Lí do “Chat với tình địch”

08:06:00 01/06/2014

(PLO) - Cuốn tiểu thuyết “Chat với tình địch” vừa ra mắt của Nhà văn Cấn Vân Khánh giống như một sự chia sẻ và mang tới “những cánh cửa” cho nhiều người đàn bà bế tắc trong hôn nhân. Hãy cùng trò chuyện với tác giả để có những cái nhìn sâu và mới về đề tài nóng trong các gia đình: Ngoại tình.

- Chào chị Cấn Vân Khánh, chị có nói trong buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết “Chat với tình địch” không việc gì phải chat với kẻ thứ ba vì đây là chuyện của hai người là vợ với chồng. Nếu là nhân vật chính Thu, chị sẽ làm thế nào?

Tôi từng chứng kiến không ít cảnh những người đàn bà vì một người đàn ông mà làm khổ nhau, kiếm đủ cách để xúc phạm, tổn thương nhau mới hả hê. Ai cũng cho rằng mình đúng. Người phụ nữ thông minh và hiểu chuyện, dù ở vị trí người vợ hay nhân tình đều không chọn cách cư xử như thế.

Nếu tôi là nhân vật Thu, tôi sẽ ngay lập tức thông báo cho người chồng biết chuyện gì đang xảy ra với mình và cùng nhau giải quyết. Một khi anh ấy vẫn coi trọng gia đình, anh ấy sẽ đứng về phía tôi và bảo vệ tôi. Hoặc ngược lại, anh ấy muốn ra đi theo tiếng gọi con tim thì tôi sẽ tôn trọng quyết định ấy.

Không có lý do gì tôi phải tiếp chuyện một người phụ nữ không quen biết, tôi không có trách nhiệm phải gánh chịu cảm xúc khó chịu, cay đắng, phẫn nộ của ai đó trong khi tôi không gây ra.

- Theo chị có nên tìm hiểu về kẻ thứ ba hay không cần quan tâm cô ta là ai mà chỉ cần “xử lý” chồng?

Về mặt tâm lý, phụ nữ thường tò mò muốn biết người kia có gì hơn mình hay không? Có xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn? Nhân vật Thu trong truyện đã phải nhờ đến thám tử để thu thập thông tin hình ảnh về cô nhân tình, tuy nhiên, đó đơn giản chỉ là hành động thỏa mãn trí tò mò mà thôi.

Người thứ ba không sung sướng gì, khi đã phải đấu tranh để có được tình yêu, có nghĩa họ đã không được yêu trọn vẹn. Vì đàn ông một khi yêu thật sự, họ sẽ bỏ hết tất cả để đến với người mình yêu, chứ không để cô ấy phải một mình đấu tranh.
Nhà văn Cấn Vân Khánh
- Trong “Chat với tình địch” có chi tiết Thu không có thói quen kiểm tra điện thoại của chồng vì cho rằng đó là hành vi vô cùng thiếu tế nhị và do họ thân mật tới mức chẳng cần đề phòng nhau. Chỉ khi cô phát hiện ra chồng ngoại tình mới bắt đầu bỏ qua quy tắc lịch sự đó. Đó có phải là sai lầm lớn của các cô vợ khi không kiểm soát điện thoại hay chính là các mối quan hệ của chồng?

Một khi sự tế nhị, tôn trọng hết mực không giúp được hạnh phúc gia đình tốt lên, thì có lẽ, các bà vợ cũng nên thử làm ngược lại nếu muốn sáng tỏ bí mật không mấy đẹp đẽ nào đó? Hôn nhân không phải là kìm hãm và kiểm soát lẫn nhau, tuy nhiên, có những trường hợp buộc người trong cuộc phải làm điều họ không muốn.

- Cuộc hôn nhân của Thu và Vĩnh có thể coi là hoàn hảo, đáng mơ ước nhưng vẫn có kẻ thứ ba “nhúng chân” vào. Một người đàn ông “hoàn hảo” như Vĩnh vẫn ngoại tình thì phụ nữ nên dành cho đàn ông bao nhiêu % niềm tin?

Tôi nghĩ ngoại tình cũng có nhiều kiểu, và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, vì đàn ông tham lam, hoặc vì thương hại, vì cám dỗ, vì ưa chinh phục, vì nhu cầu tình dục quá mạnh, hoặc cũng vì đã hết tình yêu với vợ...

Tôi cho rằng phụ nữ không chỉ nên yêu, hy sinh thật nhiều, mà còn cần sự tỉnh táo để trân trọng bản thân và kiên quyết không tạo cơ hội cho đàn ông làm mình bị tổn thương hết lần này đến lần khác. Niềm tin ư? Tôi nghĩ 80% là con số hợp lý.

- Rất nhiều phụ nữ không dám từ bỏ tình yêu, cuộc hôn nhân bất hạnh của mình khi không có một “phương án B” để bấy víu. Nhân vật Tuân, đối tác của Thu có phải là một chất xúc tác để cô dám ly hôn?

Đây là một câu hỏi thú vị, khi người phụ nữ bị phản bội bước ra ngoài đời sống, họ nhận ra rằng họ có giá trị biết bao trong con mắt của người đàn ông không phải chồng mình, Thu là một ví dụ. Nhưng Thu không phải mẫu người dễ ngã vào vòng tay người khác, để trả thù chồng, hay để khỏa lấp nỗi đau và nỗi cô đơn.

Thu ly hôn Vĩnh vì lý do chính mà ở đoạn kết của cuốn tiểu thuyết, cô đã giải thích với Vĩnh rất rõ ràng. Tôi yêu nhân vật Thu ở tính cách cương trực nhưng rất nhẹ nhàng.

- Nhiều người có quan điểm “mắt không thấy, tim không đau” trong hôn nhân, chấp nhận cho chồng “ăn vụng” nhưng biết “chùi mép” trước khi về nhà. Cá nhân chị nghĩ sao về quan điểm này?

Mỗi người phụ nữ có một hoàn cảnh riêng, trường hợp họ là vợ của những ông chồng thành đạt, hào hoa và hấp dẫn phụ nữ, thì nguy cơ chồng ra ngoài “ ăn vụng” là khá cao. Có những người chấp nhận, ngậm đắng nuốt cay để gìn giữ gia đình, có người ra ngoài tìm sự an ủi ở người đàn ông khác, có người dũng cảm ra đi và nuôi con một mình.

Cái gì cũng có cái giá của nó và phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Tôi tin rằng, những người vợ sớm muộn sẽ nhận ra, quyết định nào sẽ có lợi nhất cho họ mà không cần bận tâm đến phán xét của bất kỳ ai.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1