Đi tìm tác phẩm văn chương đỉnh cao: Từ quặng có thành vàng?

01:27:00 28/11/2013

Tại sao ở Việt Nam lúc này chất liệu, mùi tiểu thuyết, quặng nghệ thuật rất phong phú mà vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm? Câu hỏi của nhà văn Chu Lai cũng chính là câu hỏi đặt ra trong hội thảo khoa học toàn quốc do Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật trung ương tổ chức vào ngày 27-28.11 tại TP.Hồ Chí Minh.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.Đ
Ban tổ chức kêu gọi văn nghệ sĩ nói thật, nói thẳng về 15 năm nhìn lại văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, vấn đề là một nền văn học nghệ thuật nặng về minh họa, tuyên truyền thì bản thân nó khó mà đạt được cái gọi là đỉnh cao. Trong số 70 tham luận về đủ các ngành văn học nghệ thuật, nổi cộm nhất vẫn là chuyện về tự do sáng tác, về tác phẩm văn chương chưa theo kịp yêu cầu thời đại, về mặt hạn chế của sáng tạo văn học nghệ thuật 15 năm qua.

Nỗi sợ mơ hồ

Nhà văn Sương Nguyệt Minh nêu một số lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao, là thiếu vắng nhà văn có tư tưởng lớn, chưa đam mê quyết liệt, không dấn thân tận cùng, nhà văn Việt đang bị tán tài, bị biên tập dữ dội, rồi nhà văn sợ hãi tự biên tập mình, cùng một nền phê bình yếu không kích thích sáng tạo.

Nhà văn trẻ Phùng Văn Khai thú nhận chân thành: “Chính tôi cũng đang không ít lúc phải chống đỡ, hãi sợ những thứ mơ hồ phi văn chương, nhưng luôn neo cột, nhắc nhở, thậm chí vây hãm ngòi bút của mình. Những ràng buộc có nguy cơ biến chúng tôi trở nên ngày càng nhỏ bé xiết bao trước sôi động của cuộc sống, trước sự thật buốt lòng của con người mà lẽ ra một ngòi bút có lương tâm phải lên tiếng...

Văn chương lúc này không phải là thứ vỗ tay reo mừng chiến thắng, hân hoan đắc chí mà phải là thứ văn chương lầm than cùng với thân phận của con người. Người viết bấy giờ phải nổi chìm như đời sống thực, có khi còn phải đào sâu hơn, đớn đau hơn. Khi ấy, có thể sẽ xảy ra nhiều khả năng cho người cầm bút, thậm chí nhiều phần là khả năng xấu”.

Về lý luận phê bình, nhà nghiên cứu Trần Thanh Đạm cho rằng: “Cần phải đi tìm một lý tưởng mới cho văn học để đáp ứng khát vọng của công chúng. Chủ nghĩa hiện thực phê phán dù thay đổi màu sắc theo chiều hướng hiện đại cũng không thỏa mãn khát vọng, thị hiếu của người VN hiện đại, nhất là thế hệ trẻ. Văn học không thể tồn tại và phát triển chỉ dựa vào nhiệt tình phê phán, mà phải có một lý tưởng. Một chủ nghĩa hiện thực không chỉ phê phán mà còn xây dựng theo một lý tưởng nhân văn phong phú và cao đẹp, đó là nhu cầu của văn học ta hiện nay”.

Cái nền còn mỏng

Nhà văn Chu Lai bộc trực: :Ngoài những trái núi thi ca ít ỏi như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm..., ta chưa có sẵn một cái nền vạm vỡ để đứng lên như các nước khác. Có một thời ta quá lụy về các thứ học thuật như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán, hiện thực huyền ảo rồi hậu hiện đại mà quên mất độ lay động mãnh liệt của nó.

Khi nó đã có độ lay động thật rồi thì tự thân nó đã chứa tất cả phương pháp. Ta thường nói vui: Một tác phẩm có hết thảy các loại tính: Tính Đảng, tính dân tộc, tính chiến đấu, tính hội nhập, đổi mới, nhưng cái quan trọng là tính hay lại chưa có. Và việc xét tặng giải thưởng đòi hỏi công tâm, nếu không, nó sẽ là giọt a-xít nhỏ xuống một cơ thể đang có chiều mang mầm bệnh sẽ khiến nó bị hoại thư, khi đó chỉ có nhân dân là mất thần tượng của mình”.

Nhà nghiên cứu Phong Lê khái quát: “Thiếu đi cái tự do sáng tạo cho người viết do họ thiếu dũng cảm, thiếu bản lĩnh, hoặc do những hạn chế, kiềm chế của thể chế thì đừng nói gì đến các giá trị, cũng đừng mơ đến đỉnh cao”.

Dù mổ xẻ nhiều mặt, nhưng nhìn chung, nói như nhà văn Chu Lai, sức khỏe của một nền văn học nghệ thuật không phụ thuộc vào các hội thảo, hội nghị, tuyên truyền, mà nó nằm cô đơn ở từng góc phòng, nó vật vã ở từng cá thể vì nó là đơn nhất.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1