Trần Đăng Khoa viết về Trường Sa bằng trái tim người lính đảo

09:40:00 21/06/2014

VOV.VN - Trần Đăng Khoa là nhà thơ, đồng thời cũng là người lính, đặt chân đến Trường Sa từ rất sớm và có những kiệt tác viết về Trường Sa hiếm ai sánh bằng.

Nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, nếu Phạm Tiến Duật làm nên một Trường Sơn kỳ vĩ trong thơ, thì Trần Đăng Khoa có một Trường Sa sừng sững bằng văn chương được tạo dựng bởi tài năng và trái tim của một người lính đảo.

Người viết về Trường Sa rất nhiều, nhưng viết như Trần Đăng Khoa thì cũng không có mấy ai. Từng là một người lính hải quân, cùng đồng đội vật lộn với sóng gió, Trần Đăng Khoa khẳng định: “…Ra đến Trường Sa, tôi mới hiểu vì sao nước biển mặn. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Biển Đông. Mặn như máu”…

Nhà thơ Trần Đăng Khóa

"Anh là lính chính hiệu đấy chứ!" - Câu nói đó từng khiến tôi hồ nghi khi nhìn một nhà thơ như Trần Đăng Khoa với vóc dáng lặc lè của một… con chim cánh cụt với cặp kính cận dày cộp… Chẳng giống phong thái người lính chút nào. Nhưng đọc thơ văn Trần Đăng Khoa mới thấy, đã có một “thần đồng” được tôi luyện qua lửa đạn, sóng gió qua những tháng năm gian khổ của đời lính.

Trần Đăng Khoa là nhà thơ, đồng thời cũng là người lính biển, đặt chân đến Trường Sa từ rất sớm và có những kiệt tác viết về Trường Sa hiếm ai sánh bằng. Tôi rất thích những tác phẩm sau này của Trần Đăng Khoa, thích hơn cả những tác phẩm thuở ấu thơ, bởi nó đa dạng hơn, phong phú, hóm hỉnh hơn và sâu sắc hơn... Đặc biệt là thơ văn của anh về người lính, về Trường Sa, mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết "Đảo chìm"... đã làm “dậy sóng” trong trái tim hàng ngàn người đọc.

Năm 1975, Trần Đăng Khoa đang học những tháng cuối cùng của lớp 10, (tương đương lớp 12 bây giờ) thì có lệnh tổng động viên, tăng cường quân cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Lớp 10G của anh có 54 học sinh thì có đến 49 người vào lính, anh là lính Tiểu đoàn 3, Đại đội 1, Trung đoàn 2… Sau lớp huấn luyện cấp tốc, anh đã có thể sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí, nhà thơ được chuyển qua Bộ tư lệnh Hải quân và bắt đầu lênh đênh qua 25 đảo trong quần đảo Trường Sa.

Anh là một người lính thực thụ, chứ không phải chỉ là một nhà văn đi thực tế. Bây giờ Trường Sa đã khác xưa nhiều lắm, nhà thơ bảo vậy. Nhưng anh cũng khẳng định rằng, dù là xưa hay nay thì Trường Sa vẫn là nơi dữ dội nhất, phóng khoáng nhất, thiêng liêng nhất và cũng mong manh nhất. Nếu đất nước có biến động thì sẽ bắt đầu từ đây, từ vùng biển đảo thiêng liêng này…

Quả thực tôi rất thích cách nói của Trần Đăng Khoa giúp mọi người hình dung về quần đảo thiêng liêng: “Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trên bản đồ thế giới mang hình một bà mẹ già gầy gò, đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn phải lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra biển Đông. Cái phên giậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa, Hoàng Sa đấy…”.

Đảo chìm giữa Biển Đông mênh mông (Ảnh: Quang Trung)

Trong cách “lột tả” tài tình mà rất tinh tế, một Trường Sa gần gũi đến mức như làng xóm quê hương, như từng ngôi nhà, từng ngõ xóm, hiện hữu chứ không mơ hồ, vời vợi hay khô khan như một chấm xanh trên bản đồ. Phải nói rằng, chưa thấy có một cây bút nào nhắc đến Trường Sa độc đáo, vừa day dứt vừa yêu thương đến thế!

Ta hãy nghe anh nói trên VTV1: “Ám ảnh nhất đối với tôi là trước lúc lên Đảo, chúng tôi buông neo, thả hoa xuống biển, tưởng nhớ những người anh hùng liệt sĩ đã khuất. Có lẽ không ở đâu, lại có nhiều người chết trận như ở Việt Nam. Hầu như làng nào, xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Trị thôi cũng đã có tới 72 nghĩa trang rồi, trong đó có nghĩa trang quốc gia đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn, mỗi nghĩa trang hàng mấy vạn ngôi mộ.

