Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Nhắm mắt vì nhiều cái… xấu

07:05:00 16/04/2014

“Tôi nhắm mắt vì xung quanh quá nhiều cái xấu, cái ác. Tôi nhắm mắt vì không muốn nhìn thấy những câu chuyện buồn. Tôi nhắm mắt vì tôi bất lực trước thực tại không như tôi mong muốn. Nhưng tôi nhắm mắt cũng là để mơ về một bầu trời xanh” - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã chia sẻ với TT&VH tại buổi ra mắt tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời vào ngày 15/4 tại Hà Nội.

“Tôi nhắm mắt vì xung quanh quá nhiều cái xấu, cái ác. Tôi nhắm mắt vì không muốn nhìn thấy những câu chuyện buồn. Tôi nhắm mắt vì tôi bất lực trước thực tại không như tôi mong muốn. Nhưng tôi nhắm mắt cũng là để mơ về một bầu trời xanh” - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã chia sẻ với TT&VH tại buổi ra mắt tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời vào ngày 15/4 tại Hà Nội.

Nhà văn Quân đội Nguyễn Xuân Thủy nổi tiếng với các tác phẩm Biển xanh màu lá, Sát thủ Online hay Giải vàng Sách Hay toàn quốc 2012 cho tập sách thiếu nhi Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa. Tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời là cuốn sách thứ chín, tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành và gây được ấn tượng mạnh với độc giả khi vừa ra mắt.

Chới với trước những dòng chảy

Cách đây bốn năm, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã chuyển về sống tại vùng ven đô. Có lẽ chính cái vùng đất “nhá nhem” này đã là những trải nghiệm và gợi ý thú vị để anh nhấp phím những trang bản thảo Nhắm mắt nhìn trời đầu tiên.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy

Vùng ven đô trong Nhắm mắt nhìn trời có cái tên khá kỳ dị là xã Liên Minh. Chọn tên địa danh xã khá đắc địa, ghim sâu vào trí nhớ bạn đọc, ở một góc nào đó ít nhiều đã khẳng định được sự thành công của ngòi bút tác giả. Đúng như thời buổi bây giờ, nếu không “liên minh”, với vai nhỏ sức hèn, liệu người ta có thể làm được những việc gì to tát. Liên minh để cùng tiến, cùng lùi, cùng cánh, cùng phe để dễ dàng ngoắc tay trục lợi trong những chuyên đề và dự án mê ảo.

Nhân vật chính trong Nhắm mắt nhìn trời là Nguyễn, một nhà văn kiêm nhà báo, anh quan sát và chiêm nghiệm đời sống với nỗi xót xa. Những con người nơi tận đáy của xã hội, từ cô gái bán hoa, bà đồng nát tất cả trong vòng xoáy của xã hội hiện lên tỉ mỉ và đầy những bi kịch.

Nhắm mắt nhìn trời đã đi sâu, khoét chạm vào tận lõi của làng quê đang trong quá trình loay hoay lên phố. Nơi đó, người nông dân được đền bù tiền đất nông nghiệp, niềm hưng phấn chưa tan đã lấp ló những bi kịch trước mắt. Thật không dễ quản lý chi tiêu với một số tiền lớn bỗng dưng từ trên trời rơi xuống, quan hệ ruột thịt và ngay cả những tình cảm xóm giềng cũng bị chi phối bởi một chữ tiền.

“Nhắm mắt” để mở ra vẻ đẹp

Tiểu thuyết sử dụng giọng hoạt kê làm chủ đạo, độc giả cảm thấy hài hước khi đọc đến đoạn vào Hội Nông dân còn khó hơn vào Hội Nhà văn. Riêng chi tiết “Đơn xin ra khỏi Hội Nhà văn” cuối truyện, có gì đó còn chưa cao tay của tác giả, dù nó đèo bòng biểu tượng gì. Hình như đó chỉ là một chi tiết báo, ít văn, có lẽ tiện thể nhà văn Nguyễn Xuân Thủy khuân vác theo, vô tình nó tăng gia thêm độ ồn mà giảm đi cái khác, cái tĩnh, cái tịch mịch, đi vào “cõi” của văn bản. Việc gắn thêm biển phụ để chỉ dẫn, tô màu cho lối thoát khi nhà văn rơi vào sự cùn mòn, bế tắc có lẽ là không thật sự cần thiết.

Tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời dễ làm người đọc tư duy đến nhà văn Gogol đã viết trong Những linh hồn chết: “Hãy mang theo tất cả để lên đường, khi từ những năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ. Hãy mang theo tất cả những xúc cảm của tâm hồn nhân loại, đừng bỏ nó lại dọc đường để rồi sau đó lại nhặt lên”.

Chợt nghĩ lan man rằng Nhắm mắt nhìn trời là một “kênh” mới, dễ nhìn mà không dễ thấu, đã “bật” lên có lẽ cũng phải xem lại kỹ nhiều lần mới đủ cảm, đủ thụ hưởng và chia sẻ. Có quá nhiều vấn đề gợi mở không dễ khẳng định trong cuốn tiểu thuyết mới này, nhưng Nhắm mắt nhìn trời vẫn toát lên vẻ đẹp thiên lương, “nhắm mắt” là để mở ra bất tận và khao khát về một không gian lý tưởng cao khiết vô cùng.

Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1