Nhà văn lớn của nước Pháp, khác với các nhân vật nam nhi của mình, không bao giờ nhỏ những giọt nước mắt cá sấu tiếc thương cho sự chia lìa với các mỹ nhân. Ông có con với nhiều phụ nữ và không phải bao giờ ông cũng nhận đó là con mình...
Theo nhận xét của tiểu thuyết gia đương đại người Tây Ban Nha Arturo Perez-Reverte (sinh năm 1951), Dumas cha “đã lấy của cuộc sống tất cả những gì có thể lấy, uống cạn chén lạc thú và danh tiếng... biết tận hưởng cuộc sống, từng ra chiến đấu trên những chướng ngại vật đường phố, từng tham dự đấu súng tay đôi, từng dính líu đến việc kiện tụng ở tòa án, từng thuê tàu biển, từng bỏ tiền túi ra trả lương hưu, từng yêu đương, nhậu nhẹt, nhảy múa, từng kiếm được cả chục triệu quan và đốt tới hai chục triệu quan, rồi từ giã cõi đời trong giấc ngủ như một đứa trẻ...”. Đó là một con người đã trải qua một kiếp nhân sinh cực kỳ phong phú giai điệu. Những câu chuyện tình của ông có thể trở thành cốt truyện cho những tác phẩm hấp dẫn nhất.
Cô gái đầu tiên mà Alexandre Dumas từng tán tỉnh, đã không nhận lời yêu của ông. Người ta kể rằng, thời trẻ, tác giả của Ba chàng lính ngự lâm là một thanh niên điển trai với đôi mắt xanh lơ và mái tóc xoăn tít. Hậu thế thường chỉ nhìn thấy những bức chân dung nhà văn lúc ông trưởng thành: Một thân hình phì nộn, thành quả của sơn hào hải vị trong trường phái ẩm thực Phú Lãng Sa và gien di truyền từ nguồn gốc Phi châu lực lưỡng. Bà nội của Dumas là một nữ nô lệ da đen xinh đẹp ở San Domingo, thuộc địa của Pháp tại Haiti... Cha ông là kết quả của cuộc hôn nhân giữa một nhà thực dân với nữ nô lệ da đen đó. Và cha ông về sau đã trở thành một vị tướng.
Nhà văn tương lai được thừa hưởng đầy đủ những yếu tố nổi trội về thể chất của các bậc tiền bối. Tuy nhiên, thời trẻ, Dumas đã là một trang nam nhi mảnh mai với đôi tay và đôi chân thanh tú...
Nhà văn đã có mối tình đầu với một thiếu nữ thuộc tầng lớp mà như Andre Maurois (1885-1967, nhà văn chuyên viết tiểu sử các danh nhân văn hóa Pháp) diễn tả, “ở giữa giai cấp tư sản và giới lao động bình dân. bao gồm các cô thợ may thêu đô thị và những cô hàng đăng ten”. Cậu thanh niên 16 tuổi bạo dạn đã đem lòng yêu cô gái tóc vàng sống động và đầy đặn hơn mình ba tuổi. Và mối tình này đã kéo dài hai năm, được giữ bí mật vì sợ bà mẹ nghiêm khắc mắng mỏ... Cô thợ may Paris nhiều kinh nghiệm tình trường đã truyền dạy cho chàng trai trẻ nhiều điều thú vị đến mức sau này, khi đã trở thành một nhà văn lừng lẫy, Dumas đã kể lại rất chi tiết về cuộc tình giữa hai người (tất nhiên, ông đã đổi tên họ của người yêu đầu đời vì muốn bảo vệ thanh danh cho người tình cũ, lúc đó đã có gia đình yên ấm).
Tháng 8/1823, chàng viên chức còm Alexandre Dumas đã gặp cô thợ may (lại thợ may!) Catherine Laure Labay và ngay lập tức đã phải lòng người đẹp hơn mình tới 8 tuổi này. Ngày 27/7/1824, Catherine đã sinh ra một đứa con trai, cũng đặt tên là Alexandre như người bố. Tuy nhiên, cả cha lẫn mẹ đều không công nhận đứa con này vì họ chưa kết hôn với nhau (về sau, đó lại là người con cũng có danh tiếng lừng lẫy, nhà văn Alexandre Dumas con, tác giả bộ tiểu thuyết Trà hoa nữ). Theo đạo luật Napoleon, việc ghi tên họ của cha mẹ đứa trẻ ngoài hôn thú không phải là một sự công nhận các quyền và trách nhiệm của hai người trong mối quan hệ với đứa trẻ đó, ngoại trừ trường hợp họ tự viết đơn công nhận điều này.
