Năm 2013, tác phẩm này được xuất bản trở lại, chia làm 3 tập: “Vượt Trường Sơn - Ở căn cứ”, “Về đồng bằng”, “Tới ngày toàn thắng”. Đáng chú ý, “Bê trọc” đã được chuyển thể thành 4 tập phim tài liệu có tên “Nhật ký chiến trường” (Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất) mang lại cảm giác chân thật, sống động cho người xem về một thời hào hùng đã qua của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014), phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, TS. Phạm Việt Long xung quanh tác phẩm “Bê trọc” – đứa con tinh thần của một người lính nơi chiến trường xưa. “Bê trọc” được viết từ năm 1968 đến năm 1975, bộ sách này của ông nhằm để tỏ lòng tri ân đến nhân dân và đặc biệt là đồng bào Trung Trung bộ? Thực ra khi tôi sống trong lòng nhân dân, thấy nhân dân tốt quá. Tình nghĩa giữa nhân dân với bộ đội rất đậm đà. Người dân sẵn sàng hy sinh vật chất, tinh thần, đến cả tính mạng vì sự nghiệp cách mạng chung, vì những cán bộ, chiến sĩ. Cái đó nó không còn là nhận thức nữa mà nó đã trở nên rất đỗi tự nhiên làm cho những chiến sĩ chúng tôi gắn bó sâu đậm với đồng bào hơn. Vì thế, khi thắng lợi, có một cuộc sống mới, tôi muốn tôn vinh những con người ấy bằng những trang sách. Đấy là cách tôi trả lại ơn nghĩa cho đồng bào. Khi xuất bản, ông có viết thêm cho bộ sách? Tôi chỉ thêm các bài báo, truyện ngắn, thư từ viết từ thời ấy. Tôi sắp xếp đúng vào những sự kiện thời gian xảy ra khi ấy trong nhật ký, tôi ghi từng ngày một; có lúc cách ngày nhưng nói chung tôi đã ghi được tại chỗ người và cảnh lúc ấy. Trong giới văn học, nhà văn Phạm Việt Long được công chúng biết đến với tác phẩm có tiếng vang như “Bê trọc” (3 tập - Đoạt Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 cho tiểu thuyết tư liệu). Phạm Việt Long còn là một vị tiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Hiện tại, nhà văn Phạm Việt Long đang là Tổng biên tập Tạp chí Văn Hiến Việt Nam.
| Sau này tôi thêm vào những tư liệu khác để cho nó phong phú thêm chứ không viết thêm. Tôi cho rằng cảm xúc thời đó vẫn đang sống đến bây giờ. Đó là cảm xúc của một thế hệ. Rất mãnh liệt và chân thành nên dễ được mọi người chia sẻ. Ý định ban đầu của ông có muốn xuất bản một bộ sách giữ nguyên “hiện trạng” như vậy? Trước đó, ngay sau ngày giải phóng miền Nam tôi có viết tiểu thuyết. Nhưng lại bỏ dở vì tôi chưa nghĩ được nên viết dạng tiểu thuyết nào để phù hợp với một thời đại bề thế, nhiều sự kiện như vậy. Sau này, tôi có ý định làm gì đó nên tôi đã viết liền mạch cả ba tập nhật ký, đọc kỹ hơn. Tôi thấy nó phản ánh được thực tế của một giai đoạn cách mạng. Vì qua các trang viết đó, hình ảnh nhân dân, cán bộ, bộ đội sống lại trong ký ức tôi. Những ký ức đẹp và hào hùng, rất thắm tình. Nên tôi mới có ý định xuất bản như vậy. Thêm vào đó, nhà văn Nguyễn Khắc Phục và Nguyễn Thị Hồng Ngát có góp ý không cần phải hư cấu gì cả. Cứ để nguyên cuộc sống thô ráp ý nghĩa này. Nên tôi để như thế xuất bản chứ không dùng làm tư liệu viết tiểu thuyết như ý nghĩ ban đầu nữa. Khi bước vào chiến trường, ông có nghĩ mình sẽ sống trở lại và rồi sẽ có bộ “Bê trọc” như hôm nay? Tôi hơi lạ là dù gian khổ, sốt rét nguy kịch đến tính mạng, đạn bắn thẳng vào mình, bom dội trên đầu nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chết. Lúc nào tôi cũng nghĩ sẽ về. Và, chiến thắng xong tôi sẽ về ngay. Tôi sẽ đi học Đại học. Bởi hồi đó tôi mới chỉ là phóng viên của lớp học nghiệp vụ báo chí chứ chưa học Đại học. Tôi khao khát được học Đại học. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ chết trong chiến tranh. Và đất nước sẽ giành chiến thắng và tôi sẽ được trở về. Có cảm giác “Bê trọc” có sự tương đồng với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”? Cùng chiến trường miền Trung. Cùng giai đoạn mặc dù chị Trâm hơn tuổi tôi. Nên sự tương đồng là rất lớn. Sự tương đồng đó là những cái thật chứ không phải cố lên gân. Có những người sau cuộc chiến cho rằng lớp thanh niên chúng tôi bị đẩy vào cuộc chiến. Chẳng bao giờ tôi thấy điều đó, tôi hoàn toàn làm theo cảm xúc thật và nhận thức đúng đắn của mình. Nếu phải làm lại, tôi và có thể là cả thế hệ tôi, vẫn làm như vậy. Trong “Bê trọc”, bắt gặp tình yêu của tác giả với một nữ chiến sĩ? Tôi quý mến chứ chưa phải là yêu. Tất nhiên, sau này thì đã có tình yêu thực sự với cô y tá của Ban Tuyên huấn Khu 5 để dẫn đến đám cưới và bây giờ đang chung sống với nhau, 40 năm tròn. Qua những trang viết đã nói lên sự gian khổ, hy sinh, tình yêu giữa con người với nhau... và cả tình yêu môi trường, thiên nhiên nữa. Tôi đau xót thiên nhiên bị chất độc, bom đạn chiến tranh tàn phá. Thiên nhiên thời ấy gắn chặt với con người. Như người với người vậy. Ông có tin tác phẩm của mình sẽ sống lâu? Tôi không nghĩ nhiều về điều đó. Tự thân nó sẽ vật lộn với cuộc sống. Và thời gian sẽ sàng lọc. Đến bây giờ người ta vẫn quan tâm tới tác phẩm của mình là hạnh phúc lắm rồi. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Cuốn “Bê trọc” gần 700 trang, là sự kết hợp giữa nhật ký chiến trường, thư từ, bài báo, ký sự, truyện ngắn. Tác phẩm đã dựng lại một thời hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) đến ngày Đại thắng mùa Xuân (1975). “Bê trọc” được xem như bản hùng ca viết về những chuyện đời thường, dung dị của quân và dân ta thời lửa đạn.
Đọc “Bê trọc”, độc giả thấy hình ảnh những chiến sĩ giao liên, nông dân, nhà báo, những cán bộ… hiện lên anh dũng, sáng tạo, có sức sống mãnh liệt. Những nhân vật trong cuốn sách đều có thật, là những thanh niên chưa có gia đình riêng. Họ đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Họ ra trận làm nhiệm vụ mà không có một phần lương trích để lại cho người thân. Mặc dù cuộc sống còn nhiều gian khổ, thiếu thốn, dịch bệnh nhưng họ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan cống hiến hết mình cho công cuộc chống đế quốc xâm lăng… Bên cạnh khí thế chiến đấu sôi nổi của quân và dân ta, “Bê trọc” còn xây dựng nên tình yêu đồng đội, đồng bào, tình yêu đôi lứa…
| Vũ Đoàn – Phạm Quỳnh thực hiện
|