Gabriel Garcia Marquez: Người khai phá của văn học châu Mỹ Latinh

09:10:00 19/04/2014

Nhà văn từng đoạt giải Nobel Gabriel Garcia Marquez, người được xưng tụng là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, vừa qua đời tại nhà riêng ở Mexico City (thủ đô Mexico) hôm 17.4 (giờ địa phương), hưởng thọ 87 tuổi.

Gabo, tên gọi trìu mến mà bạn bè và người hâm mộ dành cho Gabriel, sinh ra tại một thị trấn nhỏ gần bờ biển Bắc của Colombia năm 1927, trong một gia đình có 11 đứa con. Vào thời điểm Marquez ra đời, hai trung tâm của văn học nghệ thuật nằm ở châu Âu và Bắc Mỹ cùng một vài điểm cực khác có thể kể đến như Wellington (New Zealand) hoặc Calcutta (Ấn Độ).

9 năm đầu đời, ông sống cùng với ông bà nhờ đó, ông đã được nghe về những cuộc tranh chấp tàn khốc và cuộc nội chiến bất tận của đất nước mình từ ông nội, hấp thụ những bùa phép và tinh thần chủ quyền được hòa trộn từ các nền văn hóa Ả Rập, Ấn Độ và châu Phi từ bà và các cô dì.

Khởi nghiệp là một phóng viên cho tờ “El Universal” khi đang học tại trường luật ở Bogota, Marquez từng có cơ hội đến thăm các nước châu Âu như Ý, Pháp.

Năm 1955, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết ngắn đầu tay mang tên Leaf storm. Trong suốt những thập niên 50 và 60, Marquez đã cho ra đời nhiều tác phẩm truyện, tiểu luận và tiểu thuyết ngắn song chỉ đến tác phẩm “Trăm năm cô đơn”, ông mới tìm ra giọng nói văn chương của riêng mình.

Xuất bản vào năm 1967, Trăm năm cô đơn được cố tác giả người Mexico Carlos Fuentes đánh giá là “Don Quixote của châu Mỹ Latinh”, nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong nền văn học Latinh. Cuốn tiểu thuyết, được viết liên tục trong 18 tháng, kể về bảy thế hệ của gia đình Buendia ở ngôi làng giả tưởng Macondo, kết hợp những sự kiện phi thường và siêu nhiên với những chi tiết của đời sống thường nhật cùng thực tế chính trị ở châu Mỹ Latinh. Tác phẩm đã được bán ra với hơn 30 triệu bản, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và nhận giải thưởng Nobel văn học vào năm 1982.

Ngoài “Trăm năm cô đơn”, ông còn có một số tác phẩm nổi bật khác như “Tình yêu thời thổ tả”, “Mùa thu của vị trưởng lão”... Khi trao giải cho ông, Viện Hàm lâm Thụy Điển đã phát biểu rằng: “Qua các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông ấy, chúng tôi được dẫn dắt đến một nơi chốn kỳ dị, nơi sự thần kỳ và hiện thực hội tụ. Những chuyến đi ngông cuồng của trí tưởng tượng kết hợp với những câu chuyện và sự kiện dân gian, những ám chỉ văn chương và lối miêu tả hữu hình đôi lúc như thể bức họa đồ gây khó chịu đã chạm đến thể loại phóng sự về vấn đề của sự kiện”.

Ông được xem là “sự bùng nổ” trong văn học Mỹ Latinh, là người khởi nguồn trào lưu “hiện thực huyền ảo”. Đặc biệt người Colombia nói riêng và toàn thể người dân Nam Mỹ nói chung tự hào nói về ông như người khai phá một lục địa mới với nền văn hóa dân gian mang đậm chất sử thi, cùng những cây me và “kỳ đà ngâm” cho nền văn học. Những tác phẩm của ông đã mang đến cho hàng triệu bạn đọc không chỉ sự mê hoặc của châu Mỹ Latinh mà còn sự tổ hợp những mâu thuẫn từ cuộc sống và góp phần đặt “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” vào bản đồ văn chương thế giới.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1