Nhà văn Patrick Deville cho biết, Trung tâm các nhà văn nước ngoài và dịch giả do ông điều hành dự định sẽ dành một số hoạt động của năm 2015 để giới thiệu văn học Việt Nam.
- Trong đánh giá của giới phê bình nghiên cứu, tác phẩm của ông đã góp phần rất lớn trong việc cách tân tiểu thuyết Pháp đương đại. Xin hỏi, với ông, vấn đề cách tân tiểu thuyết có phải là mối quan tâm hàng đầu của ông hay không?
- Đúng là hình thức với tôi rất quan trọng. Nhưng nó không là mối quan tâm duy nhất.
- Vậy khi bắt tay vào viết một cuốn sách mới, điều khiến ông suy nghĩ nhiều nhất là gì?
- Thường tôi có bốn, năm dự án tiểu thuyết cùng một lúc. Đó là những công trình dài hơi, nhiều công trình ám ảnh tôi ròng rã hàng chục năm. Để thực hiện mỗi công trình, tôi thường kết hợp các chuyến đi “thực địa” và việc nghiên cứu tìm hiểu tại thư viện và phòng lưu trữ.
- Các tác phẩm của ông phân hai nhánh khá cân bằng với nhau: phần đầu gồm những tác phẩm thuần hư cấu và phần sau là những tác phẩm phi hư cấu. Tại sao ông lại chuyển hướng như vậy?
- Tiểu thuyết phi hư cấu cho phép tôi đề cập đến những đề tài mang tính địa lý, lịch sử, chính trị rộng lớn. Tôi khó có thể đạt được những phân tích như vậy với các nhân vật hư cấu. Câu chuyện về Yersin chẳng hạn đã là dịp để tôi khai thác bình diện hơn 150 năm, qua nhiều thế hệ, với những khuôn mặt rất khác nhau, như nhà bác học Pasteur, nhà thơ Rimbaud, nhà văn Céline, nhà chính trị Doumer,…
- “Hai tác phẩm của ông đã được dịch ở Việt Nam (“Yesin – dịch hạch & thổ tả”, “Viễn vọng”, NXB Trẻ và Nhã Nam xuất bản 2013) . Đây là lựa chọn của ông hay lựa chọn của nhà xuất bản? Chúng có phải là những tác phẩm ông muốn giới thiệu nhất ở Việt Nam?
- “Yersin : dịch hạch & thổ tả” thì đơn giản là do Bộ Văn hóa Pháp muốn giới thiệu cho công chúng Việt Nam nhân năm Pháp tại Việt Nam. Riêng “Viễn vọng” là lựa chọn của dịch giả Đoàn Cầm Thi. Trong một lần luận đàm văn chương, cô ấy ngỏ ý nhân dịp này, muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam một tiểu thuyết nữa của tôi, hoàn toàn khác với cuốn về Yersin.
Ra đời cách nhau gần 25 năm, quả là hai tác phẩm này là hai thái cực: một thuần hư cấu, một phi hư cấu, với hai lối viết và hai cách tiếp cận thế giới trái ngược nhau. Nhưng vô thức luôn làm ta bất ngờ : một cách vô cùng ngẫu nhiên, hai tiểu thuyết đều có nhân vật chính là một nhà khoa học vừa khổ hạnh vừa ngông cuồng.
- Có thể nhận thấy văn chương và khoa học là hai đề tài được kết hợp song song trong cả hai tiểu thuyết này. “Viễn vọng” đề cao tinh thần “biến văn chương thành nơi thẩm thấu triết lý khoa học” như Đoàn Cầm Thi nhận xét trong Lời bạt. Nhưng chính trong cuốn “Yersin - dịch hạch & thổ tả” thì dường như chất triết lý khoa học lại rất ít. Vì sao thưa ông?
- Tôi vốn học Triết và rất mê khoa học, đặc biệt khoa học chính xác. Vì thế trong tiểu thuyết, tôi luôn tìm hiểu mối quan hệ triết học giữa văn chương và khoa học. Cụ thể, tôi muốn khảo sát tầm vóc nghệ thuật của khoa học. Suốt đời nghiên cứu vi trùng học, sinh vật học, thiên văn học,... dường như chính Yersin cũng cảm thấy có một cái gì chưa đủ trong cuộc đời đầy ắp khoa học của mình. Có lẽ chính về thế mà ở tuổi xế chiều, sau khi coi văn chương nghệ thuật là một “thứ phù phiếm”, Yersin học lại tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp. Khi ông mất, người ta tìm thấy trong sổ tay của ông nhiều ghi chép về Virgile, Horace, Cicéron, Platon.
- Ở cuốn tiểu thuyết về Yersin – một người không còn xa lạ ở Việt Nam – ông đã viết câu chuyện của quá khứ nhưng không nhuốm mầu hoài cổ mà đầy tinh thần hiện đại. Điều này phải chăng, chính là tinh thần của Hậu – tiểu thuyết mới?
- Cũng có thể nói như vậy, nhưng điều tôi muốn tìm hiểu và khám phá trong cuốn sách này, chính là hiện tại. Và nếu nó nói về quá khứ, thì chỉ vì đấy là chất liệu để tôi giải mã hiện tại.
- Theo ông, dạng thái mới nào cho văn chương để thể hiện tương quan giữa con người và thời đại?
- Thú thực chính tôi cũng luôn đặt cho mình câu hỏi này. Và mỗi tác phẩm của tôi là một thử nghiệm, một cách trả lời.
- Trong các ngày 11, 12 và 14 tới ông sẽ có các cuộc gặp gỡ độc giả Việt Nam tại Đà Lạt, Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh. Tôi chắc nhiều nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ muốn được trao đổi, lắng nghe những chia sẻ của ông về kinh nghiệm sáng tác, cũng như câu chuyện của cách tân văn học. Nếu có thể dành một lời khuyên cho họ – với tư cách một đồng nghiệp đi trước, ông sẽ nói gì?
- Tôi không có lời khuyên gì hết. Nhưng tôi sẽ rất vui được trò chuyện cùng họ.
- Những nỗ lực đưa tác phẩm tiêu biểu của hai nền văn học Pháp – Việt Nam đang được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân. Tôi muốn đặc biệt nhắc đến Tủ sách văn học đương tại Việt Nam tại Pháp. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của những người phụ trách Tủ sách này?
- Trước hết, đó là một sáng kiến rất hay. Nhờ đó, độc giả Pháp khám ra một nền văn học Việt Nam đa dạng, một lớp nhà văn trẻ đang thành hình với nhiều đột phá. Tôi được biết, chỉ trong vòng một năm sau khi chào đời, tủ sách đã ra được 5 đầu sách và sẽ có nhiều hơn nữa trong năm tới. Tôi chúc các bạn thành công.
- Ông có nhiều cơ hội để tiếp cận văn học Việt Nam hay không?
- Trung tâm các nhà văn nước ngoài và dịch giả do tôi điều hành dự định sẽ dành một số hoạt động của năm 2015 để giới thiệu văn học Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lý tưởng cho tôi và nhiều độc giả Pháp được tiếp cận các tác phẩm và tác giả Việt.
- Đây quả là một tin vui với các nhà văn Việt Nam. Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện.