Tiểu thuyết “Tuyết hoang”: Cuộc mưu sinh đầy máu và nước mắt của người Việt ở xứ người

13:46:00 04/06/2014

GiadinhNet - Không phải là nhà văn và là lần đầu tiên bén duyên với tiểu thuyết nhưng tác phẩm “Tuyết hoang” của doanh nhân Trần Quốc Quân đã nhận được những phản hồi tích cực từ độc giả cũng như giới chuyên môn. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, chính yếu tố “lần đầu” đã khiến cho “Tuyết hoang” đạt được sự chân thực về ngôn ngữ văn chương và lôi cuốn trong cách kể chuyện.

Tác giả Trần Quốc Quân giới thiệu và ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: TL

Gieo nhân nào gặp quả ấy

Ngày 17/5 tại Hà Nội và ngày 24/5 tại TPHCM, tác giả Trần Quốc Quân đã tổ chức lễ ra mắt tiểu thuyết “Tuyết hoang”, do NXB Trẻ ấn hành. Cuốn sách dày hơn 700 trang, gồm 10 chương, nói về cuộc sống, mưu sinh nhọc nhằn của người Việt ta tại Ba Lan. Nhân vật chính là một trí thức Hà Nội tên Nguyên, sang Ba Lan theo chương trình nghiên cứu sinh, để rồi trở thành người ngày đêm quay cuồng với vòng xoáy của đồng tiền. Nguyên nhanh nhạy, buôn từ áo kimono, thuốc kháng sinh, đến đồng hồ, vàng... Anh ta lao vào vòng xoáy làm ăn như một cuộc phiêu lưu đầy tham vọng. Sau bao thăng trầm, cuối cùng Nguyên nhận về cái kết bẽ bàng, đúng như quy luật “gieo nhân nào gặp quả ấy”.

Trước khi cuốn tiểu thuyết được hình thành, thông qua mạng xã hội Facebook, tác giả đã chuyển tải những câu chuyện về người Việt mưu sinh ở nước ngoài, trong đó đương nhiên không thể thiếu phần đời của chính tác giả. “Tiền thân” của “Tuyết hoang” khi đó có cái tựa như một lời cảm thán- “Em ơi Ba Lan”.

Nhiều độc giả rất ngạc nhiên khi tiếp cận trang viết của một doanh nhân lại có giọng văn lôi cuốn đến thế. Nhưng ít người biết rằng, Trần Quốc Quân là người đã có niềm đam mê viết lách từ khi còn nhỏ. Nhưng vì bận rộn với kinh doanh nên mãi đến khi ổn định (và cũng có thể là duyên phận giờ mới tới), ông mới có thể thu xếp thời gian cho sở thích này của mình. Và trước khi xuất bản cuốn sách, cái tên Trần Quốc Quân đã sở hữu một lượng “fan” khá hùng hậu trên Facebook. Chính các “fan” là động lực thúc đẩy tác giả hoàn thành tác phẩm khá dày dặn với một “lính mới” như Trần Quốc Quân.

Không ít người thắc mắc, tại sao Trần Quốc Quân lại chọn cái tựa là “Tuyết hoang”? Từ Ba Lan, ông đã hồi âm đến chúng tôi những chia sẻ khá thú vị về cuốn tiểu thuyết: “Từ năm 1988 đến cuối năm 1998 là khoảng thời gian diễn ra biến cố thay đổi thể chế ở Ba Lan cũng như Đông Âu và Liên Xô, đã đem đến cho tôi rất nhiều những trải nghiệm, cho tôi cọ xát, chứng kiến khối lượng sự kiện ngồn ngộn của cộng đồng người Việt hình thành và phát triển, có thể nói là “hoang dại” trên đó. Tôi muốn chuyển những điều mắt thấy tai nghe này thành sách và tiểu thuyết hiện thực chính là thể loại tạo điều kiện tốt nhất để tôi được tự do bay bổng thể hiện những mong muốn của mình. Lúc biết tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này có không ít bạn bè hỏi “Nguyên trong “Tuyết hoang” có phải là ông không đấy?”. Chính tôi những lúc đắm chìm trong cơn đê mê bên những người đẹp nào Lê, nào Hoa, nào Thủy…cũng tưởng mình là Nguyên. Thế nhưng, mỗi khi chứng kiến cái anh Nguyên này bị mất hàng chục cân vàng, bị thua lỗ hàng triệu USD, tôi lại không thấy mình là Nguyên nữa. Nguyên hóa thân thành tác giả, tác giả rũ bỏ vai Nguyên ấy là bởi chuyện đời tan vào từng dòng chữ. Là chuyện đời nên chúng thật đến mức mỗi trang sách tưởng như là một chuyện của tác giả vậy”.
Thành công phải trả giá bằng máu và nước mắt

Theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, trước Trần Quốc Quân đã có một số nhà văn viết về cộng đồng người Việt tại châu Ấu, trong số đó phải kể đến tác phẩm “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ (hiện sống tại Đức) được đánh giá là một trong số ít những cây bút đương đại xuất sắc nhất về đề tài người Việt ở hải ngoại. Tiếp đến là tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình “Hai phía chân trời” của nhà văn- nhà biên kịch Trần Hoài Văn. Nhưng với “Tuyết hoang”, điểm khác biệt là Trần Quốc Quân đề cập rất cụ thể đến giới trí thức Việt sinh sống tại Ba Lan. Bản thân tác giả cũng là một nghiên cứu sinh từ năm 1988, sau đó ở lại Ba Lan sinh sống. Thông qua nhân vật “tôi”, tác giả đã khắc họa một xã hội thu nhỏ của giới trí thức nhưng phải trải qua nhiều thăng trầm vào thời điểm đầy biến chuyển của Đông Âu và Liên Xô lúc bấy giờ. Để tồn tại được, họ đã phải làm rất nhiều việc để sinh sống. Có cả cướp bóc, chèn ép… và mọi thứ của một xã hội lưu manh chụp giật để người đọc thấy rõ sự khốc kiệt của kiếp sống tha hương. Ngay cả những người sau này trở thành doanh nhân thành đạt thì bản thân họ cũng đã phải trả giá bằng máu và nước mắt. Đó chính là thông điệp mà “Tuyết hoang” muốn chuyển tải.

Cảm nhận của nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng chính là điều mà tác giả Trần Quốc Quân gửi gắm vào cuốn tiểu thuyết, đó là luật nhân quả và không có cái gì là bất biến. “Các nhân vật của “Tuyết hoang” biến đổi không ngừng theo cuộc sống mình chọn lựa. Cái xấu, cái tốt đan xen lẫn nhau, kèn cựa với nhau trong từng con người, từng hoàn cảnh. Con người tạo ra hoàn cảnh, và đến lượt nó, hoàn cảnh tác động lại, trói buộc lại con người, làm con người phải thay đổi theo hoàn cảnh”, Trần Quốc Quân nói.

Nói về thủ pháp nghệ thuật trong “Tuyết hoang”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, “Tuyết hoang” cuốn hút bởi chính cái cách kể chuyện mang kinh nghiệm bản thể. Cái mới về tay nghề cũng chính là nét hấp dẫn trong câu chữ, nó chân thật chứ không màu mè, cố tình “làm duyên”. Tôi có cảm nhận nó giống như tự truyện nhiều hơn. Còn về thủ pháp nghệ thuật tiểu thuyết thì không có gì mới”.

Được biết, tác giả đang có những kế hoạch khá cụ thể để “dấn thân” vào sự nghiệp văn chương. Với nhiều năm sống tại nước ngoài, dường như những tư liệu, những câu chuyện mà ông tiếp nạp được vẫn còn ngồn ngộn trong ký ức, giờ đến lúc cần phải bung ra.
Thanh Hà

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1