Họ đã học chăm học tốt những ngày đầu, cho đến khi nền kinh tế thị trường ập vào. Thời điểm chuyển giao nhiều loạn lạc và nhiều cơ hội, sách vở không giữ họ được bởi ngoài giảng đường là rất nhiều tiền, vàng. Họ lao vào làm ăn. Mục tiêu của du học là để giúp nước và cứu nhà. Họ đã đạt được một nửa: cứu nhà thành công.
Đó cũng là một trong những lý do để sau này, ngành giáo dục có quy định buộc du học sinh phải về cơ quan hoặc doanh nghiệp nhà nước làm việc trong một thời gian nhất định (khá dài), nếu không, phải bồi hoàn khoản kinh phí ngân sách mà nhà nước đã bỏ ra.
Nhưng, trên thực tế, rất nhiều cánh chim đã sổ lồng mà quên hẳn công “người nuôi”.
Đà Nẵng với đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” từ năm 2004 đến nay, đã bỏ ra 558 tỷ đồng để đào tạo 608 học viên trong và ngoài nước. Trong số đó, 29 học viên có quyết định ra khỏi đề án phải bồi thường hơn 33 tỷ đồng.
Việc thu hồi kinh phí đang rất chậm. Tuy nhiên, Đà Nẵng khá bình tĩnh và tuyên bố “nợ kinh phí bao nhiêu trả bấy nhiêu, không tính lãi và không áp mức phạt gấp 5 lần như trước”.
Ông Bí thư thành phố còn cho biết “đằng nào trước sau anh cũng hồi hương về Đà Nẵng, mà về là đóng góp cho thành phố”. Nghĩa là, cứ để người tài tiếp tục sinh sống và kiếm tiền ở nước ngoài đã, chuyện trở về là kỳ vọng của quê hương.
Áp lực kiếm tiền đã thổi bay rất nhiều đam mê học hỏi và nghiên cứu. Mới đây, GS Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, một loạt sinh viên ĐH Khoa học công nghệ đã có công trình đăng trên tạp chí quốc tế. Thầy Đức rất muốn hướng Q.- người có 8 công trình đăng trên tạp chí quốc tế - theo con đường nghiên cứu. Dù đang học, Q. đã nhận được nhiều lời mời làm việc của doanh nghiệp lớn.
Thầy Đức thừa nhận, tình yêu với nghiên cứu khoa học đôi khi không chiến thắng được mục đích kiếm sống thông thường nếu không có hỗ trợ khích lệ cần thiết.
Cho nên, khó trách được trào lưu làm tiền của các bậc cha anh du học Đông Âu 30 năm trước?