Là người sáng tác nhiều về nông thôn, đặc biệt ông đã rất thành công với tiểu thuyết “Dòng sông Mía”, nhưng ông cũng khá quan tâm đến đề tài chiến tranh cách mạng? Tôi là nhà văn mặc áo lính. Từ năm 1965 là lính thuộc Sư đoàn 330, sư đoàn miền Nam tập kết. 10 năm trong quân ngũ, tôi trải qua nhiều vị trí chiến đấu bảo vệ bờ biển Nam Định, Thanh Hóa, dọc miền Trung và chiến trường Đường 9, B5 Quảng Trị… Tôi cùng đồng đội trải qua nhiều cuộc hành quân gian khổ và trong thâm tâm tôi, lúc nào cũng hừng hực niềm đam mê sáng tác, háo hức đi để làm thơ, viết ký và cũng sẵn sàng đương đầu với cái chết. Rất nhiều đồng đội tôi đã hy sinh. Ký ức về cuộc chiến tranh vệ quốc đã ngấm vào tác phẩm. Tinh thần, cảm xúc nó chất chứa, dồn nén vào tác phẩm của tôi. Ông đã viết tiểu thuyết “Nước mắt”, vẫn tiếp nối dòng cảm xúc chiến tranh. Ông có sợ mình bị lẫn, khi thời điểm đó khá nhiều nhà văn viết về đề tài này? Tôi nghĩ, cần phải viết khác cuốn “Người lính” của Nguyễn Minh Châu, khi đó được đánh giá tốt. Và thật sự lúc đó tôi có ý định viết cuốn này phải phần nào vượt được Nguyễn Minh Châu thì mới có thể tạo dựng được tên tuổi. Với tiểu thuyết “Nước mắt”, tôi có một cái nhìn khác về chiến tranh. Tôi viết táo bạo, quyết liệt. Không ca tụng một cách hời hợt, viết thật với con người thật. Con người sống thế nào, ứng xử ra sao trong chiến tranh thì tôi viết thế đó. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người bạn đã giúp đỡ tôi đọc bản thảo góp ý. Bạn đọc thấy trong văn của ông có nhiều nguyên mẫu? Vâng, ở “Nước mắt” cũng có vài nhân vật chính, họ là những đồng đội tôi trong quân ngũ. Bè bạn đã động viên tôi để tên thật của họ. Chính họ là những nguyên mẫu sinh động nhất giúp chất lượng tác phẩm được nâng lên. Sau này tôi viết tiểu thuyết “Dòng sông Mía” cũng có nhiều nguyên mẫu thật, nhiều nhân vật là ông bà, mẹ, những người ảnh hưởng đến thời thơ ấu và thanh niên của tôi. Con sông Mía cũng là sông Châu Giang bây giờ. Ông từng chia sẻ: “Dòng sông Mía” được ông ấp ủ rất lâu. Cụ thể là thế nào? Và những nhân vật nào ảnh hưởng nhất đến ông? Tôi ấp ủ đến hơn 10 năm vì phải chuyển nhiều nghề. Năm 1991 tôi viết lần một, tại Sầm Sơn - Thanh Hóa. Năm 1995 viết tiếp phần sau. Thật sự lúc sau viết không sung bằng trước. Khi viết tôi tự nhận thấy điều đó, tự đánh giá được, song tôi vẫn cố giữ được cái mạch của nó. Năm 2004 mới in được, 2005 được giải. Trong cuốn này, nguyên mẫu lớn nhất là nhân vật Khuê. Đây là người thể hiện hình ảnh, ý nghĩ của tôi và bè bạn. Một số nhân vật khác tôi xây dựng thành công là thằng Lèng - cụt hai tay, một người sống bản năng, một đứa con sinh ra trong tăm tối, cuối cùng lại yêu chị gái mà không biết. Tôi đã xoáy sâu vào một nhân vật mê muội, không được học hành, sống bản năng, điều khiển bản thân bằng bản năng. Trong tiểu thuyết, thi thoảng ông có đưa vào một số cảnh nóng. Thời đó có được coi là táo bạo không? Tôi đã đi sâu vào khai thác nội tâm những phận người hẩm hiu, sống mưu sinh trong dòng nước bẩn thỉu và trong họ luôn bị một sự khinh rẻ. Còn những cảnh được coi là nóng, trái ngược với những hình ảnh mưu sinh trầy trật kia là những dòng chữ man mát, giúp tác phẩm trở nên lung linh hơn, sinh động hơn. Ý tôi là những cuộc đời trôi trong rừng Mía, ở đó, bản năng con người họ được đánh thức. Vậy điều gì là cốt lõi nhất mà ông muốn gửi gắm trong “Dòng sông Mía”? Là số phận những con người. Là tình nghĩa. Con người bên dòng sông Mía từng thương nhau, rồi tình thương đó bị phá bỏ, vốn văn hóa làng xã cũng bị phá dần. Người ta mang cái ác ở đâu về rồi gieo rắc nơi đây. Cái ác đó phá bỏ văn hóa làng xóm, tình yêu người yêu thiên nhiên. Điều này vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ.
Chi tiết ông thấy ám ảnh nhất là gì? Là bà Thuần - hình bóng người thân của tôi bị trói, như bị gói giò, rồi người ta thay nhau đến chiếm đoạt. Ngay cả thằng cụt cũng chiếm đoạt.
Điều chưa hài lòng về “Dòng sông Mía”? Để lâu, nên cảm xúc bị nguôi bớt ở phần sau vì viết không hết mình được. Nếu tập trung viết trong vài năm thì cuốn này sẽ hay hơn. Lúc đầu tôi đặt tên là “Dòng sông vĩnh cửu”, sau đó Nguyễn Trọng Tạo đã đọc và giới thiệu cho BTV của NXB Trẻ. Anh Tạo góp ý đổi: bối cảnh có mía, văn hóa mía, nên đặt là “Dòng sông Mía”. Sự trải nghiệm ngoài đời sống, thu thập tư liệu, rồi nghĩ đến xây dựng những nguyên mẫu. Đã có lần ông phát biểu, vốn sống là tài sản rất quan trọng cho nhà văn? Đúng thế. Văn học hiện thực phải có nguyên mẫu, nếu không nguyên mẫu không thành tác phẩm hay. Vì điều đó sẽ trở thành hình tượng nghệ thuật. Rất nhiều những trải nghiệm ngoài đời là chất liệu quý cho các tác phẩm trở nên sinh động, bám sát hơi thở cuộc sống. Giờ các bạn trẻ có thể nghĩ ra văn học giả tưởng, nhưng văn học ở nước ta thì vẫn cần cái gì đó là văn học hiện thực chủ nghĩa. Tôi quan sát từ đổi mới đến giờ, đa số văn học ta chưa xa rời hiện thực. Và trên nền hiện thực ấy, nhà văn cũng thêm vào những cái ảo, chắt lọc hiện thực để cho ra những tác phẩm có sức nặng. Ai đó nói ở nước ta không có văn học hiện thực huyền ảo là sai. Nước ta có, chỉ có điều chưa trở thành một trào lưu thôi.
Xin cảm ơn nhà văn Đào Thắng! Hải Miên thực hiện
|