Viết văn trên giường bệnh

03:50:00 18/04/2014

Chưa một lần được đến trường, chữ nghĩa em có được là kết quả của những tháng ngày tự học trên giường bệnh. Thế nhưng em lại là tác giả của cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang.

Khi chúng tôi đến, cô gái Đỗ Ánh Như Nguyệt ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang viết dở cuốn tiểu thuyết thứ hai có tựa đề Đừng khóc nơi thiên đường. Những con chữ hiện lên nhọc nhằn trên màn hình máy tính hệt như hành trình đến với văn chương của tác giả.

Đôi chân yếu ớt

Sinh năm 1992, là con thứ hai trong gia đình, bố mẹ Nguyệt từng là những người lính, họ những tưởng đã có thể hài lòng với hai thiên thần nhỏ của mình. Thế nhưng khác với anh trai, Nguyệt càng lớn lên cơ thể lại càng teo tóp, phải đến năm hai tuổi Nguyệt mới có thể bám vịn để đứng lên được, lâu sau đó em mới chập chững đặt những bước đi đầu tiên trên bàn chân nhỏ thó, yếu ớt.

Thấy sự bất thường ở con gái, bố mẹ liền đưa em đến bệnh viện, tại đây em được kết luận bị dính tủy, rỗng ống xương sống. Cũng từ đây, những tháng ngày đeo đuổi với bệnh tật, với những bệnh viện khắp trong Nam ngoài Bắc kéo Nguyệt vào những hành trình mệt mỏi và u ám.

Mẹ em, chị Bá Lê Hằng, đưa tay nắm lấy đôi chân nhỏ của con, mắt ngân ngấn nước: “Vợ chồng tôi đã cố hết sức, nơi đâu có cơ may chữa bệnh cho cháu đều đưa đi. Chữa Đông y cho tới Tây y nhưng dường như càng chữa, bệnh cháu càng trầm trọng hơn. Cháu không còn đứng vững và đi lại bình thường được nữa, mọi sinh hoạt đều phải có người khác giúp đỡ”.



Bệnh tật hành hạ, Nguyệt giờ chỉ có thể ngồi viết trên giường. Ảnh: V.THỊNH

Chưa từng tuyệt vọng

Đến năm tám tuổi, đôi mắt trong vắt, ngây thơ của Nguyệt bắt đầu ngóng ra phía con đường chính, nơi hằng ngày các bạn cùng trang lứa vẫn tấp nập tới trường. Chưa một lần Nguyệt bày tỏ khát vọng được đến trường nhưng trái tim người mẹ cảm nhận được điều đó. Mẹ em lặng lẽ đến trường tìm gặp cô giáo để xin cho em được đến trường. Khi biết được tình trạng sức khỏe của Nguyệt, cô giáo kiên quyết từ chối.

Cánh cửa đến trường đóng sập trước mắt em nhưng không vì thế mà em từ bỏ khát khao con chữ. Mỗi khi mẹ dạy cho anh học bài, Nguyệt ngồi lắng tai nghe như nuốt từng từ, sau đó em nằng nặc xin mẹ dạy chữ cho mình. “Cũng may cơ thể em không được khỏe khoắn nhưng trí em cũng sáng lắm, tôi dạy đến đâu, em nhớ đến đó” - mẹ em cho biết.

Hỏi em đã bao giờ cảm thấy tuyệt vọng chưa, em trả lời không một chút chần chừ: “Chưa, em nhìn cuộc đời tràn ngập màu hồng. Số phận không cho em cơ thể lành mạnh nhưng cho em một gia đình thương yêu em, cho em những người bạn chưa từng gặp mặt quan tâm đến em”.



Bìa cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyệt. Ảnh: V.THỊNH

Vịn trang văn mà đứng dậy

Tôi nhìn một lượt căn phòng của em. Căn phòng được mẹ em trang trí theo ý thích của con gái tràn ngập màu hồng. Nổi bật hơn cả là giá sách nằm choán giữa gian nhà. Thấy Nguyệt ham đọc, cha mẹ sắm thêm cho em chiếc máy vi tính, cũng từ đó một thế giới rộng lớn, kỳ diệu mở ra trong mắt em.

