sự ra đời của một nền văn hóa mới, bao gồm cả văn hóa đọc. Giai đoạn ba từ 1945 (và từ 1975 ở miền Nam) -1989: hầu hết tri thức và sách được du nhập từ Đông Âu, Liên Xô, trong đó chủ yếu là văn học Cách mạng, và thiếu hụt hoàn toàn các mảng sách kinh doanh, kinh tế, tư duy mới.
Riêng trong giai đoạn bốn (từ năm 1989 đến nay), các thể loại sách trên thị trường xuất bản của chúng ta phong phú hơn. Ban đầu, hầu hết các đầu sách ở giai đoạn này mang nhiều hơi hướng "thị trường" theo kiểu dạy độc giả cách kiếm tiền, làm giàu. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, sự phát triển về văn hóa đọc và tri thức đang dần trở nên cân bằng hơn. Chúng ta đã có nhiều hơn những cuốn sách của tác giả Việt Nam được xuất bản, cũng như xuất hiện ở mức độ dày hơn những cuốn sách về kinh tế, chính trị và cả các cuốn về lịch sử dân tộc.
- Nhưng, chính trong những năm gần đây, chúng ta lại hay nói về văn hóa đọc trong nước với những thông tin phần lớn là tiêu cực. Nếu bỏ qua số nhận xét cảm tính, văn hóa đọc của một cộng đồng có thể được đánh giá theo những tiêu chí cụ thể không?
- Hoàn toàn có thể, nếu xét theo vài tham số như tỷ lệ sách xuất bản/người/ năm; tỷ lệ % số người từng đọc sách trên tổng dân số; chủng loại sách được xuất bản; số lượng những người ở tầng lớp trung lưu, tri thức. Theo những tham số ấy thì văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay quả thật đang ở mức dưới chuẩn, cả về quy mô số lượng sách và chất lượng, tầm vóc. Chẳng hạn, riêng tỷ lệ sách/người/năm, chúng ta chỉ đạt thông số 0.8 - 1. Trong khi, một nền văn hóa đọc kha khá thì cần có năm cuốn sách được xuất bản/năm cho mỗi đầu người.
- Có rất nhiều nguyên nhân vẫn được đưa ra để nói về thực tế đáng buồn ấy. Và anh cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là...?
- Chúng ta chưa có được một tầng lớp trung lưu đúng nghĩa, một môi trường sinh hoạt mang tính học thuật đi kèm với một hệ thống giáo dục nghiêm túc. Điều đó dẫn tới chất lượng dân trí thấp và chất lượng trí tuệ của giới học giả cũng thấp.Trong khi đó, muốn đạt được chuẩn trung bình, Việt Nam cần hình thành một tầng lớp trung lưu, có tri thức, chiếm tối thiểu 10% dân số cả nước.
Rộng hơn, văn hóa đọc của mỗi dân tộc luôn tương xứng với nền văn minh đã có của mỗi dân tộc ấy. Nền văn minh của chúng ta đã bị đứt gãy rất nhiều lần trong lịch sử phát triển, và mới chỉ thật sự bắt đầu ổn định từ hơn 100 năm nay. Ở những xã hội phát triển, sự phát triển về tri thức thường đi trước và làm tiền đề cho sự phát triển về mặt kinh tế, giúp con người tránh khỏi những sai lầm, cạm bẫy, những ấu trĩ, mù quáng trong cuộc sống, kinh doanh, kiếm tiền, trưởng thành, học tập... Còn với Việt Nam, chúng ta chậm phát triển cả về tri thức và kinh tế đã đành, nhưng bản thân sự phát triển của tri thức lại chậm hơn cả sự phát triển của nền kinh tế - điều ngược lại với nguyên tắc cần có. (cười)
- Nhưng bên cạnh vấn đề từ độc giả, thì cũng phải nhắc tới câu hỏi về mức độ chuyên nghiệp của ngành xuất bản và đội ngũ dịch giả, biên tập hiện nay nữa chứ?
