Nhức mắt "ma trận" sách tham khảo

07:07:00 25/07/2014

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu năm học mới, các hiệu sách đã đầy ắp sách giáo khoa và sách tham khảo (STK). Tuy nhiên, giữa rừng STK hiện nay, để tìm được những cuốn sách có chất lượng, vừa ý không hề đơn giản…



Hai môn, 600 đầu sách tham khảo

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại các nhà sách ở Hà Nội, chỉ riêng môn Toán và Tiếng Việt của bậc tiểu học đã có gần 600 loại sách tham khảo (STK) khác nhau của nhiều NXB: Đại học Sư phạm, ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội, Giáo dục, Tổng hợp TP HCM, NXB Thời Đại, Hải Phòng, Đà Nẵng, Mỹ Thuật… Nếu như sách giáo khoa (SGK) chỉ có NXB Giáo dục được phép ấn hành, thì với STK bất cứ NXB nào cũng có thể xuất bản.
Lựa sách tham khảo thế nào?
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách tham khảo cho học sinh tiểu học, cô Nguyễn Diễm Lệ - Giáo viên Trường Tiểu học Thụy Phương (phường Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lưu ý: Có hai tiêu chí khiến giáo viên chúng tôi ưu tiên chọn sách, đó là NXB và nhóm tác giả. Thông thường NXB Giáo dục là địa chỉ tin cậy nhất. Còn với nhóm tác giả, với bộ môn Tiếng Việt, các tác giả như cô Lê Nga, Nguyễn Thị Hạnh hay với môn Toán là thày Nguyễn Ánh, Trần Viên Hiển, Đỗ Trung Hiệu là những tên tuổi đáng tin cậy.

Theo ghi nhận, số lượng STK luôn gấp nhiều lần so với SGK. Bậc THPT đứng đầu về số lượng với khoảng hơn 400 đầu sách, bậc THCS với gần 200 đầu sách, bậc tiểu học hơn 100 đầu sách... Ngay ở lớp 1, theo danh mục của Bộ GD&ĐT, bộ SGK có 6 sách học nhưng tới 8 cuốn bổ trợ. Đó là chưa kể vô số đầu sách khác ở các nhà sách. Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy STK rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã nhưng soi xét, đọc kỹ nội dung mới thấy rằng, phần lớn STK chỉ lấy lại bài tập, phần luyện tập trong SGK để giải mà ít có phần hướng dẫn hay gợi ý để học sinh tự làm bài. Thậm chí, nhiều cuốn còn bê nguyên xi nội dung của sách dành cho giáo viên. Tình trạng các loại STK có nội dung na ná giống nhau do cùng người hoặc một nhóm tác giả biên soạn được các NXB khác nhau phát hành cũng khá nhiều.

Đáng lo ngại hơn, không ít STK chất lượng biên soạn chưa đảm bảo, hiện tượng câu chữ, diễn đạt lôm côm, lủng củng, tối nghĩa, ngô nghê, sai chính tả, lỗi chấm phẩy câu... nhiều vô kể. Có khi còn sai sót cả về kiến thức, nhầm lẫn sự kiện, thời gian, tên tác giả... rất nguy hại với học sinh. Ví dụ như cuốn Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn địa lý lớp 9 do các tác giả Phạm Thị Sen (chủ biên), Nguyễn Đăng Hưng, Lê Mỹ Phong biên soạn cũng có nhiều chi tiết sai. Phần trả lời cho câu hỏi số 5 (trang 60) ghi: “Đồng bằng sông Hồng không có các nhà máy thủy điện vì thiếu lao động” là hết sức vô lý và buồn cười. Đúng ra câu trả lời phải là: “Vì… không có nguồn thủy năng để xây dựng nhà máy thủy điện”…
Đình chỉ STK không phù hợp

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành đối với từng cấp học, lớp học; Đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ; Phù hợp với tâm, sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng; Không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục của Việt Nam; Phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; Có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; Đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia; Không vi phạm các quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định, các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định đối với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền. Ngoài ra, đình chỉ việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có nội dung sai sót, không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và SGK hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2014.
Ghi nhận tại một nhà sách cho thấy, có trên 20 loại STK tiếng Việt lớp 1; 32 loại sách STK Toán lớp 1; Toán lớp 2 có trên 80 đầu sách, riêng vở bài tập thực hành Tiếng Việt có hơn 55 quyển. Toán lớp 3 trên có 75 quyển, Tiếng Việt gần 80 quyển, Tiếng Anh trên 30 quyển… Sách giúp học tốt Tiếng Việt lớp 1 có 30 quyển, Toán lớp 1 trên 50 quyển; Tiếng Việt lớp 2 trên 90 quyển, Toán lớp 2 chừng 50 quyển; Tiếng Việt lớp 3 có 90 quyển… Đặc biệt, riêng môn Tiếng Việt lớp 5 có trên 110 quyển STK.
Vũ Anh

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1