Alexandre Dumas cha đã không hề viết lá đơn nào như thế, có lẽ vì sợ làm mẹ mình lo lắng. Bà tướng Dumas không hề hay biết gì về mối quan hệ ngoài hôn nhân của con trai và cũng không hề biết việc bà đã có cháu nội đầu tiên. Ở thời điểm đó, rất ít người hay biết về mối quan hệ tình ái giữa Dumas với cô thợ may. Thực hiện nghĩa vụ làm cha, Dumas đã đều đặn gửi tiền cho cô thợ may nuôi con trai nhưng không ai rõ số tiền đó cụ thể là bao nhiêu...
Trong tiểu thuyết tiểu sử Ba thế hệ nhà Dumas, nhà văn Andre Maurois viết: “Những cuốn tiểu thuyết đã đọc được nung nóng trí tưởng tượng của chàng trai đến mức chàng nghĩ ra vô số cảnh những quý bà danh giá ào tới ôm lấy cổ chàng, những nữ diễn viên xinh đẹp sẵn sàng vì chàng làm mọi việc điên rồ, những cuộc truy hoan lộng lẫy... Cô thợ may bé nhỏ đã có đủ tất cả những phẩm hạnh: tỉnh táo, chăm chỉ, tận tụy và thậm chí cả sự quyến rũ, nhưng cô không có học vấn, không có những người họ hàng quyền thế. Và Dumas đã quyết định gìn giữ sự tự do của mình cho những cuộc phiêu lưu hấp dẫn hơn...”.
Từ ngoại ô lên thành Paris hoa lệ, Dumas, lúc đó đã là tác giả của một vở diễn đang nổi như cồn và người sáng lập ra dòng kịch lịch sử mới, đã làm quen được với một “đả nữ” tóc nâu tên là Melanie Waldor vừa bước vào tuổi tam thập. Thiếu phụ “mùa xuân chín” này đã kết hôn với một quân nhân và là mẹ của một cô con gái hai tuổi. Sống trong cảnh đơn chiếc thiếu vắng ông chồng đã quá ngán ngẩm đang phải phục vụ ở xa thủ đô, Melanie tập làm thơ và đóng vai bà chủ ở sa lông văn học của cha mình, một cựu tổng biên tập mấy tờ báo và tạp chí tại Paris...
Quý bà Waldor đã quy thuận anh chàng kịch tác giả xuất thân tỉnh lẻ rất năng nổ trong việc săn lùng mục tiêu một cách khá nhanh chóng, tới mức mọi sự trở nên có vẻ như không được đàng hoàng cho lắm theo tiêu chí của thời đó. Melanie đã phải khôn khéo chuyển thời điểm mà hai người lần đầu biết nhau lên một mốc sớm hơn nhiều so với thực tế đã diễn ra. Tâm hồn hứng khởi của Dumas rất dễ dị ứng với các những cô thợ may và các bà nội trợ bình dân mà rất thích thú với những người phụ nữ lãng mạn với nghệ thuật. Hơn nữa ngoài ra, việc có mặt ở một sa lông văn học cũng giúp cho Dumas thiết kế được những mối quan hệ cần thiết với các nhà văn và nhà viết kịch ở “kinh đô ánh sáng”...
Những bức thư mà Alexandre gửi cho Melanie không có gì quá khác biệt so với những lá thư gửi cho những người khác, ngoại trừ những lá thư mà ông sau này viết cho các con của mình. Các nhà viết tiểu sử của Dumas cho rằng, nhà văn coi việc viết thư chỉ như một thói quen tẻ nhạt, không có thì không được nhưng cũng chẳng hứng thú gì nhiều. Lời lẽ trong thư của Dumas bóng bẩy nhưng khá sáo: “Melanie, Melanie của tôi, tôi yêu em như một kẻ điên... Nghìn nụ hôn đang cháy trên đôi môi em và ẩn chứa trong mình đầy những hứa hẹn về một khoái lạc thiên di...”.
