Điểm khác biệt lớn nhất giữa Aiden Pearce và Adam Jensen với các nhân vật trong tiểu thuyết Cyberpunk có lẽ vẫn chỉ gói gọn trong yếu tố chính trị. Cả hai người trên, không ai đứng lên đấu tranh chống lại bộ máy công quyền, cơ cấu quyền lực đương thời. Cụ thể hơn, chính bản thân họ là cơ cấu quyền lực của xã hội đó hoặc là công cụ để phục vụ cho nó. Họ đều là người da trắng, là dân tộc chiếm ưu thế trong xã hội của họ, họ có đầy đủ khả năng dân sự và hình sự để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ đối với xã hội. Họ là những sát thủ kinh nghiệm đầy mình, có nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào, có cơ hội được tiếp cận với mọi loại tài liệu, chính thống hay không chính thống, tuyệt mật hay công khai, tất cả đều có hết.
| Cũng quan trọng không kém, mục tiêu của các nhân vật này rất đa dạng chứ không bó gọn cụ thể giống như trong tiểu thuyết Cyberpunk. Cả Watch Dogs và Deus Ex: Human Revolution đều khuyến khích người chơi khai thác tối đa từ công dân, thành viên băng đảng cho đến tội phạm lặt vặt. Một trong những tính năng nổi bật của Watch Dogs là chỉ cần chĩa điện thoại về phía ai, lập tức thông tin về tên tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, thậm chí cả tiền sử bệnh tật, khuynh hướng tình dục của người đó sẽ hiện ra đầy đủ. Pearce có thể dùng thông tin đó để thực hiện hành động của mình. Anh có thể rút tiền của người khác thông qua tài khoản ngân hàng hack được hoặc thực thi công lý ngay ngoài đường phố. Nhờ vào sức mạnh của các thiết bị điện tử được kết nối với ctOS, Aiden Pearce vừa đóng vai trò là quan tòa, vừa đóng vai trò của bồi thẩm đoàn đồng thời lại là người thi hành án. Tương tự như vậy, Adam Jensen có thể sử dụng bộ não điện tử của mình để hack máy vi tính, đọc trộm thư tín, tìm hiểu bí mật cá nhân và thậm trí là ăn trộm tiền.
| Điều này hoàn toàn trái ngược với văn học Cyberpunk vì trong truyện, nhân vật chính được khắc họa như một Robin Hood thời hiện đại, họ bí mật chống lại các tập đoàn lớn và chính quyền tham nhũng. Hình ảnh cá nhân của họ, dù có bệ rạc thế nào vẫn trái ngược hẳn tông màu xám xịt, tối tăm nhưng không kém phần hùng vĩ của các công ty, các thể chế quản lý, hành động hack tự bản thân nó chính là lời tuyên bố không bao giờ có sự hợp tác giữa hacker với chính quyền. Tuy nhiên, trong các game gần đây, hình ảnh hacker có phần đã bị bóp méo đi khi họ lại đi trục lợi cho bản thân mình, với hình thức tiền bạc hoặc điểm kinh nghiệm. Hầu hết game hiện nay đều xoáy quanh việc tập trung quyền lực vào tay nhân vật chính, bằng chứng rõ nhất chính là hệ thống cấp bậc của nhân vật chính và khả năng nâng cấp trang bị, kỹ năng. Trong văn học Cyberpunk, điều này không xảy ra bởi lẽ nó không chú trọng vào việc thâu tóm quyền lực, cụ thể hơn, nhân vật trong tiểu thuyết có trách nhiệm phân phối lại quyền lực cho toàn xã hội. Hacker chống lại chính phủ và các tập đoàn không phải để trục lợi cho bản thân. Ngoài ra, họ cũng chẳng dại mà đối đầu trực tiếp, số phận đã định cho họ trở thành những kẻ đứng ngoài lề xã hội, luôn đi trước một bước để không bị phát hiện, theo dõi và tù đày.
| Một vài game cố gắng để bắt được yếu tố này, Uplink: Hacker Elite là một game như vậy. Trong game, ngoài kỹ năng chuyên môn ra người chơi không có lấy một khẩu súng để phòng thân, họ có thể thâu tóm sức mạnh bằng tiền bạc và trang thiết bị tốt hơn, thế nhưng luôn luôn ở trong vị thế của kẻ yếu hơn. Công việc mà họ hay phải làm nhất là chạy trốn bởi bất cứ hành động nào cũng để lại dấu vết và rất dễ bị theo dõi. Hacker trong Uplink không có khả năng tự bảo vệ bản thân nếu lỡ rơi vào tình huống xung đột bằng tay chân. Hệ thống bảo vệ được cài đặt trên máy tính, thế nhưng mục đích duy nhất của nó chỉ là để thông báo có nguy hiểm đến gần và phá hủy toàn bộ máy tính để không có thông tin nào lọt vào tay kẻ truy đuổi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ lại trắng tay và trở về vị trí ban đầu. Thế nhưng, số lượng những game như vậy không nhiều và cũng chẳng mấy game thủ biết đến chúng.
| Hacker đang tìm cách lấn sân sang một vài lĩnh vực mới. Do đó không có gì lạ nếu trong game Cyberpunk người ta thấy nhân vật chính vừa lái xe vừa bắn súng ầm ầm giống như game GTA. Dưới ảnh hưởng của quá nhiều game FPS và hành động thế giới mở, nhiều nhà phát triển game AAA đang đưa thể loại Cyberpunk đi vào ngõ cụt: lấy bạo lực làm yếu tố then chốt và tất cả những thứ còn lại chỉ là để phụ trợ. Đây là một điều khá tai hại vì nó không chỉ đi ngược lại với tinh thần của Cyberpunk mà còn xuyên tạc cả thể loại này. Thay vì giúp cho người chơi hiểu hơn về bản chất nhân vật và đặc điểm của Cyberpunk, các nhà phát triển đã biến nó thành một thể loại biến tính và tách ra hẳn so với dòng văn học ban đầu. Nguyễn Hào
|