Kỳ thú “Thế giới của Sophie”

16:34:00 21/11/2013

QĐND - Triết học là khoa học, còn tiểu thuyết là nghệ thuật; hai lĩnh vực này có thời xích lại gần nhau với những tiểu thuyết hiện sinh của Giăng-Pôn Xác (1905-1980, Nobel văn học 1964) và An-be Ca-muy (1913-1960, Nobel Văn học 1957). Sở dĩ chúng được gọi là tiểu thuyết hiện sinh bởi chúng được viết với chủ đích minh họa cho triết học hiện sinh. Nhưng để đạt đến sự hòa quyện “văn triết bất phân” trong văn học hiện đại phải tính từ sự xuất hiện tiểu thuyết “Thế giới của Sophie-Tiểu thuyết về lịch sử triết học” (1991) của nhà văn Na Uy Giốt-xtanh Gô-đơ.

Giốt-xtanh Gô-đơ sinh năm 1952, là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, đến nay ông đã viết 15 cuốn sách. Nhưng ông chỉ nổi tiếng khi viết cuốn sách thứ 4 là “Thế giới của Sophie” khai thác hơn 2.500 năm lịch sử triết học phương Tây. Theo cách nghĩ thông thường, triết học vốn không dành cho số đông thì cuốn tiểu thuyết này chỉ được dăm ba người mê triết chú ý nhưng thực tế cuốn sách đã được dịch ra 53 thứ tiếng với 30 triệu bản in. Ở Việt Nam, “Thế giới của Sophie” cũng có tới 2 bản dịch của Huỳnh Phan Anh (NXB Văn hóa Thông tin, 1998) và của Trần Minh Châu (NXB Tri thức, 2006).

Đạt được con số ấn tượng như vậy, chính là nhờ tài năng văn chương và hiểu biết triết học sâu sắc của Giốt-xtanh Gô-đơ. Mục đích viết cuốn tiểu thuyết này của tác giả như là một cuốn giáo trình triết học dành cho độc giả trẻ tuổi. Những tri thức triết học trong tiểu thuyết chính xác đến nỗi các giáo sư triết học hiện nay vẫn khuyên các học sinh và sinh viên nên đọc “Thế giới của Sophie” như là một sách nhập môn triết học bên cạnh cuốn sách lịch sử triết học hàn lâm như “Lịch sử triết học phương Tây” của Bê-tran Rát-xô (1872-1970, Nobel Văn học 1950). Nếu như “Thế giới của Sophie” chỉ đơn thuần là cuốn sách để tác giả khoe hiểu biết triết học thì chắc không nhiều người đọc cuốn sách đến thế vì sách viết về lịch sử triết học đâu có ít. Điều hấp dẫn “Thế giới của Sophie” chính là tính văn chương, khả năng dẫn dắt câu chuyện kỳ thú trong khi phải chuyên chở một lượng kiến thức triết học khổng lồ kéo dài hơn 500 trang sách.

Bối cảnh tiểu thuyết là đất nước Na Uy năm 1990, nhân vật chính là cô bé sắp bước sang tuổi 15 tên là Sô-phi A-mun-sen (Sophie Amundsen). Cô bé Sô-phi sống hồn nhiên như bao đứa trẻ khác cho đến khi cô nhận được một bức thư bí ẩn với duy nhất một câu hỏi: “Bạn là ai?”, rồi tiếp theo là một bức thư khác với một câu hỏi: “Thế giới đến từ đâu?”. Tiếp theo nữa là một bức thư có địa chỉ từ Phân đội Na Uy thuộc Liên hợp quốc ở Li-băng gửi cho Hi-đơ Mô-lơ Nắc của bố Hi-đơ nhờ Sô-phi chuyển giúp. Sô-phi tra tìm thì không có ai là Hi-đơ Mô-lơ Nắc tồn tại và cô vẫn chưa biết ai là tác giả của những bức thư với những câu hỏi bí ẩn trên.

Thời gian sau, Sô-phi nhận được phong bì ghi rõ “Giáo trình triết học cần được sử dụng thật thận trọng”. Người bí ẩn bắt đầu gửi những tài liệu giới thiệu cho cô về các cách giải thích về sự ra đời của thế giới của huyền thoại và của các nhà triết học tự nhiên Hy Lạp thời kỳ trước Xô-crát (469 đến 399 TCN).

Chỉ mãi đến khi gửi thư giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp nhà triết học Xô-crát, “ông thầy” bí ẩn mới cho biết danh tính là An-béc-tô Nóc. Đây là một sự cố tình sắp đặt của tác giả vì Xô-crát được xem là nhà triết học đầu tiên của phương Tây, người chuyên giảng dạy và khơi dậy cho thanh niên những mối bận tâm mang tính triết học bằng cách đặt những câu hỏi.

Bên cạnh những tài liệu triết học gửi từ An-béc-tô, thỉnh thoảng Sô-phi vẫn nhận được những bức thư của bố Hi-đơ gửi cho con gái. Người đọc cũng như cô bé Sô-phi bị cuốn hút khi được “ông thầy triết học” hơi đồng bóng An-béc-tô dẫn dắt tìm hiểu triết học thời Trung Cổ cho đến các nhà chủ nghĩa kinh nghiệm Anh kéo dài đến hơn nửa cuốn sách; cũng như muốn tìm hiểu lai lịch những bức thư bí ẩn gửi cô bé Hi-đơ. Dần dần, tác giả mới hé lộ và người đọc mới phát hiện cô bé Sô-phi cũng như ông thầy An-béc-tô không tồn tại, cả hai chỉ là sản phẩm hư cấu của ông Thiếu tá An-béc Nắc đang đóng quân ở Li-băng tranh thủ thời gian rỗi viết một cuốn tiểu thuyết triết học dễ hiểu làm quà sinh nhật tuổi 15 của cô con gái Hi-đơ. Cũng từ đây, người đọc mới vỡ lẽ nhờ kết cấu “truyện lồng trong truyện” nên Giốt-xtanh Gô-đơ đã khéo léo giới thiệu triết học một cách hấp dẫn thỏa mãn cả hai nhu cầu: Vừa muốn tìm hiểu triết học vừa muốn biết cuộc phiêu lưu của cô bé Sô-phi sẽ đi đến đâu.

Tất nhiên, câu chuyện còn phát triển khi tác giả muốn giới thiệu nốt cho độc giả các kiến thức triết học hiện đại như chủ nghĩa hiện sinh và nhất là khi triết học ngày càng trở nên gần gũi với vật lý hiện đại trong cách giải thích về sự ra đời của thế giới. Vì thế, tác giả tiếp tục hư cấu khi ông Thiếu tá không còn kiểm soát được hai nhân vật Sô-phi và An-béc-tô nữa, cả hai thoát khỏi tiểu thuyết trở thành hai người vô hình khám phá thế giới như hai cha con Hi-đơ ngoài đời thực.

Cũng như các cuốn triết học phi hàn lâm khác, tiểu thuyết “Thế giới của Sophie” không muốn thần thánh hóa triết học như là một lĩnh vực đặc tuyển cho một vài người. Thực ra, triết học từ khi ra đời đến nay chỉ cố gắng đặt ra những câu hỏi và cố đi tìm ra các lời giải về các vấn đề tự nhiên và xã hội loài người mà thôi. “Thế giới của Sophie” được viết với mục đích giản dị như vậy và có lẽ nên lý giải sức hút của cuốn tiểu thuyết này như vậy chăng?

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1