Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Ảnh: NXB Hội Nhà văn) Thông qua việc khắc họa mối tình giữa Đội Nhất (đội trưởng đội thủy binh) và Lý Thắm (một trong những cô gái theo đoàn thủy binh ra giữ đảo), nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã viết nên câu chuyện khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở tiểu thuyết
“Lời thề.” Tác giả chia sẻ, tác phẩm được khởi nguồn từ lời trích: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…” (Trích sắc chỉ Vua Minh Mạng ra lệnh cho thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa).
“Lời thề” lần theo dấu chân những người Việt đầu tiên đặt chân đến quần đảo cát vàng - nơi mà hậu thế đặt tên là Hoàng Sa. Nói khác đi, đó là câu chuyện về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo Hoàng Sa.
Họ đã thực hiện những cuộc hành trình, đi để phát hiện, đặt tên và đưa hình hài quần đảo cát vàng vào dáng hình Tổ quốc. Những cái tên như: đảo Ốc, đảo San Hô, đảo Đá Hút, đảo Chim Yến, đảo Vú Mẹ… được đặt sau những cuộc chiến giữ đất.
Trong
“Lời thề,” Tổ quốc hiện ra chói ngời, trong vắt, rừng rực lửa trong những đôi mắt người Việt đang bám trụ bên nhau. Đảo và người trong nhau, thành một khối.
Tổ quốc là cát, là đá, là những con sóng trào vỗ bờ trắng xóa, bao quanh những hòn đảo nhỏ. Trên đảo có Đội Nhất, có anh em thủy binh - những người Việt luôn vẹn nguyên lời thề giữ biển.
“Tổ quốc là mảnh ván khắc hai chữ Đại Việt cắm sâu vào tim các đảo. Ánh nắng chiều hắt bóng cột mốc giới, đổ bóng dài vắt ngang trên đảo. Bóng dài cột mốc im lìm hằn trên đảo, trong mắt nhìn; hằn vào trái tim của anh em một lời thề - lời thề không âm thanh, lời thề sâu thẳm, lời thề nặng trĩu, truyền đời này sang đời khác trong máu, trong khí huyết, trong hơi thở…” nhà văn viết.
"Lời thề" ra mắt độc giả vào tháng 8/2014 (Ảnh: NXB Hội Nhà văn) Tiểu thuyết
“Lời thề” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2014./.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1959 tại thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ông là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình và tiểu thuyết như:
“Ngã ba Đồng Lộc,” “Chuyện tình bên dòng sông” (kịch bản phim);
“Sáng trong như ngọc một con người,” “Đại tướng Võ Nguyên Giáp & bản hùng ca Điện Biên,” “Âm binh” (kịch bản sân khấu)…