J. M. Cốt-di, nhà văn của nỗi đau phân biệt chủng tộc

17:00:00 24/07/2014

QĐND - Nhà văn J. M. Cốt-di (John Maxwell Coetzee) hiện là công dân Ô-xtrây-li-a, tuy nhiên thời điểm năm 2003, khi ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học, ông là công dân nước Nam Phi, nên nhiều người vẫn xem ông là nhà văn vĩ đại của Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Vượt ra ngoài câu chuyện quốc tịch, J. M. Cốt-di được ghi nhận là nhà văn viết hay nhất về nỗi đau phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, cũng như những mâu thuẫn xã hội trong lòng đất nước thời kỳ hậu thực dân.

Các tiểu thuyết quan trọng của J. M. Cốt-di đã được dịch sang tiếng Việt từ năm 2002 và mới nhất là tiểu thuyết “Chờ bọn mọi” (1980) do NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt phát hành tháng 7- 2014. Có thể xem “Chờ bọn mọi” là một tác phẩm bản lề để hiểu hai quãng đời sáng tác của J. M. Cốt-di. “Chờ bọn mọi” kể việc một nhân vật được gọi là “thẩm phán” phụ trách cai quản một vùng biên giới không chịu được sự tàn ác của đám lính tráng đàn áp những người thổ dân mọi rợ đã chăm sóc một nữ tù nhân rồi đưa cô gái về nguyên quán. Trở về, ông thẩm phán bị xem là phản bội, bị tra tấn. Cuối truyện đám binh lính thất bại hoang mang, chờ đợi thổ dân tới trả thù. “Chờ bọn mọi” mang màu sắc hiện thực huyền ảo, các chất liệu đời sống bị xóa nhòa, cả cuốn tiểu thuyết thực ra là ẩn dụ phê bình bản chất của những thế lực muốn làm trái tự nhiên, muốn chinh phục và bắt tự nhiên phục vụ. “Chờ bọn mọi” cũng chứa đựng những khởi đầu đặc sắc của tiểu thuyết J. M. Cốt-di về sau. Đó là khách quan tối đa trong giọng điệu và thể hiện cảm xúc, như việc để ông thẩm phán phải lòng cô thổ dân không hẳn vì tình yêu hay vì chủ nghĩa nhân đạo thương xót thông thường mà trước hết là tò mò xem giống mọi rợ có gì khác mình hay không.

Sau “Chờ bọn mọi”, các tiểu thuyết của J. M. Cốt-di luôn là những tác phẩm thuộc về đời tư thế sự, đến nỗi có thể dẫn đến kết luận vội vàng ông là “thư ký của thời đại” (H. Đờ Ban-dắc), mà cụ thể là thời đại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Dưới những câu chữ hiện thực lạnh lùng đến tàn nhẫn của J. M. Cốt-di là bề sâu thăm thẳm của những câu hỏi luôn khó có câu trả lời về thân phận con người khi đối diện với cuộc đời quá nghiệt ngã. Loại bỏ đi những yếu tố xã hội như trong tiểu thuyết “Người chậm” (2005) do NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt xuất bản, 2008; J. M. Cốt-di có khi thật đơn giản chỉ muốn tự đặt câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Và hạnh phúc thực ra chỉ là sự thay đổi nhận thức của chúng ta về hạnh phúc như nhân vật nhiếp ảnh gia Pôn Rây-mân bị mất một chân trong một tai nạn mới có thể nhận ra.

Về nghệ thuật tiểu thuyết, J. M. Cốt-di không giống tiểu thuyết gia người Nhật Bản Ha-ru-ki Mu-ra-ka-mi trong “Rừng Na Uy” viết theo bản năng, viết mà không định trước kết thúc câu chuyện và số phận nhân vật sẽ đi về đâu. J. M. Cốt-di dường như tính toán rất kỹ mọi phương diện trong những cuốn tiểu thuyết của ông. Thực ra, đó là hai con đường sáng tạo của các tiểu thuyết gia để cùng đi đến đích là “thôi miên” độc giả vào một thế giới hư cấu hấp dẫn. Vẻ đẹp của sự tính toán quá hợp lý của J. M. Cốt-di trước hết là ông luôn đặt nhân vật của mình vào những cảnh trớ trêu trong một thế giới phi lý, nhân vật của ông mắc kẹt trong đó. J. M. Cốt-di như một Đấng Sáng tạo kiêm luôn vai trò Chúa Cứu thế giải thoát nhân vật khỏi mớ hỗn độn đời sống, mà cụ thể ở đây là xã hội Nam Phi đa chủng tộc, vẫn còn chưa lành vết thương của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhất là trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển: “Cuộc đời và thời đại của Michael K” (Mạnh Chương dịch, NXB Hội Nhà văn, 2004); “Tuổi sắt đá” (Anh Thư dịch, NXB Phụ nữ, 2004)...

Sự tính toán có chủ ý về một chiến lược tự sự của J. M. Cốt-di còn được thể hiện rất rõ trong phong cách viết tối giản của ông. Câu chữ ngắn phản ánh một tâm lý chán chường tột cùng của nhân vật, giọng kể ở ngôi thứ ba của J. M. Cốt-di dù bi kịch hay trào lộng thì luôn tỉnh queo… J. M. Cốt-di đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật tối đa: Những cuộc đời nhân vật trong tiểu thuyết của ông quá chán chường đến nỗi không có gì để nói, còn cuộc sống thì luôn nghiệt ngã chẳng hề có chút tươi sáng ở ngày mai.

Một trong những phẩm chất của một tiểu thuyết gia kiệt xuất là dù viết gì thì chất lượng tác phẩm của họ có một sự “đều hàng” ở tầm cao đáng kinh ngạc; dù cho ai cũng biết viết văn là công việc sáng tạo đơn nhất từng sản phẩm, chứ không phải sản xuất hàng loạt kiểu dây chuyền may quần áo. Đạt đến tầm cao như vậy là sự nghiên cứu kỹ lưỡng lối viết các bậc tiền bối như F. Đốt-xtôi-ép-xki, Phanh-dơ Cáp-ca, Xa-mu-en Béc-két... Và J. M. Cốt-di đã khéo léo sử dụng trong những tác phẩm của mình, vì vậy khi đọc J. M. Cốt-di người ta mới nhận ra rằng, trong văn chương chẳng có điều gì là lỗi thời cả, một khi đã trở thành giá trị mẫu mực thì bằng cách này hay cách khác, những di sản tinh túy văn chương sẽ lại làm một cuộc du hành để tái sinh.

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1