Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Nhắm mắt để hướng đến khát vọng thiên lương

09:05:00 23/05/2014

(Cadn.com.vn) - Tiểu thuyết mới "Nhắm mắt nhìn trời" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy dựng lên một xã hội bát nháo, trong đó trí thức bị giằng xé giữa giá trị văn hóa, đạo đức và đời sống thực.

Đây là câu chuyện về một ngôi làng ven nội đô Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, bị phá đi sự bình yên vốn có dưới cái nhìn của nhân vật nhà văn - nhà báo Nguyễn. Nguyễn như lạc thời, luôn phải đối mặt với những bài toán thiên lương, những tự vấn lương tâm và trách nhiệm, những va đập về lòng tự trọng của người trí thức...

* Vì sao anh lại lấy tên tác phẩm là "Nhắm mắt nhìn trời"?

- Ở cuối tiểu thuyết, nhân vật Nguyễn đã khép lại đôi mắt nhìn lên trời cao trong bế tắc, tuyệt vọng trước thực tại đau buồn, trước bi kịch của bản thân. Còn tôi, tôi nhắm mắt để tự vấn xem mình phải làm gì, mỗi người phải làm gì để cuộc sống này tốt đẹp hơn, nhân văn, nhân ái hơn. Tôi nhắm mắt để mơ về một không gian sống lý tưởng cho tôi và cho bạn, như nhân vật Nguyễn trong tác phẩm từng mơ một giấc mơ rất đẹp, rất thư thái yên bình. Đôi mắt công dân của tôi nhắm lại cũng là lúc đôi mắt nhà văn mở ra cho một hành trình sáng tạo, hướng đến những khát vọng thiên lương.

*Nhưng đọc xong "Nhắm mắt nhìn trời", như nhà phê bình Nguyễn Hòa nói, cần phải "mở mắt nhìn đời" để nhìn thấy mọi thứ cứ như đang "lộn tùng phèo" hết cả?

- Đúng vậy. Cùng với những tự vấn, tôi mong chúng ta hãy cùng mở mắt để nhìn lại cuộc đời này, nhìn vào những cái xấu, cái ác đang hiện hữu khắp nơi này. Thực tại hôm nay dễ khiến con người mệt mỏi, kiệt sức. Trước thực tại ấy, đôi khi con người công dân trong tôi muốn nhắm mắt lại, để không phải thấy những gì đang diễn ra, nhưng con người nhà văn trong tôi lại nhắc tôi phải mở mắt, thậm chí mở căng mắt, dỏng căng tai để đối diện với thực tại, nhìn sâu vào thực tại, đi tìm căn nguyên của thực tại. Nhân vật của tôi thì nhắm mắt, còn tôi đã mở mắt để có cuốn sách. Bây giờ tôi mong muốn mỗi độc giả hãy mở mắt cùng tác giả để xem điều gì đang xảy ra đối với cuộc sống của chúng ta.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy

*Không ngại dựng nhân vật chính có nhiều điểm giống mình, giễu nhại nhiều chuyện tế nhị... Anh không ngại sẽ gặp phải sự phản biện sao?

- Tôi đã để nhân vật nhà văn, nhà báo, trí thức ngang hàng với tầng lớp dưới đáy xã hội. Thực tế, họ cũng chẳng hơn gì những tầng lớp cần lao, thậm chí còn khổ hơn vì ít nhiều họ có tri thức, nhận biết, ngộ giác được thân phận mình. Anh nông dân mất đất, cô cave hay bà đồng nát gặp bi kịch cuộc đời thì cái phần khổ của họ nhiều hơn. Còn anh trí thức gặp phải bi kịch tương tự, ngoài phần khổ còn là phần đau, đau đời, đau cho mình, đau cho cộng đồng, đau cho xã hội. Bởi đơn giản anh ta được học tập, được đào tạo, có tri thức để ngộ giác sự đau đời đó, ý thức về thân phận đó. Tôi mong muốn được tiếp nhận những ý kiến khen - chê trên tinh thần đọc tác phẩm văn học chứ không phải bằng những "phản biện", quy kết ngoài văn chương.

*"Nhắm mắt nhìn trời" được bạn văn đánh giá là bước chuyển mới, là lối rẽ của tác giả. Vì sao anh lại quyết chọn đề tài Hà Nội trong quá trình đô thị hóa để dấn sâu, hình thành một giọng văn riêng?

- Tôi nhìn nhận những đánh giá ban đầu đó dành cho sáng tác mới của mình theo hướng tích cực. Sẽ rất buồn nếu những lời nhận xét dành cho "Nhắm mắt nhìn trời" là không bằng các tiểu thuyết trước, rất may điều ấy không xảy ra. Thời gian làm bạn với chữ nghĩa dài thêm theo năm tháng cũng có nghĩa mỗi người viết mong muốn sự trưởng thành hơn, được ghi nhận hơn, tôi cũng vậy thôi. Tôi chọn viết về quá trình đô thị hóa cũng như trước đây tôi chọn viết về những hệ lụy từ Internet trong "Sát thủ Online", hay trước nữa tôi đã chọn viết về những người lính Trường Sa trong "Biển xanh màu lá" vậy. Khi một điều gì đó đủ sức ám ảnh dài và sâu thì người cầm bút tất yếu sẽ viết về nó không sớm thì muộn, không bằng cách này thì bằng cách khác. Tôi sẽ viết về bất cứ điều gì mà tôi cảm thấy hứng thú và đủ khiến tôi vật vã suốt mấy trăm trang sách.

*Xin cảm ơn anh!

Hoàng Thu Phô thực hiện

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977, hiện là Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã giành nhiều giải thưởng văn học của Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Tạp chí Nhà văn, Giải vàng sách hay...

Nguyễn Xuân Thủy là cây bút quen thuộc với nhiều độc giả qua các tác phẩm: "Biển xanh màu lá", "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa". Đặc biệt, tiểu thuyết "Sát thủ Online" của anh đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập trên sóng VTV3 vào đầu năm nay.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1