60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người lính Điện Biên năm nào nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, bệnh tật đã khiến ông không thể về thăm lại chiến trường xưa trong những ngày lịch sử này, nhưng trong mỗi câu chuyện của ông, những ký ức về Điện Biên vẫn hiện lên sáng rõ như mới xảy ra ngày hôm qua.
Những anh hùng trên Đồi A1 của Thiếu tướng, nhà văn Chu Phác không phải tiểu thuyết hư cấu. Đơn giản, đây chỉ là cuốn sách dưới dạng ghi chép, ký sự mà tác giả Chu Phác đã từng chứng kiến, sống và gắn bó với những người chiến sĩ đã từng cùng với ông “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”... trên chiến trường Điện Biên năm xưa. Mỗi câu chuyện trong tập sách đều chân thật, giản dị như chính bản thân “những người lính Cụ Hồ” mang dép cao su, áo trấn thủ ra trận.
Không quá đi sâu vào sự kiện hay những vấn đề chiến lược, bằng góc nhìn của người trong cuộc, nhà văn Chu Phác đã hướng ngòi bút của mình tới những câu chuyện từ trong chiến hào, chuyện sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ ở Điện Biên Phủ. Đó là những “trận đánh nhớ đời” hay những phút giây lãng mạn với bài hát gắn liền với thời trai trẻ mà họ từng hát trong khói súng Điện Biên Phủ, là những tấm gương hy sinh của những người lính vừa tròn đôi mươi. Trong những trang ghi chép của tác giả Chu Phác, chúng ta thấy được hàng chục người lính ở Điện Biên Phủ rất xứng danh anh hùng. Đó là những người lính bộ binh ở Trung đoàn (E) 174, E102, Tiểu đoàn (D) 1, D9, D3, những người lính của tiểu đoàn do Vũ Đình Hòe, Nguyễn Dũng Chi chỉ huy... Đó còn là người chiến sĩ pháo binh Hà Ngọc Giá, quê ở Yên Thành, Nghệ An. Trong lúc cùng với đơn vị kéo pháo, cũng như Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Hà Ngọc Giá đã lấy thân mình chèn pháo để khẩu trọng pháo không lao xuống vực. Đó còn là Trung đội phó Bùi Hiếu Nghĩa xung phong ôm trái bộc phá 10kg chui vào đường hầm A1 tình nguyện làm ngòi nổ cho hàng tấn bộc phá đánh sập hầm ngầm trên đồi. Một trận đánh có một không hai trong lịch sử của quân đội ta, mở đường cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm A1…
Với 250 trang sách trong Những anh hùng trên Đồi A1, tác giả đã dành nhiều trang kể lại cuộc sống gian khổ của những người lính trong những ngày đào hầm, vây ép địch. Tác giả kể về từng bữa ăn, ngụm nước, từng phút ngồi tập hát với cây kèn ácmônica của người lính ngay dưới chiến hào… Chia sẻ về cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Tác giả có ý thức mình là lớp người cuối cùng còn lại trong thế hệ những người tham dự chiến trận 60 năm về trước, nên ngòi bút của ông dường như muốn bù đắp cho những gì mà thế hệ trước đã chưa thể và chưa kịp thuật lại về sự ác liệt của chiến tranh, sự mất mát hy sinh của thế hệ những người đã làm nên chiến thắng… Vì thế, tuy được xếp vào thể loại truyện ký văn học nhưng giá trị sử liệu và tính chân thực của những điều được thuật lại làm tăng tính hấp dẫn của tác phẩm”. Đó cũng chính là điều tác giả Chu Phác mong muốn khi chấp bút cho cuốn sách này. Ông tâm sự: “Rồi sẽ có ngày những nhân chứng của cuộc chiến này không còn nữa, song họ sẽ còn sống mãi với con cháu qua những trang sách. Chính những trang sách giúp các thế hệ sau hiểu rõ hơn việc ông, cha mình đã chiến đấu và bảo vệ đất nước như thế nào”. MAI AN
|