Triển lãm tranh đầu tiên của nữ nhà văn Anh

18:08:00 11/06/2014

NDĐT – Một triển lãm tranh của nữ nhà văn Beryl Bainbridge tại ĐH King London cho thấy khả năng hội họa tuyệt vời của nữ văn sĩ này, công việc mà khi sinh thời, bà vốn không mấy coi trọng và chỉ vẽ như một thú vui.

Hầu hết những người làm công việc sáng tạo: dù là nhà văn, họa sĩ hay nhạc sĩ, thường bị ám ảnh với việc tìm ra câu trả lời trong bài toán nghệ thuật hóc búa. Việc có tài năng trong hai lĩnh vực khác nhau, thường là khả năng trời cho, rất ít người được như vậy và giữ được song song cùng lúc hai tài năng cũng là vô cùng khó.

Một trường hợp thú vị là Beryl Bainbridge, nữ nghệ sĩ vừa qua đời năm 2010 ở tuổi 77. Được nhớ tới những tiểu thuyết lịch sử và truyện ngắn hư cấu bi hài về tầng lớp lao động, với khả năng viết lắt léo, kỳ quặc và giản lược, đôi khi gây sốc. Điều này khiến bà trở thành một nhà văn khó nắm bắt, và khó xếp hạng, và bà còn nổi tiếng vì từng 5 lần được đề cử giải Booker, nhưng chưa bao giờ giành giải. Phải chăng bà chỉ là một người có tài kể chuyện trôi chảy, khéo léo xâu chuỗi và xoay các vấn đề, hay là một nhà tiểu họa (người tạo ra các tác phẩm nhỏ xíu) tài hoa, hay là sự kết hợp của tất cả những điều đó một cách khó nắm bắt?

Những bức vẽ của bà, được lưu giữ tại tòa nhà Somerset, thuộc Viện Văn hóa, Đại học King London là sự tưởng nhớ chính thức đầu tiên đối với khả năng hội họa của Beryl Bainbridge. Dự định, bộ sưu tập các bức họa của nữ văn sĩ sẽ dần dần được bổ sung.

Tác phẩm "Vụ đắm tàu Titanic".

Nhận xét đầu tiên đối với những bức tranh này là chúng thật tuyệt, với kỹ thuật vẽ khéo léo, màu sắc mạnh mẽ, và hoàn toàn xứng đáng có chỗ đứng trong bất kỳ bộ sưu tập nghệ thuật trước chiến tranh nào của Anh. Khả năng hội họa của bà, có thể nói là thành công ngang ngửa với khả năng viết. Điều thú vị nhất hai khả năng này cùng tồn tại song song và còn hỗ trợ nhau rất tốt.

Sinh năm 1932 tại thành phố Liverpool, Beryl Bainbridge không được đi học chính thức. Cho đến năm 16 tuổi, bà phát hiện ra cả hai khả năng của mình một cách tự nhiên mà hoàn toàn không qua một trường lớp đào tạo nào. Kỳ lạ hơn, bà cũng chẳng bao giờ tỏ ra thích thú hay bị hấp dẫn bởi tác phẩm của các nghệ sĩ khác, các chuyến thăm triển lãm tranh thường khiến bà bị kích động và để lại những nhận xét khá thô bạo về sự thiếu năng lực của một số nghệ sĩ tên tuổi.

Tuy nhiên, từ phong cách của bà, có thể nhận thấy rằng nữ nghệ sĩ đã học được nhiều từ những nghệ sĩ theo chủ nghĩa biểu hiện như Munch, Chagall, Bacon, Lowry, và những nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện thực như Ben Shahn và John Bratby, rồi sau này từ chồng là Austin Davies, người từng dạy John Lennon tại ĐH Nghệ thuật Liverpool…

Khả năng hội họa của Beryl Bainbridge xuất hiện trước khả năng viết, và sau đó chúng “chạy” song song với nhau như một cỗ xe song mã. Bà đã tự tay vẽ minh họa cho một số cuốn tiểu thuyết lịch sử hư cấu của mình, và sau đó phát triển chúng thành những tác phẩm hội họa, liên quan đến sách của mình như Every Man for Himself (bức Vụ đắm tàu Titanic), The Birthday Boys (Chuyến thám hiểm của đại úy Scott), và According to Queeney (bức Bác sĩ Johnson và bà Thrale).

Tác phẩm Aaron và Jojo. (Các con của Beryl).

Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật của bà đều theo xu hướng tượng trưng. Beryl Bainbridge có kỹ năng đặc biệt về vẽ chân dung, dù vẽ các con trai, con gái mình hay vẽ một người nào đó mang tính biểu tượng đã qua đời từ lâu (Napoleon là một thí dụ).

Beryl Bainbridge cũng bị nghệ thuật cắt dán ảnh hấp dẫn, và điều này đã trở thành thói quen của bà khi các bức tranh cắt dán chiếm khắp nơi trong ngôi nhà của gia đình, từ tủ để cốc, cánh cửa, tường, cho đến bất kỳ bề mặt nào còn trống.

Năm 1972, Beryl Bainbridge từng được mời triển lãm cá nhân tại Gallery Portal. Giống như sự sắp xếp của số phận, khi người tổ chức triển lãm đến mời bà, cũng vào đúng thời gian bà được đề nghị một hợp đồng viết tiểu thuyết. Cuối cùng, Beryl Bainbridge đã nhận lời viết sách, mặc dù không từ bỏ hội họa, nhưng bà luôn tự nhận mình là một nhà văn. Susie Christensen, người tổ chức trưng bày tranh của nữ nhà văn tại Somerset cho biết: “Bà thường tặng các bức tranh của mình cho bạn bè, và không ngần ngại cười vang mỗi khi có ai đó đề cập đến hội họa một cách nghiêm túc”.

Và bây giờ, sau khi nữ nhà văn – họa sĩ qua đời hai năm, những bức vẽ của bà đang được hậu thế nhìn nhận lại một cách đầy nghiêm túc và trân trọng, bởi vì chúng thực sự ấn tượng không kém những tác phẩm văn học nổi tiếng của bà.

ĐỖ QUYÊN
(Theo The Telegraph)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1