Nguyệt nhớ em bắt đầu viết những trang đầu tiên vào khoảng năm 2012, Nguyệt miêu tả, em đến với văn chương như người ta đi mãi trên một con đường mù mịt, đến lúc thấy một vùng hừng sáng thì bước tới. Háo hức và mong chờ. Con đường mòn đó là những cuốn sách mà em đọc không biết bao nhiêu lần, con đường đó cũng là những cô đơn, cảm giác lạc lõng giữa bốn bức tường và một khung cửa sổ ít khi đóng.

Qua những trang đầu như vật lộn với con chữ, cuối cùng hình hài của đứa con tinh thần đầu đời cũng dần hoàn thiện vào tháng 5-2013, em đặt tên tác phẩm là Em vẫn chờ anh.

Em gửi bản thảo đến ba nhà xuất bản. Thời gian trôi qua, vẫn không hề có một hồi đáp. Em mạnh dạn gọi điện thoại đến từng nơi, cuối cùng cũng có NXB yêu cầu em gửi lại bản thảo. Niềm vui đến với em khi NXB Văn học đồng ý xuất bản. Cuốn sách đầu tay em nhận được 8,9 triệu đồng tiền bản thảo. Nguyệt chia sẻ với số tiền đầu đời kiếm được ấy, một phần nhỏ em dùng cho việc công đức đền chùa, phần khác mua quà tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở xa, phần nữa giúp đỡ bằng tiền mặt cho những hoàn cảnh không may mắn khác và tặng người thân mỗi người một ít.

Ước mơ văn chương vẫn luôn trú ngụ trong tâm hồn trong trẻo của Nguyệt nhưng cơ thể của em ngày càng yếu đi. Khi chúng tôi đến, em cho biết chân em gần đây đau lắm, em không còn có thể di chuyển từ giường đến ghế được nữa dù có người giúp đỡ. Năng suất viết cũng giảm sút đi…

“Em muốn mình có sức khỏe, em muốn viết thật nhiều, rồi em sẽ mở một hiệu sách…”. Nguyệt đang tâm sự với tôi thì chợt nhiên im bặt, đôi mắt trong vắt bỗng dưng ngân ngấn nước, nhìn đăm đăm vào màn hình máy tính trống trơn.

VIẾT THỊNH


Trích từ tiểu thuyết Em vẫn chờ anh

“... Cuộc sống vẫn tiếp nối như vậy, đầy vội vã và rối bời. Có thật nhiều những khúc mắc quẩn quanh cùng nỗi buồn đau dù ít dù nhiều, hay có những khi lại vô cùng sung sướng viên mãn. Nhưng có hề gì đâu khi tất cả hỉ nộ ái ố của nhân gian cũng chỉ là sự chuyển mình đầy khẳng khái của số mệnh đối với cuộc sống. Điều ý nghĩa nhất chính là được sống hết mình với những trải nghiệm ấy. Và có một thứ kỳ diệu luôn song hành và nâng đỡ con tim yếu mềm của ta trên mỗi bước đi đầy gian khó. Đó là tình yêu! Cuộc sống thật đẹp, thật tuyệt vời khi mà tình yêu thương vẫn đong đầy trong từng hơi thở...”

Bởi vì dù sao cũng là những trải nghiệm đã qua của một thời tuổi trẻ mà. Ai cũng vậy thôi, đến một lúc nào đó sẽ thấy bất cứ những kỷ niệm xa xôi nào từ dĩ vãng, dù nhiều hay ít, dù đậm hay nhạt cũng đáng khắc ghi và in dấu con tim. Bởi chính ta đã sống, đã tận hưởng, đã hòa mình vào những khoảnh khắc ấy...”


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1