Nhà văn Nguyễn Quang Vinh ra mắt tiểu thuyết về chủ quyền Hoàng Sa

13:07:00 04/08/2014

TG- Sau gần hai năm “chạy quanh” xin giấy phép và chỉnh sửa, chờ đợi, tháng 8/2014 nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Lời thề” với chủ đề về chủ quyền Hoàng Sa.

Được khởi nguồn từ lời trích:

“Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…”

(Trích sắc chỉ Vua Minh Mạng ra lệnh thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa)

Nguyễn Quang Vinh đã hư cấu lên câu chuyện về Hoàng Sa qua mối tình của Đội Nhất và Lý Thắm, một trong những cô gái theo đoàn thủy binh ra giữ đảo.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.

Nhà văn không tạo ra được chứng cứ bản đồ, thư tịch, nhà văn đồng hành với thân phận con người. Cuốn tiểu thuyết này là luận chứng về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo cát vàng mà hậu thế đặt tên là HOÀNG SA. Cuốn tiểu thuyết này ghi lại lời kể của những sinh linh đã sống, đã chết, đã tồn tại đời đời kiếp kiếp trên Hoàng Sa, những sinh linh gốc Việt.

Cương giới Việt ở đây là bằng xương cốt của nhiều thế hệ, vì thế nên cát mới vàng, màu vàng của xương cốt, của hồn vía, tầng tầng lớp lớp xương cốt Việt ở đây đã dẫn đường cho nhà văn tìm đến, để nghe họ kể lại, và ghi ra đây bằng tất cả những gì mà nhà văn cảm được, thấy được, nghe được.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu lần theo những dấu chân người Việt cổ đầu tiên đặt lên quần đảo cát vàng, khi ấy quần đảo hoang vu, quần đảo mồ côi mà người Việt đã phát hiện, đã đặt tên, đã đưa hình hài nó vào hình hài Tổ Quốc.

Những cái tên như: đảo Ốc, đảo San Hô. Cứ thế, đảo Đá Hút, đảo Chim Yến, đảo Vú Mẹ… được đặt tên sau những cuộc chiến giữ đất với Bắc triều.

Tổ Quốc hiện ra chói ngời, trong vắt, rừng rực lửa trong những đôi mắt người Việt đang bám bên nhau, trụ bên nhau, người trong tay người, người trong cát đảo, đảo và người trong nhau thành một khối, tất cả đều đang nhuốm hồng trong ráng chiều, cảm tưởng như các đảo đều là những quả cầu đỏ.

Tổ Quốc đôi khi chỉ là con còng gió, chạy trên cát vàng, trong ráng chiều, chạy tự do trên hòn đảo, đơn giản như vậy thôi, nhưng đó là con còng gió của nước Việt trên đảo của nước Việt, nơi mà Đội Nhất phụng mệnh hoàng thượng trấn giữ và bảo vệ.

Tổ Quốc là cát, là đá, là những con sóng trào vỗ bờ trắng xóa, bao quanh những hòn đảo nhỏ, nhìn thì cô đơn giữa muôn trùng biển, nhưng trên đảo là người, người Việt, là Đội Nhất, là anh em. Trên bầu trời đảo còn là những cánh hải âu chao liệng, ríu rít tiếng kêu, những cánh chim hải âu khi vụt bay cao, khi nghêng cánh sà xuống, cả những mẫu phân nhỏ bé của hải âu bay bay trong gió rồi rơi xuống cát, xuống đá, xuống cả đầu người cũng thuộc về Tổ Quốc.

Tổ Quốc là mảnh ván khắc hai chữ ĐẠI VIỆT cắm sâu vào tim các đảo. Ánh nắng chiều hắt bóng cột mốc giới, đổ bóng dài vắt ngang trên đảo, bóng dài cột mốc im lìm hằn trên đảo, trong mắt nhìn, hằn vào trái tim của anh em một lời thề, lời thề không âm thanh, lời thề sâu thẳm, lời thề nặng trĩu, truyền đời này sang đời khác, trong máu, trong khí huyết, trong hơi thở.

Tổ Quốc là lá cờ mang chữ Quốc vương nước Việt, bay trong gió biển, là nơi anh em nhìn tới mà đứng thẳng, mà can trường, là dấu vết muôn đời của người Việt, là câu trả lời kiêu hãnh với thế giới, lá cờ còn, đảo còn, lá cờ màu máu, đi suốt ngàn năm, đi từ cương giới đất liền ra cương giới đảo, đến tay Đội Nhất và anh em, nhìn lá cờ tung bay như thấy vẹn nguyên và vĩnh hằng đất đai bờ cõi, rạng danh Tổ Quốc.

Lý Thắm mềm mại mà mạnh mẽ, hy sinh thân mình vì nàng là cả triệu vóc dáng của những người đàn bà Việt, giờ nà muôn phần lo toan, muôn phần hướng đến anh em nơi chiến trận, muôn phần chờ đợi. Sự chờ đợi của những người đàn bà dành cho người đàn ông Việt nơi chiến trận biến thành sức mạnh ở cung tên, nơi gươm giáo trước quân thù.

Cuộc chiến chắc chắn chưa dừng lại. Đảo xa, biển rộng, người ít giặc nhiều, rồi ai còn ai mất? Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, cương giới này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tuổi Kỷ Hợi, mạng Mộc, sinh năm 1959.
Sinh ở thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình và tiểu thuyết.

Là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình sự kiện nghệ thuật lớn.

Những tác phẩm gây tiếng vang:

- Kịch bản phim: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông

- Kịch bản phim truyền hình nhiều tập: Lập nghiệp, Cô gái mang tên dòng sông, Trở về, Ốc đảo vua…

- Kịch bản sân khấu: Vú cát, Nữ cảnh sát SBC, Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, Sau cơn giông, Sáng trong như ngọc một con người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp & bản hùng ca Điện Biên, Quyền lực tình yêu, Lũ quét, Âm binh...

- Kịch bản và tổng đạo diễn nhiều sự kiện nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tuổi Kỷ Hợi, mạng Mộc, sinh năm 1959.
Sinh ở thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình và tiểu thuyết.

Là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình sự kiện nghệ thuật lớn.

Những tác phẩm gây tiếng vang:

- Kịch bản phim: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông

- Kịch bản phim truyền hình nhiều tập: Lập nghiệp, Cô gái mang tên dòng sông, Trở về, Ốc đảo vua…

- Kịch bản sân khấu: Vú cát, Nữ cảnh sát SBC, Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, Sau cơn giông, Sáng trong như ngọc một con người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp & bản hùng ca Điện Biên, Quyền lực tình yêu, Lũ quét, Âm binh...

- Kịch bản và tổng đạo diễn nhiều sự kiện nghệ thuật.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1