Dế Mèn ngừng bước không còn phiêu lưu

18:04:00 06/07/2014

De Men ngung buoc khong con phieu luu

Nhà văn Tô Hoài, cha đẻ của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng, đã qua đời vào trưa ngày 6/7/2014, tại Hà Nội, thọ 95 tuổi.

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, tại huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Ông từng trải qua nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn... và nhiều khi thất nghiệp. Trong sự nghiệp văn chương, tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của ông đã nhanh chóng chinh phục được bạn đọc. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có nhiều sáng tác đáng kể. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1954, ông tiếp tục tập trung vào sáng tác. Đến nay, sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, 95 tuổi đời, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Tô Hoài là một nhà văn nổi tiếng và những đóng góp của ông đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng: Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 (với tác phẩm “Tây Bắc”); Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (với tiểu thuyết “Quê nhà”); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970 (với tiểu thuyết “Miền Tây”) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Từ nửa thế kỷ trước, tác phẩm Vợ chồng A Phủ của ông đã được dựng thành bộ phim cùng tên và cũng rất thành công, đưa tên tuổi của NSND Trần Phương (vai A Phủ) và NSƯT Đức Hoàn (vai Mỵ) đến với công chúng, ngay khi nền điện ảnh cách mạng Việt Nam còn non trẻ.

Nhiều tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra ngoại ngữ. Dế mèn phiêu lưu ký của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần. Khi tuổi đã cao, ông tiếp tục khuynh đảo lối viết cũ mà vẫn hiện thực đến tận cốt lõi đời sống, bằng các tác phẩm Chiều chiều, Ba người khác… Tập ký sự về lịch sử Thăng Long “Chuyện cũ Hà Nội” của ông cũng mang đến cho độc giả nhiều thú vị và cũng rất chân thật về Hà Nội xưa.

Thời gian tổ chức tang lễ của ông hiện chưa được quyết định chính thức


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1