Đối với Dumas, mối quan hệ đó không phải là một mưu đồ vụ lợi nhưng cũng không phải là một tình cảm đích thực. Phu nhân của Đại úy Waldor hay kêu ca về dục vọng bất tận của tình nhân và đòi Dumas phải “tuyệt hứng thanh cao”. Thế nhưng, sao một thời gian ngắn, khi Dumas bộc lộ bản chất “cả thèm chóng chán” thì Melanie lại bắt đầu lồng lộn đòi tình nhân phải nồng nàn thêm nữa...
Đến mức Dumas phải viết trong thư gửi cho Melanie: “Làm sao mà sau ba năm quan hệ với nhau rồi mà lại vẫn chuyện bé xé ra to và làm mình làm mẩy không lý do như thể vừa mới yêu nhau vậy? - đấy chính là điều mà tôi thực sự không thể nào hiểu nổi...”. Rồi Dumas đã biến Melanie thành nhân vật nữ chính trong vở bi kịch Anthoni của mình. Quả đúng như nhà văn Andre Maurois nhận xét: “Một khi tác giả đã biến người tình thành nhân vật trong tác phẩm của mình, thì quả thực là nàng đã chết đối với anh ta”. Và đúng trong giai đoạn đó, chạy theo sau Dumas là cả một dàn hơn hai chục mỹ nhân, trong đó có cả nữ diễn viên chuyển giới Louise Despreaux hay nữ nghệ sĩ Virginie Buurbier...
Khi bình luận về các típ Don Juan sát gái khác nhau, nhà văn Andre Maurois kết luận rằng, Dumas là một người háo sắc tốt bụng, quyến rũ phụ nữ “chỉ vì ông muốn họ, cũng giống như ông sẽ thu gom các loại trái cây để ăn, nếu ông cảm thấy đói...”. Dumas hầu như không giao tiếp với những người phụ nữ tử tế xuất thân từ các gia đình quý tộc hay thuộc giai cấp tư sản. Ông chỉ thích những phụ nữ giăng gió, nếu thuộc giới nghệ sĩ thì càng hay...
Và đây, một nữ diễn viên bất tài và tầm thường đã trở thành tình nhân của nhà văn. Đó là Melanie Serre, biệt danh Belle Krelsamer (Kreilssamer Xinh đẹp), người từng có con với bá tước Taylor nhưng đã từ bỏ con. Alexandre Dumas hứa sẽ đưa cô nhân tình bé này vào làm trong nhà hát nhưng đã không thực hiện được lời hứa đó. Bù lại, nhà văn bỏ tiền ra thuê căn hộ cho người đẹp tá túc. Mặc dù Dumas không mảy may tin vào “tình yêu sâu sắc” mà Belle Krelsamer nói rằng đã dành cho ông nhưng vẫn khiến cô có mang. Và ngày 5-3-1831, Melanie (“Đệ nhị” trong đời Dumas) đã sinh hạ cho nhà văn một cô con gái, được đặt tên là Marie-Alexandrine...
Con gái của nhà văn trước sự trăng hoa của cha đã bày tỏ thái độ mỗi lúc mỗi khác. Marie-Alexandrine Dumas thích một số nhân tình của bố. Và cũng ác cảm với một số nhân tình khác của nhà văn. Còn người con trai, cũng mang tên như cha, Alexandre Dumas, tác giả Trà hoa nữ, thì nhất quán bài xích mọi người đàn bà xuất hiện trong đời cha mình, trừ mẹ anh. Có thể là vì ngay từ bé Alexandre Dumas con đã thầm hy vọng rằng, sẽ có một ngày nào đó, cha anh sẽ chính thức cưới mẹ anh. Và hơn tất cả mọi điều, anh chỉ muốn mình anh được độc chiếm trái tim của người cha...
Alexandre Dumas rất hiểu tâm sự của con trai. Không ngẫu nhiên mà trong một lá thư gửi con trai, ông đã viết: “Con hẳn rất hiểu rằng, nếu con là phái nữ và biết nấu ăn thì cha hẳn đã không cần một nữ chủ nhân nào khác ngoài con. Nhưng, than ôi, chúa trời đã tạo ra con là khác. Vì thế nên con cần phải đủ anh minh xác định một lần và mãi mãi, để trái tim cha con mình chạm được vào nhau và cùng vượt qua mọi trở ngại vật chất ở giữa hai chúng ta. Con luôn luôn là số một trong trái tim và ví tiền của cha , có điều cha cho con từ ví tiền ít hơn nhiều so với từ trái tim...”