- Bạn có thấy ngành khoa học nào có thể phát triển chỉ với một, hai nhà khoa học? Và ngành xuất bản cũng đang ở trình độ tương tự như những ngành khoa học khác ở Việt Nam, tức là ở mức trung bình hoặc trung bình kém. Thật lòng, tôi cho rằng đội ngũ dịch giả và biên tập tại Việt Nam chỉ hơn mức nghiệp dư một chút mà thôi, trong khi đó, các đơn vị làm sách cũng có quy mô nhỏ và trình độ còn yếu.
- Có vẻ như anh khá bi quan?
- Ngược lại, tôi vẫn tin vào triển vọng của văn hóa đọc. Bên cạnh sự phát triển tăng dần của nó theo thời gian, thì sự bùng nổ của internet - với những sách điện tử, audio book kèm theo - tạo ra một bước ngoặt quan trọng: con đường mang tri thức đến một cách rẻ nhất, và nhanh nhất cho mọi người. Việc giới trẻ có trình độ ngoại ngữ, cũng như có thể mua sách điện tử với mức giá thấp hơn hẳn sách giấy, giúp họ tiếp cận những nguồn tri thức một cách trực tiếp và đầy đủ, từ đó sớm có thêm một tầng lớp tinh hoa mới cho Việt Nam.
Một thí dụ điển hình, tại Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh vừa qua, những cuốn sách thuộc hàng "kinh điển" mà chúng tôi xuất bản như tác phẩm Plato, Aristottle hay trường ca Illiad & Oddisey... lại được phần lớn độc giả ở độ tuổi 20, 30 tìm mua chứ không phải là lứa tuổi 40, 50 như chúng ta thường mặc định. Và rộng hơn, có tới 80, 90% số người tới mua sách là giới trẻ.
Có thể một số người không tán thành, nhưng tôi nghĩ những thế hệ trước không đọc nhiều như giới trẻ bây giờ. Cách đây 20, 25 năm, khi chúng ta bắt đầu mở cửa, tri thức và sách vở khi đó lành mạnh, trong sáng và đơn giản hơn hiện nay nhưng chủ yếu là các dòng sách văn học và chính trị, xã hội. Còn trong bối cảnh hiện tại, các độc giả trẻ có sự lựa chọn rộng rãi hơn nhiều với các thể loại như kỹ năng, tư duy, lịch sử, kinh doanh, kinh tế - trong đó có những cuốn kinh điển của thế giới nhưng lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam.
- Câu hỏi cuối cùng: Chúng ta cần những giải pháp gì để Ngày đọc sách Việt Nam trở thành cơ hội phát triển văn hóa đọc một cách đúng nghĩa chứ không chạy theo hình thức?
- Tôi rất vui vì sự quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ đến tri thức của cả dân tộc - dù giới xuất bản vẫn ước gì ngày này được đặt ra sớm hơn. Và rõ ràng, sự phát triển của văn hóa đọc không thể chỉ trông đợi vào một ngày hội đọc sách như vậy.
Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh 2014 thu hút rất đông bạn trẻ.
Về ngắn hạn, chúng ta có thể tổ chức các chương trình xúc tiến đọc, xúc tiến xuất bản, chẳng hạn như thêm các Ngày hội sách, Hội chợ sách, Tuần lễ sách, Đại sứ đọc... Nhưng về dài hạn, cả dân tộc chỉ có thể phát triển được nền tri thức nếu được triển khai đồng bộ với những hoạt động ở các lĩnh vực khác như cải cách nền giáo dục đang quá chú trọng đến bằng cấp hiện tại; tăng thuế rượu, bia, thuốc lá để bảo đảm sức khỏe và trí lực của cả dân tộc, tạo dựng môi trường cho nghiên cứu khoa học thực chất để từ đó có thể làm nền tảng cho sự phát triển một nền văn minh hiện đại mới.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn.
Ông Nguyễn Cảnh Bình sinh năm 1972, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty sách Alpha Books từ năm 2005. Từng làm Tổng Thư ký Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh và tham gia Ban dự án Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới, cùng nhiều hoạt động như dịch thuật, viết sách (các tác phẩm Hiến pháp Mỹ được làm ra thế nào? và ALEXANDER HAMILTON - Hồ sơ quyền lực). |