Nếu mỗi mộ chỉ thắp một ngọn nến thì đêm đêm cả nước ta sẽ sáng rực lên như một dải Ngân hà. Còn bao nhiêu hài cốt lính vẫn còn nằm trong những cánh rừng, những ngọn núi xa khuất mà chúng ta còn chưa quy tập được. Chúng ta cũng đã từng thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm… và hôm nay thả hoa xuống Biển Đông. Chúng ta chợt nhận ra rằng, hóa ra dòng sông Thạch Hãn và cả Biển Đông mênh mông này là một nghĩa trang bằng nước. Có bao nhiêu người lính đang nằm ở dưới đáy biển kia? Rồi còn có bao nhiêu những nghĩa trang bằng nước như thế trên dải đất hình chữ S này?

Đó là những cột mốc khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của quần đảo thiêng liêng này. Và như thế, ở Trường Sa, Hoàng Sa, chúng ta đã có những cột mốc bằng sắt thép xi măng, những cột mốc bằng xương máu những người lính qua rất nhiều thế hệ, rồi còn có cả những cột mốc đặc biệt. Đó là những bài thơ, bài hát, những tác phẩm viết về biển đảo của rất nhiều thế hệ các nhà thơ nhà văn, nhạc sĩ Việt Nam. Và khi những tác phẩm đó đạt đến giá trị nghệ thuật đích thực, thì những “cột mốc” ấy sẽ còn bền vững đến muôn đời…”.

Thơ văn Trần Đăng Khoa viết về trường Sa và Biển Đông cũng có thể xem như những cột mốc ấy. Tôi bắt gặp những câu thơ về người lính Trường Sa của anh đã thành bản tình ca được nhiều người yêu thích. Những người lính trong thơ anh luôn sẵn sàng đón nhận những bão táp, khó khăn thậm chí dự đoán cả những điều nguy hiểm nhất nhưng vẫn chắc tay súng, chắc niềm tin bảo vệ chủ quyền đất nước: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên./ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng. Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng.../ Vòm trời kia có thể sẽ không em/ Không biển nữa/ Chỉ mình anh với cỏ/ Cho dù thế thì anh vẫn nhớ/ Biển một bên và em một bên... Những câu thơ ấy, bây giờ nghe lại vẫn đầy ý nghĩa khi lúc này đây, ngoài khơi xa những người lính Hải quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư…vẫn đang ngày đêm bám trụ, kiên cường giữ vững vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta.

Trần Đăng Khoa có nhiều thơ về Trường Sa, trong đó có nhiều bài rất hay như: Thơ tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cây bão táp đảo Nam Yết, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền chài, Viết từ hải đảo, Lính đảo hát tình ca, Hát về một hòn đảo; đặc biệt cuốn tiểu thuyết mini Đảo chìm được coi là “thần bút” về người lính, theo cách đánh giá của nhà văn Lê Lựu…

Thế là, bằng những con chữ mỏng manh và đầy giông gió, nhà thơ đã cùng với ông cha cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho một vùng lãnh hải thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta. Suốt những năm tháng lăn lộn cùng những người lính biển trên hầu hết các đảo của quần đảo Trường Sa đã giúp anh thai nghén và cho ra đời cuốn tiểu thuyết mini “Đảo chìm”. Cuốn sách chưa đầy 80 trang nhưng rất có sức nặng viết về Mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.

Nhà thơ chia sẻ: “Tôi đã định biến những con người mà tôi yêu mến thành nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết nhưng lại thấy không nên vì bản thân họ đã rất đẹp rồi, rất thật rồi, hà cớ chi ta phải hư cấu thêm cho cồng kềnh, rắc rối. Tốt nhất là cứ để mộc như vậy. Cuộc sống vốn chân thật và giản dị… Thế nên, “Đảo Chìm” không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết, nó là một hồi ký của chính tác giả-một nhà thơ, nhà văn và một người lính. Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật về những con người thật-những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.

Đến hôm nay, đã có biết bao người làm báo, làm văn ra Trường Sa tác nghiệp nhưng công bằng mà nói, chưa thể có một tác phẩm nào vượt qua nổi Đảo Chìm. Những gì của hơn 30 năm trước mà Trần Đăng Khoa lẩn mẩn ghi lại để làm một "bảo tàng" nho nhỏ theo cách nói của anh để để lưu giữ lại những vẻ đẹp của một thời gian khổ nhưng vẫn đang hiện hữu, nhất là trong những ngày “biển động” này”.

Đảo chìm thực sự cuốn hút, thậm chí ám ảnh tôi, quả xứng được ví là “thần bút” về người lính. Nếu người yêu văn chương chưa từng đọc cuốn sách này thì quả là điều đáng tiếc. Mà giả như ai đã từng cầm đọc những dòng đầu tiên, tôi đồ rằng sẽ chẳng rời ra được, chắc chắn sẽ phải đọc một mạch cho đến những dòng cuối cùng…Thế mới biết, có một nhà thơ, một người lính Trần Đăng Khoa chẳng những khiến độc giả nhí bao thế hệ mê mẩn mà còn khiến cho triệu triệu trái tim người Việt thổn thức với những câu thơ, câu văn đầy tính thời sự, sâu lắng và giàu nhân văn về người lính đảo, về Trường Sa và Biển Đông thân yêu của chúng ta./.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1